Những loài chim cát tường
Từ hàng bao nhiêu thiên niên kỷ về trước, loài chim đã được người xưa ca tụng bởi vì chúng mang biểu tượng may mắn, cát tường. Tranh hoa điểu là một trong ba thể loại tranh cổ Trung Hoa và tiếng chim hót líu lo thường được họa lên để gởi gắm tiếng lòng tha thiết của tác giả.
Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, những thành ngữ sau thường được dùng để miêu tả một cuộc hôn nhân viên mãn: Cầm sắt hợp minh (đàn sắt và đàn cầm hòa hợp,) hoa hảo nguyệt viên (hoa đẹp trăng tròn,) long đằng phượng tường (rồng bay phượng múa,) Uyên Ương hí thủy (Uyên Ương chơi đùa dưới nước,) yến yến vu phi (đôi chim én bay lượn).
Những ẩn dụ này được lấy cảm hứng từ trong thế giới tự nhiên, trong đó các bức tranh họa về chim là phổ biến nhất
Những loài chim linh thiêng mang điềm lành cao quý
Chim Phượng hoàng, một loài chim linh thiêng được tôn là vua của các loài chim từ thời cổ đại, được xem là một biểu tượng cao quý trong các lễ cưới hoành tráng. Đôi vợ chồng trẻ cùng nhau chia sẻ những thăng trầm trong cuộc sống được ví như đôi chim phượng hoàng lượn bay hòa hợp.
Trong một cuốn từ điển cổ thời nhà Hán là Thuyết Văn Giải Tự có ghi lại, phượng hoàng được cho là chỉ xuất hiện ở những nơi vô cùng thái bình, thịnh vượng, và cát lành. Từ điển viết, phượng hoàng có cũng có ức giống như ngỗng, lưng hổ, cổ con rắn, đuôi con cá, bản chất rồng, mặt chim én, và mỏ gà trống. Cơ thể có năm màu cơ bản là trắng, đen, đỏ, xanh lá, và vàng.
Theo Văn Thư của Hoài Nam, chim Yến là tên tổ tiên của các loài chim. Rồng được cho là sinh ra phượng hoàng, và đôi chim phượng hoàng được tượng trưng cho cả vợ và chồng, trong đó người nam được gọi là phượng và người nữ được gọi là hoàng.
Chim Loan là một loại chim thần thoại khác tương tự như Phượng hoàng, có màu đỏ, rực rỡ, và hình dáng như gà trống. Cả Phượng hoàng và chim Loan là biểu tượng của điềm cát lành và thường được thấy trong các nghi thức hoàng gia, tranh cổ, hoặc đồ vật trang trí. Không một loài chim bình thường nào có thể so sánh với vẻ đẹp của phượng hoàng và chim loan – vẻ đẹp trường tồn.
Nhiều người tin rằng hình dáng của chim loan trông giống như loài chim trĩ vàng. Vì vậy, những bức tranh hình đôi chim trĩ cũng có thể gởi gắm lời chúc mừng hôn lễ.
Chỉ có sinh tử mới khiến đôi ta ly biệt
Chim Uyên Ương tượng trưng cho tấm lòng chung thủy sắt son và lời hứa bền chắc của các cặp vợ chồng. Con trống được gọi là Uyên, và con mái được gọi là Ương – vì thế chúng được ẩn dụ cho các cặp vợ chồng mới cưới ngập tràn hạnh phúc.
Chim Uyên Ương thường bơi lội và sống theo cặp. La Viện, một nhà văn thời nhà Tống, đã có lời miêu tả nổi tiếng rằng đôi Uyên Ương sẽ không bao giờ rời xa nhau, và sau khi bị chia cắt, chúng sẽ vì đau buồn mà chết.
Uyên Ương được giới văn học ca ngợi như một biểu tượng vợ chồng không thể tách rời và điều này được gợi lên trong nhiều bối cảnh – đau buồn, hạnh phúc, chia ly, và đoàn tụ. Ví dụ, Lô Chiếu Lân, một nhà thơ thời nhà Đường có bài thơ bất hủ Trường An Cổ Ý như sau:
“Chưa được sánh đôi chưa đành chết, chỉ cầu chắp cánh chẳng cầu tiên.”
Bài thơ thể hiện niềm ước mong tha thiết của một vị phu quân được ở bên người vợ thân yêu của mình.
Cuốn sách Thi Kinh miêu tả sự cát lành của Uyên Ương như sau:
“Chim Uyên Ương bay, lấy lưới bắt đi.
Quân tử thọ vạn năm, phúc lộc an hưởng.
Uyên Ương đậu trên rường nhà, xếp lại cánh trái.
Quân tử muôn đời, phúc lộc trường tồn.”
Thời xưa, người ta cũng thường bắt những con chim Uyên Ương và dùng làm quà tặng. Các tác phẩm thơ văn đã minh chứng rằng dù chúng gặp những tình huống huy hiểm, chúng cũng sẽ chịu đựng cùng nhau hơn là bỏ rơi nhau. Ví thế những chú chim này được biết đến như một sự trao gởi phước lành cho những đôi vợ chồng mới cưới – dù khó khăn đến đâu, hai người đều sẽ cùng nhau đối mặt và vượt qua thử thách. Tính cách vững vàng không dao động của Uyên Ương được làm sáng tỏ trong các bài thi ca và biểu tượng của chúng đã trở thành trường cửu.
Loài chim báo hỷ và tình yêu thương
Có nhiều loài chim thường được thấy phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, ví dụ như loài chim Yến thường xây tổ dưới những mái nhà truyền thống.
Chim Yến nhỏ thường có lưng đen và cổ trắng, chúng có biệt danh là “áo choàng đen” ở Trung Quốc. Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, chim Yến tượng trưng cho gia đình vui vẻ và thoải mái. Chúng cũng có thể được dùng để mô tả tình yêu và sự gắn bó không tách rời.
Trong tác phẩm “Chim yến bay đi theo cặp,” nhà thơ Lý Bạch đã viết về cách mà người ta ngưỡng mộ chim yến như thế nào khi chúng luôn luôn bay thành cặp, mãi mãi bên cạnh bạn đời. Tuy nhiên, sau khi tổ của chim yến cháy rụi, con chim yến mái đã bị bỏ lại một mình mà không có bạn đời. Đó là cảnh tượng đau lòng khi thấy chim yến bây giờ lại bay một mình. Bi kịch khắc họa lòng thủy chung của chim yến.
Chim Hỷ Tước là một nét đặc sắc khác trong văn hóa Trung Quốc. Vào thời cổ đại, những con chim Hỷ Tước hung dữ thường được xem như điềm lành. Tiếng hót của chúng có thể mang lại may mắn và tài lộc. Đây là lý do Hỷ Tước được gọi là “chim báo hiệu hạnh phúc” ở Trung Quốc.
Hỷ Tước cũng được coi là hiện thân của tiên nữ. Vào thời đại nhà Tống, một thư sinh tên là Nguyên Bá Ôn đã mơ thấy một nàng tiên và hỏi rằng liệu nàng có ở lại suốt đêm không. Nàng tiên trả lời: “Ngày mai, ta sẽ bắt cầu cho Chức Nữ, nếu ta ở lại, ta sẽ không thể hoàn thành bổn phận của ta.”
Khi Nguyên thức giấc, mặt trời đã ló dạng và chàng đã nhìn thấy một đàn Hỷ Tước bay về hướng đông, trong đó có một con vừa bay ra khỏi cửa sổ phòng chàng.
Loài chim Hỷ Tước gắn liền với câu chuyện dân gian về một tiên nữ dệt vải tên là Chức Nữ và chàng chăn trâu Ngưu Lang.
Chức Nữ vốn là con gái út của Ngọc Hoàng. Khi Chức Nữ giáng trần, nàng đã phải lòng Ngưu Lang và hai người đã kết duyên vợ chồng. Tuy nhiên, tình yêu của họ không được phép tiếp tục. Tây Vương Mẫu đã dùng trâm cài tóc vạch một dòng sông Ngân Hà chia cách đôi Uyên Ương. Vào ngày mùng 7 tháng 7 hằng năm, một đàn chim Hỷ Tước sẽ bắc cầu Ô thước, kết nối tình yêu của hai người, cho phép hai người được đoàn tụ.
Vì thế mà chim Hỷ Tước được xem là vị Thần Tình Yêu – mang những người yêu nhau đến với nhau và là biểu tượng của hôn nhân hạnh phúc.
Những biểu tượng của loài chim được hồi tưởng và tái hiện trong các tác phẩm văn học, dẫn dắt chúng ta khám phá những di sản văn hóa cổ xưa đằng sau những tiếng chim hót.
Hà Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Radiant Life – Tạp chí trực thuộc The Epoch Times
Xem thêm: