Những kho báu nhỏ bé trong tranh tĩnh vật của Susan Paterson
Họa sĩ người Canada Susan Paterson đã rất công phu khi vẽ nên những bức tranh tĩnh vật sống động như thật. Những bức tranh hài hòa của cô khơi gợi sự tĩnh lặng trong nội tâm, đồng thời khiến người xem trân quý hội họa truyền thống và quý trọng những vật dụng quen thuộc hàng ngày.
Paterson hy vọng những bức tranh của cô sẽ khiến mọi người tĩnh lại, suy ngẫm và cảm thụ sự tuyệt vời của những kho báu đang bày ra trước mắt, cô nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Con đường nghệ thuật của Paterson sẽ hoàn toàn khác nếu cô bận tâm đến những lời nhận xét của một số giáo sư đại học hoặc những người nói rằng tranh của cô “không phải nghệ thuật thực sự”.
Quyết tâm theo đuổi nghệ thuật tả thực
Trong khi những thành viên khác trong gia đình – cha mẹ, anh trai và chị gái của cô – đều có năng khiếu âm nhạc, Paterson lại tìm thấy sự đồng điệu với hội họa. Năm 12 tuổi, cô bắt đầu tham gia các lớp học vẽ sơn dầu và yêu thích nó. Cô tiếp tục các lớp học cho đến khi vào đại học.
Vào cuối những năm 1970, Paterson bắt đầu học tại Đại học Mount Allison ở Sackville, New Brunswick, Canada. Cô nhớ lại chỉ có một vài giáo sư dạy chủ nghĩa hiện thực truyền thống. Những gì còn sót lại của việc đào tạo nghệ sĩ truyền thống vẫn còn đó, nhưng chúng không được trọng trọng dụng. Ví dụ, trường đại học có các khuôn thạch cao truyền thống để thực hành vẽ, nhưng chúng bám đầy bụi vì các giáo sư mới không quan tâm đến việc phát triển các kỹ năng hội họa truyền thống; thay vào đó, họ bắt đầu dạy nghệ thuật trừu tượng và nghệ thuật ý niệm (conceptual art).
Paterson gần như bỏ học khi một giáo sư muốn cô vẽ một bức tranh trừu tượng, cô không thể. Nghệ thuật ý niệm và trừu tượng chưa bao giờ khiến cô thích thú. “Nó không giống như một thử thách. Tôi chưa bao giờ hiểu nó dù chỉ một chút”, cô nói. Cuối cùng Paterson đã thắng, và cô ấy chưa bao giờ vẽ bức tranh trừu tượng đó.
Cô kiên trì học đại học và tốt nghiệp năm 1980 – năm cuối cùng các sinh viên tại Mount Allison được đào tạo theo chủ nghĩa hiện thực truyền thống.
Một trong những giáo sư của cô là hoạ sĩ chuyên vẽ màu nước, vì vậy sau khi học đại học, Paterson thấy hứng thú với tranh màu nước hơn là sơn dầu. Trong nhiều năm, cô vẽ phong cảnh từ các bức ảnh, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của mình ở các khu của Maritimes, và đôi khi ở Toronto và Vancouver.
Khoảng 10 năm trước, Paterson đã thay đổi phong cách nghệ thuật. Cô chuẩn bị vẽ một bức tranh màu nước giống với những bức tranh hoa truyền thống của Hà Lan. Và trong khi lên mạng nghiên cứu về truyền thống Hà Lan, cô tình cờ tìm thấy một khóa học vẽ tranh sơn dầu truyền thống của Hà Lan tại Trường Bảo tàng Mỹ thuật tại Boston. Khóa học kéo dài cả một học kỳ, điều này không phù hợp với cô, vì vậy cô ấy đã viết thư cho bảo tàng yêu cầu tổ chức một hội thảo.
Hội thảo là một bước ngoặt trong sự nghiệp của Paterson. Cô đã học các kỹ thuật và cách phối màu được sử dụng trong tranh sơn dầu Hà Lan. Cô đặc biệt quan tâm đến các loại men trộn màu khác nhau. Cô cũng học cách tạo ra một bố cục tranh tĩnh vật sống động, thú vị bằng cách sắp xếp các đồ vật trong một chiếc hộp và chỉ dùng một nguồn sáng. Từ đó, Paterson chuyên vẽ tranh tĩnh vật.
Sức hấp dẫn trường tồn của tranh tĩnh vật
Mọi người thường nói với Paterson rằng những bức tranh của cô – chứa đựng những báu vật là những vật dụng từ thời xa xưa như khăn trải bàn bằng ren cũ kỹ, ấm bạc đánh bóng tỉ mỉ và bát sứ trắng xanh – gợi cho mọi người nhớ đến đồ đạc của ông bà họ. Đó là một trong những lý do tại sao cô tin rằng những bức tranh tĩnh vật nên được đánh giá cao hơn: Các đối tượng trong tranh tĩnh vật thường quen thuộc với mọi người, trong khi tranh chân dung của một người lạ, mặc dù được cho là dễ bán hơn, nhưng có thể khó treo trong nhà hơn.
Có vẻ như những bức tranh của Paterson cũng phản ánh một phần phong cách trang trí nhà cửa của cô. Cô sống trong một ngôi nhà 120 năm tuổi chứa đầy những đồ vật cổ.
Để có mẫu vật cho những bức tranh, cô tìm một số đồ vật trong các cửa hàng đồ cổ và một số khác là quà tặng của bạn bè hoặc đồ gia đình từ thời của ông bà cô. “Nhiều người cho tôi đồ bạc, vì họ không cần nó nữa. Họ không muốn phải đánh bóng nó,” cô nói.
Niềm đam mê đồ cũ, đồ cổ của cô cũng xuất phát từ ông bà ngoại. “Tất cả đều rất vương giả. Tôi yêu thích sự điêu luyện, kỹ năng khéo léo và đem nó vào trong những tác phẩm này,” cô nói.
Kỷ luật
Thông thường, các nghệ sĩ mới không biết về khối lượng công việc và kỷ luật cần có để tạo ra tác phẩm nghệ thuật chi tiết như vậy. “Mọi người nghĩ rằng bạn phải có cảm hứng để đến studio của mình và vẽ, nhưng tôi coi nó như một công việc,” cô nói.
“Tôi làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu, sáu hoặc bảy giờ một ngày, và tôi yêu thích điều này. … Nhìn thấy [một bức tranh] sống động trước mặt, ở mọi công đoạn, trông nó ngày càng chi tiết hơn và ngày càng sống động hơn, đó là một quá trình rất ly kỳ. ”
Đôi khi cô phải mất ba đến bốn tháng để hoàn thành một bức tranh, vì vậy cô thường vẽ hai hoặc ba bức tranh cùng một lúc trong khi đợi sơn dầu khô. Thậm chí, cô còn phải đánh bóng một món đồ bằng bạc theo cách sắp xếp của mình và thường xuyên phủi bụi cho chúng.
Các tác phẩm lớn hơn, chẳng hạn như “Bộ sưu tập của Nghệ sĩ”, có thể mất 200 giờ để hoàn thành. Cô ấy dành 35 đến 50 giờ chỉ để vẽ phác thảo, để bảo đảm mọi khía cạnh của bố cục đều chính xác trước khi dùng cọ vẽ màu lên gỗ.
Tại Studio
Hầu hết các bức ảnh của Paterson đều có bố cục hình tam giác với các vật thể cao hơn được đặt ở giữa và một mảng tiêu điểm. Mọi đối tượng khác trong bức tranh đều được sắp xếp để bổ trợ cho đối tượng chính và thu hút sự chú ý của người xem vào nó, cô cho biết. Cô ấy thường đặt những quả trứng vào tranh của mình, cô thích thú khi thấy lớp vỏ trắng tinh của những quả trứng chia bố cục tranh và cách nó bắt bóng đơn giản mà hiệu quả như thế nào.
Paterson chú ý và cẩn thận trong từng chi tiết. “Tôi chỉ thích chi tiết”, cô nói. Cô ấy đặc biệt thích mô tả hình ảnh phản chiếu trên bạc. Chúng vây quanh chúng ta hàng ngày, nhưng chúng ta có thể không nhận thấy chúng, cô chia sẻ. Cô ấy thu hút sự quan tâm của mọi người vì cô ấy thể hiện một phần cuộc sống của họ trong các bức tranh của mình. “Bạn thấy những thế giới khác nhau của bạn phản chiếu trong đồ bạc”.
Thường chỉ sử dụng bảng màu đơn sắc, như màu ghi, Paterson yêu quý những sắc màu tinh tế, đặc biệt là hoa trắng. “Nhưng đôi khi, dùng màu cam hay màu vàng cũng rất tuyệt để có sự thay đổi mới trong tranh”. Những lần này, cô ấy sẽ vẽ loại trái cây có nhiều màu sắc như một quả đào cắt lát mọng nước, một bát anh đào tươi hoặc một đĩa dâu tây chín.
Vẽ tranh hoa quả mang đến trải nghiệm và thử thách khác vì Paterson vẽ trực tiếp từ mẫu vật thật và hoa quả thường không để được lâu. Đầu tiên, cô ấy sẽ vẽ trái cây và sau đó chuyển bản vẽ của mình lên bảng vẽ. Nhưng trái cây trong bức tranh cuối cùng của cô sẽ có bố cục khác bởi vì ngay cả vào ngày thứ hai, những điểm nổi bật vẫn chưa rõ ràng, cô ấy giải thích.
Hội họa tả thực truyền thống đang dần trở lại
Năm 2014, Paterson đã tổ chức một cuộc triển lãm cùng với sáu hoạ sĩ theo trường phái hiện thực ở Nova Scotia tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Dalhousie có trụ sở tại Đại học Dalhousie; tranh của 28 hoạ sĩ Nova Scotia được trưng bày. Đó là buổi triển lãm nổi tiếng nhất lịch sử của phòng trưng bày, cô nói.
Mặc dù buổi triển lãm khá nổi tiếng nhưng điều đó không đủ để đảm bảo một cuộc triển lãm tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Nova Scotia ở Halifax. Phòng trưng bày đã từ chối mở buổi triển lãm, nhưng sau đó buổi triển lãm đã được tổ chức tại chi nhánh ở Yarmouth.
Trong 10 năm qua, Paterson đã chứng kiến sự phát triển tích cực trong nghệ thuật hiện thực. “Tôi nghĩ mọi người đang cảm thấy mệt mỏi với nghệ thuật ý niệm và một số bức tranh mà họ không hiểu, và muốn quay lại thứ gì đó dễ hiểu hơn một chút. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người cảm thấy bị lạc lõng và thậm chí ngốc nghếch chỉ vì khi đến bảo tàng họ không thể hiểu được,” cô nói.
“Bây giờ, các trường học dạy nghệ thuật theo phương pháp truyền thống xưa đang nở rộ,” cô nói.
“Tôi rất vui vì trong nhiều năm, tôi dường như đơn độc trong thế giới nghệ thuật. Trong một thời gian dài, tôi đã được bảo rằng những bức tranh này là “không thực sự là hội họa”, “không phải nghệ thuật thực sự” và hãy “thả lỏng ra”, nhằm thay đổi nghệ thuật của tôi. Nhưng tôi vẫn trung thành với nó, và bây giờ điều ấy thực sự được đền đáp.”
Cô rất biết ơn các tổ chức, như Trung tâm đổi mới nghệ thuật (ARC) có trụ sở tại New York, đã giúp quảng bá những nghệ sĩ theo chủ nghĩa hiện thực thông qua các sự kiện như International ARC Salon. Bức tranh của Paterson “Bộ sưu tập của nghệ sĩ” đứng thứ hai trong hạng mục tĩnh vật của ARC Salon lần thứ 14. Hai trong số các bức tranh của cô, “Silver and Eggs” và “Studio Reflections” vừa được lọt vào danh sách vòng bán kết của ARC Salon lần thứ 15.
Paterson nhận được rất nhiều lời đề nghị vẽ có trả phí, nhưng cô ấy không nhận lời. Cô ấy chỉ đơn giản là muốn vẽ những kho báu nhỏ của mình: “Tôi thực sự hạnh phúc khi làm những gì tôi muốn, sử dụng các vật dụng mà tôi có, mà tôi yêu thích”.
Lorraine Ferrier
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: