Những lời động viên: Một vấn đề sống còn
Một phương thuốc hữu hiệu để làm giảm nỗi đau hay sự nghi ngờ – như Peterson nói, “một lời động viên” – thường bị khóa sau cánh tủ…
Trong đoạn video trên YouTube “Rex Murphy phỏng vấn Jordan Peterson,” Peterson nói về hàng trăm người, nhiều người trong số họ còn trẻ, những người đã gặp ông trên đường hoặc gửi tin nhắn trực tuyến để cảm ơn ông vì đã giúp họ thay đổi cuộc đời. Vào khoảng phút thứ 24 của video, Peterson bắt đầu khóc khi nói về những tác động tích tụ mà nhận xét của họ đã gây ra đối với “trạng thái tổng quát trong tâm trí” của ông. “Tôi không hề biết rằng có những người đang mòn mỏi vì đợi chờ một lời động viên,” ông nói, và thêm rằng rất nhiều người phải chịu đựng “sự tuyệt vọng có thể được cải thiện chỉ bằng một lời động viên”.
Cảnh tượng này khiến tôi vô cùng xúc động. Peterson, một nhà tâm lý học, một trí thức, một tác giả và diễn giả nổi tiếng, đã thực sự rơi nước mắt khi chia sẻ những cảm xúc chân thật về nỗi tuyệt vọng mà ông đã chứng kiến ở những người khác, nỗi thống khổ có thể được khắc phục đơn giản chỉ bằng sự động viên.
Sự đơn độc khi thiếu vắng tình yêu
Trong 8 dòng đầu tiên trong bài thơ “Love Is Not All” (Tình yêu không phải là tất cả), Edna St. Vincent Millay đã đưa ra một sự quan sát tương tự về nhu cầu yêu thương và hỗ trợ xúc cảm của chúng ta.
Tình yêu không phải là tất cả: không phải cơm ăn hay nước uống
Không phải giấc ngủ mơ màng hay mái nhà che nắng che mưa
Cũng không phải cột trụ nổi dành cho kẻ đang chìm
Và cứ chìm nổi nổi chìm như thế;
Tình yêu không giống như hơi thở làm tràn đầy lá phổi
Không lọc sạch máu, hay liền được những chỗ gãy xương
Có nhiều người đàn ông đang bước vào cái chết
Chỉ vì như tôi đã nói, họ thiếu vắng tình yêu
Thiếu vắng tình yêu, thiếu sự động viên, có thể gây nguy hại cho thể xác và tâm hồn giống như một liều thuốc độc. Một số người trong những độc giả của tôi có lẽ đã gần như bò lết qua địa ngục, giống như tôi, bởi một trong những tình huống sau – cái chết của một người thân yêu, mất việc, ly hôn – hay bởi một lỗi lầm mà chúng ta từng phạm phải. Từ trải nghiệm đó, chúng ta biết rằng lời nói và việc làm của người khác có thể trở thành sợi dây cứu sinh kéo chúng ta khỏi u sầu và trở nên tươi vui, giúp chúng ta lấy lại cân bằng và tìm thấy con đường đúng đắn.
Chúng ta biết sự thật này, nhưng chúng ta thực hành điều này thường xuyên như thế nào? Chúng ta thường cố gắng động viên tinh thần người khác như thế nào?
Những gì tôi đã không làm được
Gần đây, tôi bắt gặp 3 người phụ nữ đang khóc thầm trong nhà thờ. Một cô gái chừng mới ngoài 20 ngồi với một chàng trai trẻ ngay trước mặt tôi. Cô ấy không chịu ban lễ thánh thể, trong một nhà thờ Thiên Chúa giáo thì điều đó có nghĩa là cô đang mắc trọng tội, và khi chàng trai đứng dậy đi tới bàn thờ, cô đã vùi mặt vào tay mình. Cô gái thứ hai trông có vẻ là một sinh viên, ngồi ở hàng ghế cách tôi vài bước chân, đôi mắt long lanh những giọt nước mắt buồn bã. Người thứ ba là một bà mẹ mang thai đang đứng bên khung cửa sổ kính màu chờ đợi chồng con, nước mắt chực trào ra.
Tôi đã muốn an ủi. Nếu không có gì để nói, tôi đã có thể nói một vài câu biến tấu từ lời của Graham Greene trong tiểu thuyết “Đá Brighton”: “Bạn không thể tưởng tượng được, và tôi cũng thế, sự kỳ lạ kinh khủng từ lòng nhân từ nơi Chúa,” một câu tôi nhớ từ lâu lắm rồi khi tôi cần đến nó. Tôi cũng đã có thể hỏi những người phụ nữ này một câu vô nghĩa, “Cô có sao không?”
Nhưng tôi đã không nói gì với họ, chủ yếu là vì sợ bị coi là lố bịch, như kiểu một ông già hay xen vào việc của người khác. Tôi khoác áo và rời khỏi nhà thờ.
Trong nhiều nhà thờ, các tín hữu cùng nhau đọc Kinh Ăn Năn Tội có những từ này, hoặc những biến thể: “Con đã phạm tội trong tư tưởng, lời nói, và hành động: trong những gì mà con đã làm và đã không làm…”
Tôi ngờ rằng đa số chúng ta đều thừa nhận, ít nhất trong thâm tâm, những sai lầm mà chúng ta đã phạm. Nhưng còn những gì mà chúng ta “đã không làm?” Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội gửi tới người khác những món quà an ủi và khích lệ?
Khuyến khích người trẻ
Hầu hết các bậc phụ huynh đều nhanh chóng động viên con cái mình. Khi Manuel muốn nghỉ học piano, mẹ cậu đã ngồi nói chuyện và giải thích rằng một ngày nào đó cậu sẽ thấy việc chơi đàn piano là một món quà và là một niềm vui. Khi Marie đóng vai chính trong một vở kịch ở trường nhưng bị quấy rầy bởi những con bướm vào đêm khai mạc, cha em đã nhắc nhở em rằng em đã thuộc lòng lời thoại và sẽ không nhận được gì ngoài những lời khen ngợi mà đạo diễn dành cho diễn xuất của em.
Những huấn luyện viên và giáo viên biết truyền cảm hứng cho giới trẻ là cực kỳ quý báu. Những người giỏi nhất trong số họ rất cứng rắn với bọn trẻ, đòi hỏi khắt khe từ chúng và chỉ đưa ra lời khen ngợi khi chúng xứng đáng. Bằng cách kiềm chế một chút, những người này đã mang lại ý nghĩa thực sự trong lời nói của mình, và bọn trẻ sẽ trân trọng khoảnh khắc đó, có lẽ cho đến cuối đời.
Phương thuốc tốt
Tuy nhiên khi lớn lên, chúng ta không thường tìm thấy nguồn động viên, đó chính là điều khiến Jordan Peterson rơi nước mắt. Điều này không phải là cố ý – không, chúng ta chỉ đơn giản là không quan tâm, bỏ qua việc mang tới nguồn cảm hứng và hy vọng có thể giải cứu cho một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè của mình.
Những sơ suất như vậy có thể xảy ra đơn giản là do sự thiếu hiểu biết – chúng ta không biết người đó hoặc không rõ hoàn cảnh đó đủ để tiến tới giúp đỡ và truyền cảm hứng cho họ – nhưng thường thì những người lớn gần gũi nhất của chúng ta lại bị chúng ta bỏ qua. Thật kỳ lạ, sự gần gũi và quen thuộc có thể khiến chúng ta không nhận ra nỗi đau của họ, sự khao khát được động viên của họ. Chúng ta biết họ quá rõ, thói quen và đồ ăn ưa thích, bộ phim họ thường xem, mà chúng ta quên mất việc bồi đắp họ bằng những lời ngợi khen và những nhận xét nâng cao tinh thần họ.
Thật kỳ lạ phải không, một phương thuốc hữu hiệu để làm giảm nỗi đau hay sự nghi ngờ – như Peterson nói, “một lời động viên” – thường bị khóa sau cánh tủ.
Khuyến khích, cổ vũ
Dưới đây là một ví dụ về cách động viên có thể thay đổi cả cuộc chơi. Một người bạn của tôi đã viết một cuốn sách, ký ức về một chuyến đi khứ hồi bằng xe lửa từ Greenville, Nam Carolina tới Seattle, Washington và ngược lại. Cô ấy muốn nhận được một sự hỗ trợ nhỏ khi viết cuốn sách này, và đã chia sẻ với tôi. Tôi đọc bản thảo, và nói với cô ấy sự thật rằng cô ấy đã viết một cuốn sách hay, rằng tôi có thể nghe thấy giọng nói của cô trên từng trang giấy, rằng cô, trong thời điểm xung đột chính trị tồi tệ này, đã mang tới cho độc giả một bức chân dung tích cực về người dân Hoa Kỳ rất khác so với bức tranh được vẽ nên bởi các chính trị gia và truyền thông dòng chính của chúng ta.
Cùng nhau, chúng tôi đã biên tập cuốn sách, và sau đó cô ấy đọc to cả bản thảo cho tôi nghe, thường là qua điện thoại, và hôm nay quyển sách đã sẵn sàng để xuất bản.
Từ khuyến khích xuất phát từ tiếng Latin trong tiếng Pháp cổ “encoragier” có nghĩa là “khuyến khích, cổ vũ.”
Chúng ta có sức mạnh để củng cố và cổ vũ những người xung quanh chúng ta.
Điều đó thật sự đơn giản.
Chúng ta có thể cho họ những lời mà họ sẽ để đời.
Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu đang tuổi lớn. Trong 20 năm, ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh tại các buổi học của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, North Carolina. Hiện tại, ông sống và làm việc ở Front Royal, Virginia. Hãy truy cập JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Jeff Minick
Ngọc Thuần biên dịch
Xem thêm: