Những người truyền thống nên ‘sử dụng quyền lực’ chống lại các công ty ‘thức tỉnh’ và sự kiểm duyệt của Big Tech
Một chuyên gia pháp lý cho biết trong cuộc thảo luận hôm thứ Năm (05/05), những người Mỹ theo phái bảo tồn truyền thống nên sử dụng thẩm quyền thể chế để trừng phạt các công ty, bao gồm cả các đại công ty công nghệ (Big Tech), trở nên “quá thức tỉnh” và kiểm soát “mọi tổ chức văn hóa lớn ở Mỹ.”
Ông Josh Hammer, biên tập viên bình luận của Newsweek và cố vấn cho Dự án Trách nhiệm Giải trình trên Internet, cho biết trong một cuộc thảo luận nhóm do Heritage Foundation tổ chức hôm 05/05: “Nói một cách rộng rãi, có một thể chế mà các tổ chức cấp tiến tự do không kiểm soát một cách đơn điệu, đơn phương. Đó là chính phủ.”
Để chống lại sự kiểm soát ngày càng mở rộng của Big Tech, những người theo phái bảo tồn truyền thống nên “sử dụng quyền lực” chống lại các công ty “thức tỉnh”, tương tự như các hành động của Thống đốc Florida Ron DeSantis đối với Disney, ông Hammer cho biết khi trả lời câu hỏi về việc liệu tiểu bang hành động để kiềm chế Big Tech có đáng lo ngại với những người theo phái bảo tồn truyền thống cũng như những người theo chủ nghĩa tự do hay không.
Ông Hammer nói trong cuộc thảo luận: “Điểm ngữ nghĩa rộng hơn ở cấp độ nguyên tắc chính trị ở đây là về chủ quyền. Chúng ta có viết nên các quy tắc cho quảng trường thành phố của chúng ta, quảng trường công cộng của riêng chúng ta, để kiểm soát vận mệnh của chính chúng ta? Hay chúng ta sẽ ủy thác những quyết định này cho những người hám lợi cánh tả đơn điệu về mặt chính trị ở Thung lũng Silicon?”
Vi hiến
Trong cuộc thảo luận tại hội thảo, nhan đề “Kiểm duyệt của Big Tech: Tu chính án thứ Nhất áp dụng cho Internet như thế nào?” ông Hammer đã giải thích chi tiết về cách các công ty Big Tech hiện được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm đối với việc kiểm duyệt phát ngôn được bảo vệ theo Hiến Pháp dựa trên Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông năm 1996.
Ông Hammer đề cập đến vụ Norwood kiện Harrison (1970), một vụ án pháp lý về phân biệt chủng tộc, trong đó Tối cao Pháp viện cho rằng chính phủ “không được xúi giục, khuyến khích, hoặc thúc đẩy tư nhân thực hiện những gì mà Hiến Pháp cấm thực hiện.”
Tuy nhiên, ông nói, Quốc hội đã cung cấp “quyền miễn trừ ngoài pháp luật” cho các công ty Big Tech bằng cách ban hành Mục 230, “cho phép họ kiểm duyệt phát ngôn được bảo vệ theo Hiến Pháp.”
Ông Hammer nói, “Khi Quốc hội quyết định và cung cấp quyền miễn trừ ngoài pháp luật này, [các công ty Big Tech] không thể kiểm duyệt phát ngôn mà lẽ ra sẽ được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ nếu phát ngôn đó xuất phát từ bên lề. Nhưng đó chính xác là những gì họ đã làm.” Ông cho biết thêm rằng các tòa án đã giải thích “điều khoản được gọi là ‘người Samari nhân lành’ trong tiểu mục C” của Mục 230 để trao “quyền quyết định tùy ý lớn cho giới tinh hoa Big Tech, cho các nhà tài phiệt, điều đó đã tạo ra một vấn đề Hiến Pháp theo chính cách diễn đạt của vụ Norwood kiện Harrison.”
Ông Hammer nói thêm, “những lời đe dọa ngầm” từ các nhân vật công cộng từ cánh tả khiến mối quan hệ công tư này thêm phức tạp — chẳng hạn như bình luận của Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hồi năm ngoái về việc “làm việc với ông Mark Zuckerberg để giảm thông tin sai lệch về COVID” — mà “rõ ràng đã làm mờ đi” ranh giới giữa tác nhân công cộng và tư nhân.
Ảnh hưởng của Big Tech đến bầu cử
Theo ông Hammer, cách tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy” này từ phía cánh tả đã cho phép các Big Tech giành được quyền kiểm soát đáng kể đối với những gì mọi người nhìn thấy, ngay cả trong điều được coi là nền tảng cho một nền dân chủ đang hoạt động như bầu cử.
Đó là trường hợp khi Twitter kiểm duyệt câu chuyện về máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden của tờ New York Post, một hành động mà ông Hammer cho rằng có thể đã làm ảnh hưởng đến số phiếu bầu của một lượng người mang tính quyết định.
Ông nói: “Tôi biết rất rõ về tờ báo đó — họ đã bị khóa khỏi nguồn cấp dữ liệu Twitter của chính họ. Quý vị thậm chí không thể nhắn tin trực tiếp đường liên kết đó. Quý vị thực sự còn không thể chia sẻ một cách riêng tư liên kết đến câu chuyện đình đám này, vốn có tới hơn 20% số người được hỏi sẽ thay đổi phiếu bầu của họ theo đúng nghĩa đen.”
Ông Hammer cho biết một trường hợp điển hình khác thể hiện ảnh hưởng của Big Tech trong các cuộc bầu cử là thao túng thuật toán của Google trong cuộc bầu cử năm 2016, như đã được ông Robert Epstein của Đại học Harvard làm chứng trong một phiên điều trần quốc hội vào năm 2019.
Ông Hammer lưu ý, “Ông ấy đã làm chứng rằng theo nghiên cứu của riêng mình — và nếu tôi nhớ không nhầm thì cá nhân ông ấy đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton vào năm 2016 — nhưng ông ấy đã làm chứng rằng một mình Google có thể thao túng tới 3 triệu phiếu ủng hộ bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 một cách đơn giản do thao tác thuật toán.”
Trong phiên điều trần trước Quốc hội mà ông Hammer đề cập đến, ông Epstein, một nhà tâm lý học nghiên cứu gần 40 năm, đã làm chứng rằng “Google là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền dân chủ và quyền tự chủ của con người.”
Chủ nghĩa tự do tuyệt đối ‘đã chết’
Theo ông Hammer, do ảnh hưởng của Big Tech, các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do tuyệt đối sẽ không có lợi như một giải pháp để khôi phục quyền tự do ngôn luận.
Ông nói, “Ngày mà Apple, Google, và Amazon, thông qua các cửa hàng ứng dụng của họ và Amazon Web Services, quyết định thông đồng một cách trần trụi và công khai nhằm tiêu diệt Parler là ngày mà khả năng tự tạo ra Google của riêng quý vị đã không còn. Lập luận về chủ nghĩa tự do tuyệt đối của những người theo chủ nghĩa tự do đã chết vào tháng 01/2021 theo đúng nghĩa đen.”
Ông Hammer nói rằng, trái với “những lời sáo rỗng theo chủ nghĩa tự do đã lỗi thời” về việc loại bỏ các quy định khi nắm quyền, những người theo phái bảo tồn truyền thống nắm quyền kiểm soát nên sử dụng quyền lực của họ để chống lại ảnh hưởng của cánh tả.
Ông Hammer lưu ý, một ví dụ về biện pháp đối phó này là gắn “Quyền miễn trừ ngoài pháp luật của Mục 230 với tiêu chuẩn của Tu chính án thứ Nhất bằng cách luật hóa điều đó vào luật thay cho điều khoản ‘người Samari nhân lành’ trong tiểu mục C của luật,” điều này sẽ ngăn các công ty Big Tech cấm mọi người có những phát ngôn được bảo vệ theo Hiến Pháp trên thực tế.
Ông Hammer gợi ý rằng một cách khác để chống lại hành vi độc quyền của Big Tech là áp dụng các tiêu chuẩn của nhà mạng chung cho các nền tảng như Google và Facebook.
Cách tiếp cận này tương đồng với “Đạo luật Tự do Ngôn luận Thế kỷ 21” mà Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee) đề nghị vào năm ngoái, sẽ áp dụng biện pháp bảo vệ trách nhiệm hẹp hơn thay cho Mục 230, cập nhật luật của nhà cung cấp dịch vụ chung để bao gồm các công ty Big Tech, yêu cầu các đại công ty công bố các chính sách kiểm duyệt nội dung và cấm kiểm duyệt chính trị trên các nền tảng này.
Ông Hammer nói, hiện tại, các biện pháp song song như kiểm duyệt phối hợp đối với Parler không cấu thành một hành vi “vi phạm chống độc quyền về thực chất” theo Đạo luật Sherman năm 1890. Do đó, để giải quyết hành vi thông đồng có tính chất tương tự, ông khuyến nghị Quốc hội sửa đổi các học thuyết chống độc quyền để coi hành vi “thông đồng rõ ràng và hiển nhiên đến vậy” là hành vi độc quyền.
Ông Hammer nói, “Nếu chúng ta định bảo tồn bản chất nước cộng hòa Mỹ này … những điều thật, điều tốt đẹp, trật tự, và tự do mà Hiến Pháp đã lưu giữ một cách đúng đắn qua các thế hệ, thì đã đến lúc thực sự sử dụng quyền lực để trừng phạt các công ty quá thức tỉnh.”
Anh Gary Bai là phóng viên của Epoch Times Canada, đưa tin về Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: