Những người theo chủ nghĩa Mao nhấn chìm Kenosha trong lửa
Trong số những kẻ bạo loạn đã tấn công cảnh sát bằng bom xăng, pháo hoa, và đốt cháy nhiều tòa nhà ở thành phố Kenosha, tiểu bang Wisconsin, trong khoảng một tuần lễ, có nhiều thành viên của một nhóm thân Trung Cộng, vốn đã châm ngòi cho cuộc bạo loạn hồi tháng 5 ở Minneapolis sau khi một cảnh sát làm George Floyd thiệt mạng.
Những thành viên theo chủ nghĩa Mao thuộc Tổ chức Xã hội Chủ nghĩa Con đường Tự do (FRSO) phải chịu gần như toàn bộ trách nhiệm cho việc kích động cuộc bạo loạn gần đây ở Kenosha. Thị trấn 100,000 dân này đã bị xé nát, các doanh nghiệp và xe hơi bị đốt phá, nhiều người đã bị bắt và hai người đã thiệt mạng. Nhưng dường như không ai muốn chỉ ra thủ phạm thực sự.
Tổ chức FRSO có trụ sở tại Midwest. Nó đã duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Chicago và Minneapolis trong nhiều thập kỷ. Trong những năm gần đây, tổ chức này đã mở rộng tầm ảnh hưởng sang Milwaukee và các làng đại học nhỏ ở Oshkosh và Kenosha, nơi mà những nòng cốt mới được chiêu mộ thông qua các chi nhánh thanh niên của FRSO trong khuôn viên trường học, dưới tên gọi Tân Sinh viên cho một Xã hội Dân chủ.
Vào ngày 20/2/2017, khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, thư ký chính trị của FRSO, Steff Yorek, đã tuyên bố trước đám đông những người biểu tình ở Washington rằng, “Chúng ta cần phải xuống đường trong suốt bốn năm để phản đối Trump và làm cho đất nước này trở nên không thể kiểm soát được.”
Vào tháng 11/2019, FRSO đã mở một hội nghị tại Chicago để thành lập một tổ chức mới trên toàn quốc: Liên minh Quốc gia Chống Phân biệt chủng tộc và Đàn áp Chính trị (NAARPR).
Chính xác hơn, đó là sự tái thành lập của một mặt trận cũ cùng tên của Đảng Cộng sản Hoa Kỳ vào những năm 1970. NAARPR ban đầu được thành lập để giải phóng thành viên cộng sản cốt cán Angela Davis, người đã bị bắt vì các cáo buộc đồng lõa trong vụ sát hại một thẩm phán California. Davis cuối cùng được tha bổng cho tội giết người vào năm 1972, và bà ta thậm chí còn đến Chicago để chúc phúc cho tổ chức mới thành lập.
Được lãnh đạo bởi Ủy viên Trung ương của FRSO là Frank Chapman, tổ chức NAARPR mới này rõ ràng được lập nên để đối đầu với cảnh sát về các vấn đề bị cho là phân biệt chủng tộc và sự bạo hành của cảnh sát. Chapman nói với FightBack! News:
“Các cộng đồng người da đen và da nâu bị tuần tra quá nhiều, ít được bảo vệ, và phải đối mặt với sự quấy rối của cảnh sát, nạn phân biệt chủng tộc, tra tấn và giết người hàng ngày. Điều này không chỉ xảy ra ở Chicago, New York, hay Los Angeles; điều này xảy ra trên toàn quốc.”
“Chúng tôi tin rằng tính nghiêm trọng về sự bạo ngược của cảnh sát đã tạo ra một nhu cầu lớn cho cộng đồng nhằm kiềm chế lực lượng cảnh sát. Chúng tôi tin rằng vấn đề này có thể được đảm đương tốt nhất bằng một phong trào toàn quốc tổ chức bởi sự tái thành lập của Liên minh Quốc gia Chống Phân biệt chủng tộc và Đàn áp Chính trị (NAARPR).”
NAARPR nhanh chóng thành lập các chi nhánh và liên minh trên khắp cả nước, tất cả đều có liên kết với FRSO hoặc các nhóm thân cộng.
Chi nhánh tại Minneapolis của NAARPR, tổ chức Twin Cities Coalition 4 Justice 4 Jamar, lãnh đạo bởi các thành viên của FRSO là Jess Sundin và Lorraine VanPelt, đã châm ngòi cho các cuộc bạo động ở Minneapolis.
Khi những người biểu tình tập trung ở trung tâm thành phố Kenosha sau vụ cảnh sát nổ súng bắn Jacob Blake ngày 23/8, có ba biểu ngữ xuất hiện rất rõ phía trước đám đông gồm vài trăm người biểu tình: biểu ngữ màu đỏ tươi của FRSO, biểu ngữ màu xanh lá cây của Liên minh Chống Phân biệt Chủng tộc và Đàn áp Chính trị Milwaukee, và lá cờ đen nhỏ hơn của tổ chức Tân sinh viên cho một Xã hội Dân chủ, có lẽ là thuộc chi nhánh của Đại học Wisconsin – Parkside tại địa phương.
Ngay trước cuộc tuần hành, một phụ nữ trẻ dẫn đầu đám đông hô vang “cuộc cách mạng muôn năm” ngay trước biểu ngữ của FRSO. Các trang Facebook của FRSO (chi nhánh Wisconsin và toàn quốc) cùng với trang web FightBack! News trực thuộc tổ chức này đều đưa tin rộng rãi về các cuộc biểu tình và bạo loạn.
Trang Facebook của Liên minh Chống Phân biệt Chủng tộc và Đàn áp Chính trị Milwaukee đã đưa ra lời kêu gọi trả tự do cho người biểu tình bị bắt là Adelana Akindes, một lãnh đạo của tổ chức Tân Sinh viên cho một Xã hội Dân chủ thuộc chi nhánh Đại học Wisconsin – Parkside.
Liên minh Chống Phân biệt Chủng tộc và Đàn áp Chính trị Milwaukee được lãnh đạo bởi thành viên Lauryn Cross của FRSO.
Một bài đăng trên trang Facebook của FRSO chi nhánh Wisconsin vào ngày 25/8 có trích dẫn lời của Mao Trạch Đông trên một bức ảnh về cuộc biểu tình ở Kenosha với các hashtag như #Justice4JacobBlake #NationalLiberation và #Kenosha.
“Con người, và chỉ có con người, mới là động lực tạo nên lịch sử thế giới”, Mao Trạch Đông
Bài đăng Facebook này sau đó nhấn mạnh “các đồng chí trên tiền tuyến ở Kenosha tối nay”.
Trang FightBack! News của FRSO đã tuyên bố:
“Các thành viên của Liên minh Chống Phân biệt Chủng tộc và Đàn áp Chính trị Milwaukee cùng với Tổ chức Xã hội Chủ nghĩa Con đường Tự do đang tham gia vào các cuộc biểu tình.”
Buổi sáng sau cuộc bạo loạn đầu tiên, FightBack! News đã mô tả sự hỗn loạn đêm trước đó là một “Cuộc nổi dậy đang diễn ra ở Kenosha”.
“Cảnh sát chống bạo động đã tập hợp tại hiện trường vụ nổ súng khi đám đông bắt đầu tụ tập, bao gồm cả các thành viên của Liên minh Chống Phân biệt Chủng tộc và Đàn áp Chính trị Milwaukee. Những người biểu tình nhanh chóng trở nên giận dữ. Xe cảnh sát đã bị đập phá và bom xăng được ném ra. Người biểu tình đã đuổi cảnh sát ra khỏi đó và bắt đầu một cuộc tuần hành đến Sở cảnh sát Kenosha (KPD) ở trung tâm thành phố.”
“Khi những người biểu tình đến tòa nhà KPD, họ đã tập hợp ở bãi đậu xe phía trước. Khi đám đông tụ tập đông lên, các xe tải của lực lượng SWAT và cảnh sát chống bạo động đã đi xuống hiện trường. Khí hơi cay đã được sử dụng, nhưng không đủ để giải tán đám đông. Cảnh sát chống bạo động đã xếp thành một hàng và cố gắng đẩy đám đông ra xa khỏi tòa nhà và bãi đậu xe. Đám đông đã nắm lấy tay nhau để ngăn cảnh sát. Họ cùng giữ vững và hô vang ‘Không có công lý thì không có hòa bình!’ và ‘Jacob Blake!’”
“Cuối cùng, cảnh sát chống bạo động bắt đầu rút vào đồn cảnh sát. Những người từ đám đông ném pháo hoa vào phía sau hàng ngũ các nhân viên cảnh sát. Sau đó, làn sóng hơi cay thứ hai được bắn vào dòng người biểu tình, lần này với số lượng lớn hơn, buộc họ phải tách nhau ra. Bất chấp những nỗ lực [của cảnh sát], người dân vẫn không bỏ cuộc. Thêm nhiều xe cảnh sát bị đập phá và các phương tiện khác được KPD sử dụng để chặn đường đã bị đốt cháy.”
Cách hành văn phía trên tương tự như cách viết đã được sử dụng sau cuộc bạo động ở Minneapolis. Trong một cuộc phỏng vấn với podcast Green Flame (đã bị xóa khỏi trang web của họ), thành viên Sundin thuộc chi nhánh FRSO Minneapolis và cũng là người tổ chức biểu tình nói:
“Hai tuần đầu tiên sau khi George Floyd bị giết đã chứng kiến một sự cao độ của việc tổ chức [biểu tình] cả ngày lẫn đêm. Vào ban ngày, chúng tôi sẽ có các cuộc tuần hành và biểu tình, còn vào ban đêm, tâm điểm thường tập trung ở Khu vực thứ Ba. Nơi đó là đồn cảnh sát mà những kẻ giết George Floyd đã làm việc… Tôi không thể diễn tả với bạn niềm sung sướng khi chứng kiến Khu vực thứ Ba bị phá hủy.”
Phát biểu trước một đám đông ở Milwaukee hai ngày trước khi Blake bị gây thương tích nặng ở Kenosha, một thủ lĩnh quan trọng của FRSO Wisconsin, Ryan Hamann, đã công khai ca ngợi vụ đốt phá đồn cảnh sát Khu vực thứ Ba tại Minneapolis:
“Vào ngày 28/5, hàng ngàn người khác trong thành phố đó đã tổ chức tuần hành và buộc cảnh sát phải rút lui hoàn toàn khỏi đồn cảnh sát Khu vực thứ Ba, và cái đồn đó đã bị thiêu rụi đích đáng.”
Tổ chức FRSO đi theo đường lối của Trung Cộng. Không khó để có thể tìm thấy mối liên hệ của họ với các cuộc bạo động ở Minneapolis, Kenosha và hơn một chục thành phố khác trên khắp Hoa Kỳ.
Liệu các nhà chức trách có trốn tránh việc chỉ ra rằng các đồng chí công dân Hoa Kỳ trung thành với Trung Cộng đang thiêu rụi các thành phố của Hoa Kỳ?
Phải có thêm bao nhiêu thành phố nữa phải bị phá hủy thì chính quyền mới sẵn sàng hành động?
Trevor Loudon là một tác giả, nhà làm phim và diễn giả đại chúng đến từ New Zealand. Trong hơn 30 năm, ông đã nghiên cứu các phong trào cực tả, chủ nghĩa Mác, phong trào khủng bố, cùng với sự ảnh hưởng ngầm của chúng đối với nền chính trị. Ông nổi tiếng với cuốn sách “Những kẻ thù đến từ bên trong: Những người cộng sản, những người theo chủ nghĩa xã hội và những người cấp tiến trong Quốc hội Hoa Kỳ” và bộ phim tài liệu “Những kẻ thù từ bên trong” với chủ đề tương tự. Cuốn sách được xuất bản gần đây của ông là “Những kẻ màu Đỏ ở Tòa Bạch Ốc: Những người Cộng sản, Chủ nghĩa xã hội & mang Nguy cơ An ninh đang Tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả: Trevor Loudon