Những người Mỹ biện hộ cho Trung Cộng: Kẻ thù giai cấp của Trung Cộng là ‘những khối u xã hội biến thái’
Hôm 30/06, CNN đã xuất bản bài báo với nhan đề “Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) sắp tròn 100 tuổi nhưng ông Tập thực sự là ngôi sao sáng nhất.” Tác giả Ben Westcott đã viết rằng, phần lớn buổi lễ kỷ niệm “sẽ tập trung vào ông Tập, người được cho là lãnh đạo quyền lực bậc nhất của nước này kể từ thời Mao, và tầm nhìn của ông ấy về đất nước.” Bên cạnh đó, “tầm ảnh hưởng của đảng này bên trong các tổ chức toàn cầu, kể cả Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới, đang ngày một gia tăng và nhiều quốc gia Tây phương cũng phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc để tăng trưởng kinh tế.”
Bài báo mang những lời có cánh của CNN đã khiến nhà phê bình theo phái bảo tồn truyền thống Dinesh D’Souza tự hỏi rằng, “Liệu có cách nào để phân biệt được điều này với thứ tuyên truyền mà chính Trung Cộng thường đưa ra hay không?” Sự tình này thật khó để nhận định, nhưng đây không phải là lần đầu tiên những nhà biện hộ ngoại quốc còn vượt trội hơn cả Trung Cộng trên mặt trận tuyên truyền.
Trở lại năm 1972, khi cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông vẫn đang diễn ra, các nhà xã hội học người Mỹ là bà Janet Goldwasser cùng chồng là ông Stuart Dowty đã có một chuyến đi đến Trung Quốc. Kết quả là tác phẩm “Huan-Ying: Journey Through Workers’ China” (“Huan-Ying: hành trình đi qua tầng lớp lao động Trung Quốc”) được xuất bản vào năm 1975. Bà Goldwasser giải thích vào năm 2019 rằng, “Chúng tôi viết cuốn sách này để phản bác những thông tin sai lệch. Trung Quốc có một cách thức khác biệt để thiết lập các ưu tiên về chăm sóc sức khỏe và điều kiện làm việc, do vậy chúng tôi dự định đưa thông tin đến những độc giả không thể tự mình đến thăm đất nước này.”
Ông Stuart Dowty xuất hiện trong cuốn sách “China: People-Questions” (“Trung Quốc: Người dân-Các nghi vấn”) được xuất bản bởi Hội đồng Quốc gia của Giáo hội (NCC) năm 1975, trong lúc “Người Cầm lái Vĩ đại” (Mao Trạch Đông) vẫn đang đương quyền. Ông Dowty đã viết: “Trong khi công cuộc Giải phóng đất nước đã đưa toàn xã hội tiến lên chủ nghĩa xã hội, thì Cách mạng Văn hóa đã phát triển sâu rộng và tiếp tục tiến trình đó. Những khối u xã hội biến thái đã được xác định và được nhổ bỏ một cách không khoan nhượng. Và, người Trung Quốc kết luận rằng, sẽ có nhiều cuộc cách mạng văn hóa hơn nữa trong tương lai khi xã hội của họ chuyển dịch theo hướng xã hội chủ nghĩa.” Ông được xác định là một công nhân sản xuất xe hơi khi đến thăm Trung Quốc vào năm 1972.
“Những khối u xã hội biến thái” ám chỉ những người không tôn thờ chế độ Cộng sản. Những thứ này “bị nhổ bỏ một cách không nể nang gì,” một cách nói mới lạ để ngụ ý việc hàng triệu người đã bị sát hại. Điều này là cần thiết để tiến trình diễn ra.
Ông Dowty viết: “Sa thải và thất nghiệp là không thành vấn đề, bởi vì nền kinh tế được hoạch định của Trung Quốc có thể xử lý những thay đổi như vậy một cách hợp lý.” Người Mỹ này đã tham khảo các bài viết của Mao, trích dẫn các ví dụ về vô số người lao động hạnh phúc và kết luận rằng: “Không nghi ngờ gì nữa, các động cơ xã hội chủ nghĩa, trái ngược với các góc nhìn mang tính cá nhân, đã tạo ra một ấn tượng kỷ lục về tăng trưởng kinh tế và xã hội trong suốt hai thập kỷ qua.”
Biên tập viên Michael Chinoy của cuốn “China: People-Questions” đã giải thích rằng, “Cuộc cách mạng cộng sản của Trung Quốc đã đưa một xã hội gần như là trung cổ lạc hậu, nghèo đói bước vào một thế giới văn minh hiện đại,” ông nói thêm rằng, “một cuộc cách mạng hung bạo và nội chiến cay đắng là cần thiết để quét sạch sự mục ruỗng, bóc lột và lạc hậu của một Trung Hoa cũ kỹ.” Và với chiến thắng của Chủ nghĩa Cộng sản, “tiến trình cách mạng đã không dừng lại. Thật vậy, nó đã được tăng tốc nhanh hơn,” ông Chinoy, người đã trở thành ký giả chuyên mục Trung Quốc của CNN viết.
Người biện minh nhiều nhất cho Trung Cộng là nhà báo người Mỹ Anna Louise Strong. Người đầu tiên mà bà biện hộ chính là nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin. Bà Strong viết trong cuốn tự truyện năm 1935 rằng, “Đối với Stalin, chẳng có thần thánh nào cả,” “Chính tôi thay đổi thế giới,” “ông ấy quá sáng giá vì điều này.”
Năm 1949, sự nhiệt tình của bà Strong đối với những người Cộng sản Trung Quốc đã khiến bà bị bắt, thẩm vấn và trục xuất khỏi Liên Xô. Không nản lòng, công dân Mỹ này chuyển đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập và trở thành môn đệ của người cầm đầu Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông. Ông ta sắp đặt cho bà một căn nhà, xe hơi, thư ký riêng, người nấu bếp và người giúp việc. Từ những tiện nghi này, bà Strong đã biên tập tờ “Thư từ Trung Quốc,” được xuất bản hàng tháng, là một câu chuyện tôn sùng chế độ Cộng sản.
Bà Strong qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 30/3/1970 tại Bắc Kinh. Như New York Times đã đưa tin, “Bà Strong đã gia nhập phong trào Hồng Vệ binh” và như đài National Public Radio giải thích thì Hồng Vệ binh là “quân xung kích” và là “đao phủ,” những người này đã “bắt bớ, tra tấn hay thậm chí sát hại hàng triệu người Trung Quốc, những người được cho là ‘kẻ thù giai cấp’.” Và Hồng Vệ binh người Mỹ Anna Louise Strong vẫn thấy ổn thỏa với tất cả những việc làm đó.
Tương tự như “Thư từ Trung Quốc” của bà Strong, “China: People – Questions” về căn bản là phục hồi lại những tuyên truyền của Cộng sản, mặc dù “những khối u xã hội biến thái” của Stuart Dowty, có thể đã vượt trội hơn cả Trung Cộng về khía ma quỷ hóa. Ông Dowty hiện được biết đến là một luật sư ở Ypsilanti, Michigan, và là chủ tịch Đảng Dân Chủ của Quận Washtenaw.
Năm 2019, bà Janet Goldwasser, một giáo viên ở thành phố Ypsilanti, đã tự hào thể hiện rằng “Huan-Ying: Journey Through worker’ China” là tác phẩm đáng nhớ nhất mà bà từng viết. Cuốn sách này vẫn đang được bán trên Amazon, mà không hề lưỡng lự gì về các “thông tin sai lệch” mà bà và chồng bà đã dựng nên để “phản bác,” cũng như không có điểm nào trong hồ sơ hành vi tàn ác quy mô lớn của Trung Cộng.
Trong bài báo hôm 30/06 của mình, ký giả Ben Westcott của CNN giải thích rằng Trung Quốc đã “lãnh trách nhiệm cho một số [những] chương đen tối nhất của thế kỷ trước, trong đó có cuộc đàn áp tàn bạo đối với những sinh viên biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn, một thập kỷ hỗn loạn dưới thời cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông. Cách mạng Văn hóa, và hàng triệu người chết đói do hậu quả của các quyết định chính sách kinh tế thảm khốc của Trung Cộng.”
Phỏng theo câu nói nổi tiếng của nhà văn Milan Kundera, cuộc chiến chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc là cuộc chiến của ký ức chống lại sự lãng quên.
Tác giả Lloyd Billingsley là tác giả của những cuốn sách có nhan đề “Yes I Con: United Fakes of America,” “Barack’ em Up: A Literary Survey,” “Hollywood Party,” và các cuốn sách khác. Các bài báo của ông đã xuất hiện trên nhiều ấn phẩm, bao gồm Tạp chí Frontpage, The Wall Street Journal, và American Greatness. Ông Billingsley là thành viên chính sách của Viện Độc lập.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Lloyd Billingsley thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: