Những kẻ quấy rối trên mạng của Trung Cộng là đội quân mạng lớn nhất trên thế giới
Bình luận
Trong thế giới internet, có một nhóm người gây nguy hiểm cho sự an toàn và lành mạnh của internet, và cư dân mạng Trung Quốc gọi họ là “băng đảng ngầm trên mạng.” Trong số các nhóm này có cả những kẻ quấy rối trên mạng của chế độ Trung Cộng, được gọi là “Ngũ mao đảng” trong tiếng Hoa hay “Đội quân 50 xu.”
Những kẻ quấy rối trên mạng này gây ra mối đe dọa đối với dữ liệu cá nhân và an ninh quốc gia. Chúng đã tiến hành các chiến dịch tung tin sai lệch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) liên quan đến đại dịch COVID-19, các cuộc biểu tình đối với dự luật chống dẫn độ ở Hồng Kông, cuộc bầu cử năm 2020 của Đài Loan và cuộc bầu cử năm 2020 của Hoa Kỳ và các sự kiện quốc tế lớn khác.
Lịch sử của những kẻ quấy rối trên mạng của Trung Cộng
Những kẻ quấy rối trên mạng của Trung Cộng, theo như mô tả trong một cuộc nghiên cứu là “những người hoạt động tự do trên mạng và kiếm tiền bằng cách thúc đẩy lợi ích của các công ty và các tác nhân khác sẵn sàng trả thù lao cho họ,” đây là một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất. Dựa trên dữ liệu lịch sử của các công cụ tìm kiếm lớn, những kẻ quấy rối về thương mại đã xuất hiện trên internet kể từ năm 2004.
Thông qua phân tích dữ liệu trực tuyến, quá trình phát triển của những kẻ quấy rối trên mạng của Trung Cộng có thể được phân ra thành ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên là từ năm 2004 đến năm 2009, trong đó những kẻ quấy rối của Trung Cộng chủ yếu tập trung vào việc xóa các bài đăng, bán hàng và quảng cáo cũng như vận động cho các quyền lợi nhân danh những người khác.
Giai đoạn thứ hai là từ năm 2010 đến năm 2013, là giai đoạn phát triển hoạt động của những kẻ quấy rối của Trung Cộng. Trong giai đoạn này, phạm vi hoạt động của họ bắt đầu được mở rộng. Các công ty quấy rối trên mạng lớn bắt đầu hoạt động như các đại diện quan hệ công chúng cho các cá nhân, doanh nghiệp, các đảng bộ địa phương Trung Cộng, các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ của Trung Cộng để thực hiện các cuộc khủng hoảng trên mạng. Trong giai đoạn này, đội quân 50 xu, những kẻ quấy rối thường dân trên mạng do Trung Cộng thuê, bắt đầu xuất hiện trên mạng để tham gia các sự kiện cộng đồng.
Giai đoạn thứ ba là từ năm 2014 đến năm 2021, khi hoạt động của những kẻ quấy rối của Trung Cộng được chuyển đổi. Vào tháng 02/2014, Trung Cộng chính thức thành lập Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Các vấn đề Không gian mạng, dưới đó là Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), hay Văn phòng Ủy ban Các vấn đề Không gian mạng Trung ương.
Năm đơn vị được thành lập để hoạt động dưới sự quản lý của CAC gồm Cục Công tác Bình luận Internet, Cục Công tác Xã hội Internet, Cục Quản trị Mạng Di động, Cục Điều phối An ninh Internet và Cục Hợp tác Quốc tế. Trách nhiệm của những đơn vị này bao gồm theo dõi dư luận trên internet, quản lý, kiểm soát những kẻ quấy rối trên mạng của Trung Cộng, quan hệ công chúng liên quan đến các vấn đề internet, tuyên truyền ở nước ngoài và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung Cộng.
Sau khi thành lập Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc CAC, họ đã phát động một chiến dịch trên mạng nhằm tập hợp nhiều tin tặc thường dân độc lập và các công ty quấy rối trên mạng về dưới trướng kiểm soát của mình. Đồng thời, đoàn Thanh niên Trung Cộng (CYLC) đã tuyển dụng hàng chục triệu sinh viên đại học để làm công việc quấy rối trên mạng bán thời gian tại các trường đại học lớn trên khắp Trung Quốc, và Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương đã tuyển dụng hàng triệu tù nhân bị giam giữ ở các nhà tù lớn làm việc như những kẻ quấy rối trên mạng toàn thời gian. Bằng cách này, các tin tặc và những kẻ quấy rối trên mạng đã chuyển đổi từ “đội quân du kích” thành “đội quân chính quy” do Trung Cộng kiểm soát.
Cơ cấu tổ chức của đội quân quấy rối trên mạng của Trung Cộng
Theo những người bên trong Trung Cộng, Đảng này rất coi trọng việc thành lập tổ chức và quản lý những kẻ quấy rối trên mạng của họ. Trung Cộng đã thiết lập các tổ chức đặc biệt quản lý đội quân mạng ở tất cả các cấp chính quyền. Tuyển dụng nhân sự, đào tạo, giao nhiệm vụ, trả tiền thù lao và các cuộc họp đều được thực hiện trực tuyến.
Những kẻ quấy rối trên internet của Trung Cộng bao gồm sáu thành phần sau: cán bộ của Đoàn Thanh Niên Trung Cộng CYLC, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, sinh viên đại học, nhân viên của các công ty internet, tù nhân, và người thất nghiệp. Thù lao của họ phụ thuộc vào các loại hình công việc khác nhau và được tính trên số lượng bài viết mà họ đã đăng. Có nhiều loại công việc với các vai trò khác nhau, và các vai trò chính bao gồm người triệu tập các cuộc họp, nhân viên kỹ thuật (tin tặc), cây viết bài, dư luận viên trực tuyến, và người giám sát dư luận. Bản thân những kẻ quấy rối này được chia thành hai loại chính: hoạt động trong nước và hoạt động ở nước ngoài.
Những kẻ quấy rối trên mạng của Trung Cộng bị cư dân mạng Trung Quốc ghét bỏ
Người dân Trung Quốc không dám bày tỏ sự tức giận của mình đối với Trung Cộng vì đã chi những khoản tiền công khổng lồ để trả lương hàng năm cho hàng chục triệu thành viên của đội quân 50 xu.
Ở Trung Quốc, các cổng thông tin điện tử lớn, theo lệnh của Trung Cộng, cho phép đội quân 50 xu trấn áp những lời chỉ trích và bêu xấu những người bất đồng chính kiến với Trung Cộng, tạo dư luận giả, che đậy nhiều tội ác khác nhau mà Trung Cộng đã gây ra, phá hoại trật tự xã hội và đạo đức, tạo ra ảo tưởng về sự thịnh vượng của quốc gia, kích động hận thù chủng tộc và sắc tộc, tạo tin đồn ác ý về các quốc gia khác, làm sai lệch sự thật lịch sử và phát tán các thông điệp để đánh lừa công chúng.
Bất cứ khi nào các bài báo của các nhà lãnh đạo lớn của Trung Cộng xuất hiện trên mạng internet, những bình luận hầu như luôn tràn ngập những lời tán dương của những kẻ quấy rối trên mạng này. Cư dân mạng Trung Quốc coi thường đội quân 50 xu này nhưng Trung Cộng lại coi lời bình luận của những kẻ này như là dư luận.
Đội quân mạng của Trung Cộng đã trở thành một khối u ác tính đối với toàn thế giới
Ngày nay, với sự toàn cầu hóa của internet, đội quân mạng của Trung Cộng từ lâu đã gây nguy hiểm cho an ninh xã hội của các nước trên thế giới. Trong thế giới internet, những kẻ quấy rối trên mạng của Trung Cộng giống như một căn bệnh truyền nhiễm, tấn công các quốc gia trên toàn thế giới. Chẳng hạn như, các tin tặc trực tuyến tấn công trang web của các bộ ngành chính phủ chủ chốt, các tổ chức nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp lớn và các trường đại học để lấy cắp thông tin của họ. Đội quân 50 xu tấn công ác ý và xúc phạm các nhà lãnh đạo chính phủ và những người chống cộng sản ở các nước khác. Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội của Trung Cộng thực hiện xâm lược văn hóa trên internet. Tóm lại, đội quân mạng của Trung Cộng đang lợi dụng quyền tự do ngôn luận ở các nước dân chủ để tấn công các nước khác.
Ngay từ một thập kỷ trước, Hoa Kỳ đã coi các cuộc tấn công mạng của Trung Cộng là một vấn đề quan trọng trong ngoại giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, nhưng tình hình đang trở nên tồi tệ hơn.
Hôm 18/03, chính phủ ông Biden đã tổ chức cuộc đối thoại cao cấp đầu tiên với chính quyền Trung Quốc tại Alaska, nơi Ngoại trưởng Anthony Blinken đã gặp gỡ ông Dương Khiết Trì, một nhà ngoại giao chính sách đối ngoại cao cấp của Trung Cộng và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị. Ông Blinken nói rằng Hoa Kỳ sẽ “thảo luận về mối lo ngại sâu sắc của chúng tôi đối với các hành động của Trung Quốc, bao gồm cả ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, các vụ tấn công mạng vào Hoa Kỳ, bức ép kinh tế các đồng minh của chúng tôi.”
Thay vì đưa các vấn đề về Biển Đông và thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc vào chương trình nghị sự, Hoa Kỳ đã biến các cuộc tấn công mạng trở thành chủ đề quan trọng của các cuộc đối thoại này, điều này cho thấy mức độ tổn hại mà đội quân mạng của Trung Cộng đã gây ra cho Hoa Kỳ.
Đội quân mạng của Trung Cộng cũng đã tiến hành các cuộc tấn công dữ dội vào các mạng xã hội của Hoa Kỳ.
Hôm 12/06/2020 Twitter đã thông báo, việc “tiết lộ 23,750 tài khoản” của chính quyền Trung Cộng mà Twitter cho là có liên quan đến “một loạt các hoạt động phối hợp và thao túng” và rằng những người này đã tweet “chủ yếu bằng tiếng Hoa” để lan truyền “các câu chuyện địa chính trị có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) trong khi tiếp tục thúc đẩy các câu chuyện gian dối về các động lực chính trị ở Hồng Kông.”
Hôm 22/09/2020, Facebook cũng đã xóa một mạng lưới các tài khoản giả từ Trung Quốc vốn “điều phối hành vi không trung thực” trong các cuộc thảo luận chính trị thông qua “155 tài khoản, 11 trang, 9 nhóm và 6 tài khoản Instagram.” Theo Facebook, hoạt động của chúng “bắt nguồn từ Trung Quốc và tập trung chủ yếu vào Philippines và rộng hơn là Đông Nam Á, và cả Hoa Kỳ.”
Cốc Phong là một cựu nhân viên kỳ cựu trong ngành truyền thông ở Trung Quốc đại lục hiện đang sống ở Hoa Kỳ.
Do Gu Feng thực hiện
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: