Những lợi ích của dầu Ô liu đối với sức khỏe
Dầu ô liu nguyên chất (extra virgin), một loại dầu ăn quen thuộc của ẩm thực vùng Địa Trung Hải mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe nhờ hàm lượng Polyphenol dồi dào.
Kiểm soát lượng dầu ăn mà bạn tiêu thụ hàng ngày là một lời khuyên thường gặp đối với những ai hay để tâm đến vòng eo của bản thân hoặc đang hướng đến chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn cắt dầu ăn ra khỏi chế độ ăn uống. Bởi vì dầu ô liu nguyên chất thực sự mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tiêu thụ dầu ô liu, đặc biệt là loại dầu ô liu nguyên chất (EVOO) có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Ví dụ, trong một nghiên cứu trước đây tại Tây Ban Nha (thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng lớn nhất về chế độ ăn của người dân vùng Địa Trung Hải), phụ nữ Địa Trung Hải, những người sử dụng dầu ô liu nguyên chất có nguy cơ mắc ung thư vú ít hơn 62%, so với những phụ nữ áp dụng chế độ ăn ít mỡ.
Một số chuyên gia đã xem xét nhiều công trình nghiên cứu khoa học về chế độ ăn uống của người dân Địa Trung Hải và ảnh hưởng của chế độ ăn uống này đối với các bệnh mãn tính. Các chuyên gia kết luận rằng nguyên nhân chính khiến chế độ ăn Địa Trung Hải có tác dụng ngăn ngừa ung thư vú là do dầu ô liu nguyên chất. Và cũng có những bằng chứng cho thấy dầu ô liu nguyên chất có thể khởi tác dụng phòng chống bệnh tiểu đường type 2 và thậm chí cả bệnh Alzheimer.
Vậy điều gì khiến dầu ô liu nguyên chất tốt cho sức khỏe hơn những loại dầu ăn thông thường. Câu trả lời nằm ở thành phần của loại dầu này.
Ngoài lượng chất béo sẵn có, dầu ô liu nguyên chất còn chứa các chất tự nhiên, đặc biệt là polyphenol. Đây là chất có sẵn trong nhiều loại thực vật với nhiều lợi ích sức khỏe như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và chứng rối loạn nhận thức. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguyên nhân chính khiến cho dầu ô liu nguyên chất có lợi cho sức khỏe là do polyphenol. Polyphenol mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể, chẳng hạn giúp phát triển hệ vi sinh đường ruột.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng lượng polyphenol dồi dào trong dầu ô liu nguyên chất có liên quan đến tác dụng làm giảm các nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Trên thực tế, khi các nhà nghiên cứu đã chiết tách polyphenol từ EVOO, họ phát hiện rằng chất này không trực tiếp ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những lợi ích mà EVOO mang đến cho sức khỏe tim mạch chủ yếu đến từ việc polyphenol trong dầu ô liu extra virgin đã ngăn chặn quá trình oxy hóa của cholesterol. Vì khi cholesterol phản ứng với oxy và bị oxy hóa, chúng làm hỏng các mạch máu.
Lý do mà EVOO chứa hàm lượng polyphenol cao như vậy là do nó đơn thuần được sản xuất bằng cách nghiền nát ô liu. Những loại dầu ô liu khác (quá trình xử lý công phu hơn), như dầu ô liu light (loại dầu này thu được từ xử lý bã trái Olive với dung môi theo phương pháp vật lý, qua nhiều công đoạn xử lý nên hàm lượng dưỡng chất còn rất ít, hương vị của dầu cũng giảm đi rất nhiều) và ô liu spreads (một loại thức ăn phổ biến thường được làm bằng ô liu đen Ý được xay nhuyễn và trộn với dầu ô liu và hạt tiêu đen) không còn chứa nhiều polyphenol. Chính quá trình chế biến kỹ hơn này đã làm mất đi một lượng đáng kể polyphenol.
Các loại dầu ăn khác
Hầu hết các loại dầu ăn khác, chẳng hạn như dầu hướng dương hoặc dầu hạt cải, được ép từ hạt. Nhưng vì các loại hạt rất khó để chiết xuất dầu, do đó, chúng cần được đun nóng và dầu phải được chiết xuất bằng dung môi. Điều này có nghĩa là hầu hết các polyphenol trong hạt bị mất trong quá trình sản xuất.
Dầu làm từ hạt cải (còn được gọi là dầu canola hoặc dầu thực vật), đôi lúc, được cho là một sự thay thế lành mạnh cho EVOO. Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy dầu hạt cải thô (loại không bị đun nóng) có thể tạm thời làm giảm mức cholesterol, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy loại dầu ăn này có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến mức cholesterol cao, như bệnh tim.
Đương nhiên, hầu hết chúng ta đều sử dụng dầu để nấu ăn. Tuy nhiên, khi dầu ăn bị đun nóng, dầu sẽ phản ứng với oxy trong không khí, khiến cho chất béo trong dầu bị phá vỡ. Điều này sẽ dẫn đến sự hình thành những chất độc gây kích ứng mắt, thậm chí làm phát sinh những chất gây ung thư. Dầu hạt cải đặc biệt dễ trải qua quá trình oxy hóa này, nhất là khi sử dụng nhiều lần để chiên ngập dầu.
Polyphenol giúp ngăn chặn chất béo bị oxy hóa và do đó EVOO vẫn ở trạng thái ổn định với nhiệt độ khi chiên thực phẩm. Do dầu hạt cải và các loại dầu khác như dầu hướng dương chứa nồng độ polyphenol thấp hơn, nên chất béo sẽ bị phá vỡ trong khi nấu vì không được bảo vệ.
Một lý do quan trọng khác giúp EVOO ổn định là nhờ loại chất béo không bão hòa đơn, chiếm chủ yếu trong EVOO. Đây là chất béo tốt và góp phần chống oxy hóa. Chất béo không bão hòa đơn cũng là loại chất béo chính trong dầu hạt cải. Nhưng không giống như EVOO, dầu hạt cải cũng chứa hàm lượng chất béo không bão hòa đa khá cao là acid alpha-linolenic. Điều này làm mất tính ổn định của dầu và là một lý do khác tại sao chúng ta không nên đun nóng dầu hạt cải.
Dầu dừa cũng là một loại dầu lành mạnh được khuyến cáo nên sử dụng. Nhưng dầu dừa chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao, có thể làm tăng đáng kể mức độ Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL hay cholesterol xấu). Lipoprotein tỷ trọng thấp làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thêm vào đó, cũng có bằng chứng cho thấy chất béo bão hòa trong dầu dừa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Một điều đáng nói về EVOO là loại dầu này càng cho thấy tính hiệu quả khi áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải – vốn giàu rau củ, trái cây, các loại đậu, các loại hạt, cá, dầu ô liu. Điều này có thể do dầu ô liu nguyên chất và những polyphenol có lợi tiếp xúc với những loại thức ăn khác như rau củ, như một phần của bữa ăn. Chế độ ăn Địa Trung Hải nổi tiếng về việc giúp làm giảm nguy cơ mắc những bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch và Alzheimer. Điều này càng khiến cho dầu ô liu nguyên chất dù đắt nhưng rất đáng để sử dụng.
Richard Hoffman, giảng viên hợp đồng, khoa sinh hóa dinh dưỡng, Đại học Hertfordshire. Bài viết này được tái bản từ trang The Conversation theo Giấy phép Creative Commons Giấy phép.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: