Những ngọn đèn Giáng Sinh thắp sáng tâm hồn trong những ngày đông tăm tối
Khi tôi lớn lên trong những năm 50, 60, mẹ tôi thường là người bắt đầu giai đoạn chuyển giao từ những phần thức ăn thừa của Lễ Tạ Ơn sang bày trí những hộp quà đặt dưới gốc cây.
Vào ngày Chủ nhật đầu tiên của Mùa vọng, bà sẽ kết một vòng hoa thường xanh với bốn ngọn nến — ba ngọn nến màu tím và một ngọn nến màu hồng. Một vài năm, mẹ còn gắn những chiếc nơ bằng dây ruy băng vải satin vào chân nến. Mỗi tuần trước Lễ Giáng Sinh, mẹ tôi sẽ thắp một ngọn nến. Vào đêm vọng Lễ Giáng Sinh, một ngọn nến trắng sẽ được đặt vào giữa vòng hoa. Tôi thực sự yêu thích sự chuẩn bị thiêng liêng và mang tính nghi lễ này.
Lịch sử kết vòng hoa Mùa vọng đã có từ thế kỷ 16 ở Đức và chủ yếu là do những người theo giáo hội Luther và người Công giáo thực hiện.
Để chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh, cha tôi treo đèn ngoài hiên nhà. Cha sẽ làm một chiếc hộp bằng giấy carton được quấn quanh bởi những dây đèn lớn màu thường xanh dài ít nhất 3 inch. Đèn không nhấp nháy, lấp lánh hay phát ra bất kỳ tiếng động nào. Và khi một trong số các bóng bị hỏng, thì ông chỉ cần tháo bóng đó xuống và thay thế bằng một cái mới. Bóng đèn có các màu sắc rạng rỡ — đỏ, xanh lá, xanh dương, và vàng.
Vào những ngày mùa đông khi trời chuyển tối, cha tôi sẽ bật đèn lên và ánh sáng từ bóng đèn sẽ được phản chiếu lên khung cửa sổ lớn trong phòng khách nhìn ra hiên nhà. Tôi vẫn nhớ cảm giác sung sướng khi ngồi trên chiếc ghế dài và ngắm nhìn những ánh đèn đó qua khung cửa sổ. Những chiếc túi có màu sắc rực rỡ đều đặn chiếu vào bóng tối. Vào những buổi tối sương mù, màu sắc của bóng đèn dịu hơn và tỏa sáng trong tiết trời ban đêm.
Giữa vòng hoa mùa Vọng của mẹ và những chiếc bóng đèn lớn cha treo, bóng tối của mùa đông đã được xua tan. Dưới sự chăm sóc của cha mẹ tôi, những ngọn đèn này rọi sáng ngôi nhà.
Bài học từ ánh sáng
Giống như vòng hoa Mùa vọng, lịch sử của ánh đèn Giáng Sinh cũng bắt nguồn ở Đức vào thế kỷ 17. Người ta cẩn thận đặt những ngọn nến trên những nhánh thông. Những nhánh cây cũng thường xuyên được trông nom cẩn thận, với những xô nước bên cạnh. Dần dần, tập tục thắp sáng trong mùa Giáng Sinh này đã lan sang các nơi khác trên thế giới, trong đó có Mỹ quốc.
Nhằm quảng bá cho một trong những phát minh mới nhất của mình, bóng đèn sợi đốt, khoa học gia Thomas Edison đã treo đèn bên ngoài phòng thí nghiệm của ông vào năm 1880.
Vài năm sau, vào năm 1882, một trong những nhân viên kinh doanh của ông, ông Edward Hibberd Johnson, đã nảy ra ý tưởng treo dây đèn màu đỏ, trắng, và xanh dương quanh cây thông Giáng Sinh — điều này chắc chắn sẽ giảm rủi ro cháy nổ từ việc đốt nến. Những dây đèn này đã thu hút sự chú ý của những người qua đường. Ý tưởng đó thành công và sau cùng Công ty General Electric đã mua bằng sáng chế từ Ngài Edison. Việc một số tổng thống bắt đầu trưng bày những cây thông Noel được thắp sáng tại Tòa Bạch Ốc khiến những dây đèn trở nên thời thượng hơn, mặc dù vào thời điểm ấy, loại dây đèn như vậy rất đắt đỏ.
Chuỗi dây đèn ban đầu của Tổng thống Johnson có 80 đèn. Đến năm 1884, ông đã tăng lên 120 cái. Chắc chắn, ý tưởng tuyệt vời chưa từng có tiền lệ này của Ngài Johnson đã được cải thiện hơn nữa qua nhiều năm. Ý tưởng quảng bá kỳ diệu của ông đã đưa tới việc dây đèn trang trí được thắp sáng rực rỡ và phát triển qua từng năm.
Việc thắp sáng trong những ngày lễ đã đạt đến những tầm cao mới. Người ta ước tính rằng mỗi năm, Mỹ quốc có khoảng khoảng 150 triệu bộ đèn được bán ra. Những bộ đèn ấy thắp sáng khoảng 80 triệu ngôi nhà và tiêu thụ 6% tải điện của quốc gia vào mỗi tháng Mười Hai.
Theo dữ liệu từ trang Statista.com, năm 2019, giá trị của thị trường đèn chiếu sáng ngoài trời toàn cầu lên tới khoảng 10.7 tỷ USD. Giá trị của thị trường này dự kiến sẽ tăng lên 23.8 tỷ USD vào năm 2030.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi về những bóng đèn lớn rực rỡ đó, thì thời nay sự đa dạng và lượng đèn chiếu sáng ngoài trời thật đáng kinh ngạc — hết lối đi này đến lối đi khác đều có các bóng đèn, đèn nhấp nháy, đèn dây, hoặc đèn LED với vô số hình dạng và kích cỡ. Rất nhiều trong số đó được điều khiển từ xa hoặc quý vị có thể đặt hẹn giờ và bóng sẽ bật hoặc tắt theo ý muốn. Các dây đèn này được treo trên mái nhà, vắt vẻo trong bụi cây và trên cây xanh, tô điểm cho hàng rào, đặt xung quanh lối đi, những bóng đèn đó bừng sáng trong đêm.
Mùa xuân vừa qua, con gái chúng tôi, Sophia, và gia đình cháu đã chuyển từ Alexandria đến Warrenton, tiểu bang Virginia. Năm nay, cháu ăn mừng Giáng Sinh đầu tiên trong ngôi nhà mới của mình, nên Sophia đã hào hứng gọi điện cho tôi.
“Mẹ ơi, chúng con sẽ đón mẹ qua xem khu phố của con, nơi này giống như một bộ phim của kênh Hallmark. Rất nhiều ngôi nhà trang trí đèn sáng, thật rực rỡ.”
Con tôi không nói sai chút nào. Cho dù đó chỉ là một ngọn nến điện duy nhất tô điểm cho mỗi ô cửa sổ của một ngôi nhà từ thời thuộc địa cho tới những màn hình sáng choang, một số có những bông tuyết được chiếu và chuyển động, tôi đã hân hoan khi thấy rất nhiều ngôi nhà đang tỏa sáng.
Những ánh đèn tỏa sáng cho chúng ta cùng cảm ân
Nói về việc thắp sáng cho ngôi nhà và khu phố của chúng ta, ranh giới giữa tôn giáo và thế tục phai nhạt đi. Quý vị không cần phải là một người theo đạo Cơ Đốc thì mới có thể thắp sáng cho ngôi nhà của mình. Dù tập tục trang trí đèn sáng vào mùa đông này có nguồn gốc từ Đức, rồi còn có cả những ngọn nến trên cây và phong tục đốt một khúc gỗ cây Yule — tất cả đều mang lại ánh sáng ấm áp trong những ngày mùa đông ảm đạm để mong chờ sự trở lại của vầng thái dương. Các nhà thờ đạo Cơ Đốc đã dùng ánh sáng từ khúc gỗ Yule đang cháy để biểu trưng cho ánh sáng của thế giới mai sau — Chúa Jesus.
Những ngọn đèn Giáng Sinh đã là một thuật ngữ chung cho hoạt động trang hoàng suốt mùa đông. Ngọn lửa cháy từ khúc gỗ Yule, cũng như ý tưởng mới lạ của Johnson về việc treo những bóng đèn từ phát minh của ông Edison trên những cây thông Noel, mang lại ánh sáng chào đón.
Thời nay, khi những cộng đồng ở thành thị và nông thôn Mỹ quốc đều thắp lên những ngọn đèn, trước hết, tôi thấy điều này chứa đầy khát khao và hy vọng. Đó là một truyền thống tuyệt vời có nguồn gốc từ lâu đời, được truyền lại trong nhiều nền văn hóa, trong đó có nền văn hóa của chúng ta.
Ánh sáng nâng đỡ tinh thần từ những căn nhà đến các khu phố của chúng ta, ánh sáng mang tới nụ cười rạng rỡ cho cháu gái tôi, sự ngưỡng mộ từ con gái tôi, và nguồn cảm hứng cho tôi, đây chính là những thứ mà chúng ta cần, đặc biệt là vào tháng Mười Hai, khi chúng ta ăn mừng lễ Giáng Sinh và chuẩn bị cho một năm mới sắp đến.
Linh Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times