Những kẻ bị nghi ngờ có liên hệ với Bắc Kinh phá hoại gian hàng của các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông
Tại Hồng Kông, an toàn cho các học viên địa phương của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công một lần nữa nhận được sự quan tâm rộng rãi sau khi một số quầy thông tin ven đường của họ bị những kẻ nghi ngờ có liên hệ với Trung Cộng phá hoại.
Việc liệu họ có thể tiếp tục tự do thực hành tín ngưỡng của mình hay không đã trở thành một mối lo ngại kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc đối với Hồng Kông hồi cuối tháng Sáu. Luật này trừng phạt các tội danh được xác định mơ hồ như lật đổ và thông đồng với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện xoay quanh các bài tập thiền định và các bài giảng về đạo đức dựa trên các giá trị Chân, Thiện, Nhẫn. Với sự phổ biến của Pháp Luân Công ngày càng nhiều ở Trung Quốc Đại lục, Trung Cộng đã phát động một chiến dịch đàn áp sâu rộng vào tháng 07/1999, vì lo sợ môn tu tập này sẽ đe dọa sự thống trị của mình.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác ở Trung Quốc, với hàng trăm nghìn người trong số đó bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
Là một lãnh thổ riêng biệt nhưng do Trung Cộng cai trị, mặc dù Hồng Kông tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, nhưng kể từ khi luật an ninh có hiệu lực, người dân địa phương tự hỏi liệu Bắc Kinh có sớm sử dụng những chiến thuật tương tự mà họ đã sử dụng ở Trung Quốc Đại lục để bịt miệng những người bất đồng chính kiến hay không, chẳng hạn như đối với các luật sư nhân quyền, các nhà lãnh đạo giáo hội ngầm, và các học viên Pháp Luân Công, với các cáo buộc vu khống, bao gồm cả tội lật đổ chế độ.
Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông trước đây đã lên tiếng cảnh báo rằng các học viên địa phương có thể bị “bắt giữ và bức hại vì những tuyên bố vô căn cứ bất cứ lúc nào” theo luật an ninh quốc gia.
Phá hoại
Để đối phó với cuộc đàn áp ở Trung Cộng, các học viên Pháp Luân Công ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đã dựng các gian hàng ở các khu vực công cộng để nâng cao nhận thức về những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục.
Cuối tuần qua, các quầy thông tin Pháp Luân Công được thiết lập ở ba quận của Hồng Kông—Vịnh Đồng La, Tiêm Sa Chủy và Vượng Giác—cũng như một gian hàng gần ở địa điểm du lịch nổi tiếng—miếu Hoàng Đại Tiên—đều bị phá hoại. Vụ việc tương tự cũng đã xảy ra vào đầu tháng 12/2020 và vào tháng 09/2020.
Vào khoảng trưa ngày 19/12, một người đã xô đổ một số tấm bảng được trưng bày tại gian hàng ở Vịnh Đồng La, trước khi người này bỏ chạy hướng về một trung tâm mua sắm gần đó, theo lời kể của một học viên Pháp Luân Công đang quản lý gian hàng.
Chiều cùng ngày (19/12), một người đàn ông đeo khẩu trang và đội nón đã hùng hổ đập nát một số bảng trưng bày và biểu ngữ tại gian hàng gần miếu Hoàng Đại Tiên. Một học viên Pháp Luân Công họ Zhuang đã quay phim lại vụ việc. Người đàn ông đó cuối cùng đã chạy trốn trong khi mang theo một số biểu ngữ mà anh ta đã xé.
Theo học viên họ Trang, người đàn ông này nói giọng Trung Quốc đại lục. Cảnh sát địa phương đã được gọi đến hiện trường và các nhân viên cảnh sát đã chụp ảnh để thu thập bằng chứng.
Vào trưa hôm 20/12, một người đàn ông xuất hiện tại gian hàng ở Tiêm Sa Chủy. Anh ta đã làm gãy một trong những chiếc cột và ném những tấm bảng trưng bày vào cảng Victoria gần đó. Một nữ học viên họ Trần đã đối mặt với người đàn ông, nhưng cuối cùng anh ta đã bỏ trốn khi mang theo một cây cột khác.
Các nhân viên cảnh sát đã giúp lấy lại các bảng trưng bày bị ném trong bến cảng sau khi được gọi đến hiện trường.
Khoảng 1 giờ 10 chiều theo giờ địa phương vào hôm 20/12, một số cá nhân đã xuất hiện tại gian hàng ở Vượng Giác, phun mực đen lên một số bảng trưng bày. Một học viên Pháp Luân Công địa phương thường xuyên làm việc tại gian hàng này cho biết có người đã đến quấy rối họ vài ngày trước. Có lần, một người hét vào mặt các học viên rằng “sớm muộn gì họ cũng sẽ phải vào tù.”
Lên án
Bà Lương Trân (Sarah Liang), chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông, đã lên án những kẻ phá hoại mà bà nghi ngờ có quan hệ với Trung Cộng. Bà kêu gọi người dân Hồng Kông chú ý đến những gì đã xảy ra đối với các hoạt động của Pháp Luân Công ở Hồng Kông, để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của thành phố.
Viên chức Hồng Kông đã nghỉ hưu Quách Trác Kiên (Kwok Cheuk-kin), người nổi tiếng ở địa phương với tư cách là “vua của giám sát tư pháp” vì đã đệ trình các thách thức pháp lý đối với các chính sách của chính quyền, cho biết luật pháp địa phương cho phép các học viên Pháp Luân Công dựng các gian hàng ven đường.
Điều 32 trong Hiến Pháp mini của Hồng Kông, Luật Căn Bản, quy định: “Người dân Hồng Kông có quyền tự do tín ngưỡng, tự do thuyết giảng, tổ chức và tham gia các hoạt động tôn giáo ở nơi công cộng.”
Ông Quách cho biết ông tin rằng các hoạt động phá hoại gần đây có liên quan đến việc chế độ Trung Cộng không muốn mọi người biết về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục.
Ngoài ra, ông Quách cũng kêu gọi người dân địa phương lên tiếng hoặc báo cáo bất kỳ sự cố nào cho cảnh sát để bảo vệ quyền hiến định của họ.
Bản tin có sự đóng góp của Epoch Times Hồng Kông
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: