Những người gốc Hoa lợi dụng kẽ hở luật pháp trong việc hợp pháp hóa cần sa
Việc hợp pháp hóa cần sa ở nhiều tiểu bang khác nhau đã làm nảy sinh một chuỗi các ngành công nghiệp, gồm cả việc trồng cần sa phi pháp, buôn lậu giữa các tiểu bang, phân phối và rửa tiền, và quy mô của các hoạt động này đang ngày càng lớn. Một số người gốc Hoa đang lợi dụng kẽ hở của luật pháp để khai thác ngành công nghiệp cần sa.
Vào ngày 28/11/2017, 54 người gốc Hoa đã bị bắt giữ sau khi Cảnh sát Tiểu bang Washington đột kích vào một nơi ở bị tình nghi trồng cần sa trái phép. Khoảng 35,000 cây cần sa ước tính trị giá 80 triệu USD đã bị thu giữ. Các nhà điều tra cho rằng cần sa được trồng bất hợp pháp chủ yếu để cung cấp cho các thị trường Bờ Đông Hoa Kỳ, đặc biệt là New York.
Hồi tháng 06/2021, 21 người đã bị buộc tội trồng và phân phối cần sa phi pháp ở Colorado. Cuộc điều tra đã phát hiện ra rằng các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc rửa tiền qua hoạt động buôn bán ma túy tại Hoa Kỳ.
“Để kiếm được nhiều tiền hơn, họ phải lợi dụng các kẽ hở của luật pháp,” anh Lăng Phi (Ling Fei), một chủ cửa hàng máy tính ở Brooklyn, New York nói với The Epoch Times Hoa ngữ rằng anh phản đối việc hợp pháp hóa cần sa vì “một khi cánh cửa hé ra một chút, họ sẽ tiến vào vùng xám.”
Ngay cả ở những tiểu bang đã hợp pháp hóa việc trồng cần sa, các nhà khai thác cũng phải xin giấy phép. Chính phủ tiểu bang đang nỗ lực thiết lập một “hệ thống truy xuất nguồn gốc” để theo dõi mọi cây cần sa hợp pháp từ khi còn là hạt giống đến lúc bán ra thị trường. Mỗi cây con đều phải có chứng chỉ được mã hóa do tiểu bang cấp, cũng như toàn bộ thông tin trồng trọt và thậm chí cả vị trí cũng phải được ghi lại. Số gram cần sa được thu hoạch khi cây trưởng thành cũng phải được báo cáo cho phía chính phủ.
Theo anh Lăng, nhiều người khai thác không tuân theo luật một cách trung thực, “ví dụ như, người khai thác có 100 mã định danh cho 100 cây, nhưng anh ta có thể trồng 1,000 cây, 10,000 cây.” Anh ta sẽ thực hiện các giao dịch phi pháp dưới vỏ bọc hợp pháp, trắng đen lẫn lộn giữa hợp pháp và phi pháp.
Một số khách hàng của anh Lăng đang kinh doanh cần sa. Đôi khi, những người có nhiều kinh nghiệm trồng cần sa còn giải thích cho anh cách thức vận hành của hoạt động này.
Để ngăn chặn những kẻ trộm cần sa và giảm nguy cơ bị chính phủ phát hiện (chính phủ dùng trực thăng tuần tra các cánh đồng được trồng ngoài trời), nhiều nhà khai thác đã chuyển sang thuê nhà hoặc mua buồng để trồng cần sa trong nhà, bằng cách sử dụng ánh sáng nhân tạo. Việc sử dụng bóng đèn, quạt để kiểm soát nhiệt độ môi trường là rất tốn kém và dễ bị phát hiện nên một số đối tượng đã phá hoại hoặc sửa đổi công tơ điện, hay đấu nối trực tiếp vào lưới điện không qua công tơ, lấy cắp điện công cộng.
Làm như thế, công ty điện lực chỉ có thể phát hiện được lượng điện tiêu thụ khổng lồ, nhưng lại rất khó tìm ra nơi tiêu thụ.
Dần già, khi quy mô trồng cần sa trong nhà ngày càng nở rộ, thị trường chợ đen của ngành công nghiệp cần sa trở nên sôi động đến mức các nhân viên thực thi pháp luật hiện không thể theo kịp thị trường cung và cầu khổng lồ này.
Lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu cần sa xuyên tiểu bang cao hơn thị trường chợ đen
Mặc dù một số tiểu bang đã hợp pháp hóa việc trồng cần sa, nhưng cần sa thu hoạch vẫn không thể được vận chuyển ra ngoài biên giới tiểu bang, và việc vận chuyển và buôn bán ma túy liên tiểu bang là một trọng tội liên bang thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả việc sở hữu và sử dụng ma túy bất hợp pháp.
Việc mạo hiểm vận chuyển cần sa xuyên các tiểu bang và tuồn cần sa từ các tiểu bang hợp pháp sang các tiểu bang vẫn xem cần sa là phi pháp, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trên thị trường chợ đen. Trong một bài báo năm 2017 về tác động kinh tế của việc hợp pháp hóa cần sa, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Các vấn đề Nông nghiệp của Đại học California ước tính rằng, 80% cần sa trồng ở California được bán trên thị trường chợ đen đi các nơi bên ngoài tiểu bang sẽ có giá cao hơn, và không bao giờ bị đánh thuế hay bị kiểm soát.
Vào ngày 13/10/2020, Kim Chong Woo, Peng Cuodengzhu và Zhogha Luoda bị bắt giữ và bị buộc tội buôn lậu cần sa xuyên tiểu bang. Các đặc vụ của Bộ An ninh Nội địa đã tịch thu khoảng 1,200 pound cần sa (khoảng 540kg), 490,000USD tiền mặt cùng các công cụ được sử dụng để đóng gói cần sa, theo cáo trạng của Biện lý Hoa Kỳ tại Quận phía Nam của New York.
Anh Lăng nói rằng có rất nhiều công ty trao đổi tiền ngầm trong cộng đồng người Hoa và việc lưu hành tiền rất dễ dàng. “Họ sẽ tìm mọi cách để né những quy định này (trong luật pháp Hoa Kỳ), vì nghĩ rằng ‘nguy cơ bị bắt là rất mong manh.”
“Người Mỹ nghĩ rằng một đạo luật cứng rắn sẽ ngăn mọi người phạm tội. Nhưng thế hệ người Hoa đầu tiên đến từ Trung Quốc lại nghĩ khác. Họ tính toán cái giá phải trả để có được cơ hội và nghĩ rằng ‘làm sao mà người ngoại quốc lại có một hệ thống luật pháp ngây ngô như vậy?’ Và nghĩ cách để lợi dụng các kẽ hở trong luật. Nếu bị bắt, họ sẽ phản ứng như thể mua phải một tờ vé số trật “Ồ! Đúng là xúi quẩy!” anh Lăng cho hay.
Theo anh Lăng, những người Hoa trồng cần sa hầu hết sẽ không tự hút, và cũng cảnh báo con cái của họ là không được hút, nhưng lại nghĩ rằng cần sa tốt cho người khác và họ dùng kiểu gì là việc của họ. “Họ trồng cần sa với mục đích đơn giản là kiếm tiền, và họ không bận tâm về việc cần sa sẽ khiến những đứa trẻ khác nghiện ngập ra sao, hay nó sẽ gây hại cho Hoa Kỳ đến nhường nào.”
Anh Lăng tâm sự: Nhiều người Hoa, do không được giáo dục đạo đức trong môi trường chính trị cộng sản, họ đã quen với lối suy nghĩ của Trung Cộng. Thay đổi tư tưởng đó không hề dễ dàng và phải mất rất nhiều thời gian, nhưng những điều đầu tiên họ cần phải làm là khôi phục giá trị của bản thân, xây dựng niềm tin chân chính và có một môi trường xã hội thiện lương. Cuối cùng anh kết luận: “Người Hoa nên quan tâm nhiều hơn đến lợi ích và phúc lợi của cộng đồng.”
Do Hannah Cai thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: