Những gì chúng ta biết về ISIS-K, nhóm được cho là gây ra vụ thảm sát tại phòng hòa nhạc ở Moscow
Trong lúc các câu hỏi liên quan đến việc liệu nhóm này có đứng sau vụ tấn công hay không vẫn còn bỏ ngỏ, thì đây là những điều quý vị cần biết về ISIS-K.
Ít nhất 133 người thiệt mạng trong vụ thảm sát tại phòng hòa nhạc ở Moscow vào tối thứ Sáu (22/03), trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trên đất Nga trong hơn một thập niên. Nhà nước Hồi Giáo Khorasan (ISIS-K), một nhóm khủng bố có trụ sở tại Afghanistan, đã nhận trách nhiệm về vụ thảm sát này.
Chi nhánh này của ISIS đã lên tiếng chịu trách nhiệm về vụ thảm sát trong một tuyên bố đăng trên các trương mục truyền thông xã hội liên kết, mặc dù cả Điện Kremlin và các cơ quan an ninh Nga đều chưa chính thức quy trách nhiệm về vụ tấn công.
Trong khi đó, một quan chức tình báo Hoa Kỳ nói với The Associated Press rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã xác nhận rằng ISIS là bên chịu trách nhiệm về vụ tấn công này.
Ám chỉ về sự dính líu tiềm tàng của Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy (23/03) tuyên bố rằng những kẻ tấn công có đồng phạm ở phía biên giới Ukraine. Ông cho biết hôm thứ Bảy: “Họ đang đi về phía Ukraine, nơi mà theo thông tin sơ bộ, họ có cánh cửa để vượt biên giới.”
Trong lúc các câu hỏi về động cơ của nhóm này là gì và liệu nhóm này có đứng sau vụ tấn công hay không vẫn còn bỏ ngỏ, thì đây là những điều quý vị cần biết về ISIS-K.
ISIS-K là ai?
Nổi lên ở miền đông Afghanistan hồi cuối năm 2014, ISIS-K vẫn là một trong những nhóm khủng bố tích cực nhất chiến đấu dưới ngọn cờ ISIS. Họ cho biết mục tiêu của họ là tạo ra một vương quốc Hồi Giáo trải dài khắp Tây và Trung Á.
Trong thập niên vừa qua, ISIS-K đã nổi tiếng về sự tàn bạo, đôi khi chiến đấu chống lại Taliban, lực lượng hiện đang điều hành đất nước Afghanistan sau khi Hoa Kỳ và các đồng minh rút quân hồi tháng 08/2021. Mục tiêu của nhóm này còn bao gồm Iran, một nước Cộng hòa Hồi Giáo bị thống trị bởi hệ thống giáo sĩ theo trường phái Shia mà nhóm này coi là dị giáo.
Vào tháng Một, gần 100 người thiệt mạng trong hai vụ nổ tại một buổi lễ ở Iran để tưởng nhớ chỉ huy Qassem Soleimani, người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến (drone) của Hoa Kỳ bốn năm trước đó. ISIS-K đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công và điều này đã được tình báo Hoa Kỳ xác nhận.
Vào tháng 09/2022, ISIS-K đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom cảm tử gây thương vong tại đại sứ quán Nga ở Kabul, thủ đô của Afghanistan. Nga là một trong số ít quốc gia duy trì phái đoàn ngoại giao ở Kabul sau khi Taliban tiếp quản. Mặc dù Điện Kremlin không chính thức công nhận chế độ Taliban, nhưng đã có những cuộc đàm phán về một thỏa thuận tiềm năng nhằm nhập cảng các sản phẩm dầu mỏ của Nga để đổi lấy khoáng sản của Afghanistan.
Sự chống đối tích cực của ISIS-K đối với sự cai trị của Taliban cũng vươn tới cả Bắc Kinh, quốc gia đang tìm cách hun đúc mối quan hệ chặt chẽ hơn với chế độ mới trong nỗ lực bảo đảm cho các tuyến đường thương mại và việc tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng cho việc xây dựng quân đội của nước này. Hồi tháng 12/2022, ISIS-K đã đánh bom một khách sạn ở Kabul do người Trung Quốc sở hữu, nơi phục vụ chủ yếu cho công dân Trung Quốc.
Giữa cuộc di tản hỗn loạn năm 2021, một kẻ đánh bom cảm tử đã kích nổ chất nổ tại Phi trường Quốc tế Kabul, cướp đi sinh mạng của 13 quân nhân Hoa Kỳ và hơn 150 người Afghanistan đang tìm cách đào thoát khỏi đất nước. Tháng Tư năm ngoái, Tòa Bạch Ốc thông báo với gia đình của 11 thủy quân lục chiến, thủy thủ, và quân nhân thiệt mạng trong vụ nổ rằng thủ lĩnh ISIS-K, kẻ đã tổ chức vụ tấn công phi trường, đã “thiệt mạng trong một chiến dịch của Taliban.”
Hôm 07/03, vị tướng hàng đầu giám sát các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở Trung Đông đã cảnh báo rằng ISIS-K dường như đang có động lực tiến hành các cuộc tấn công trên lãnh thổ của các quốc gia phương Tây.
Tướng Lục quân Michael Kurilla, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho biết: “Tôi đánh giá rằng ISIS-Khorasan vẫn có khả năng và ý chí tấn công các lợi ích của Hoa Kỳ và phương Tây ở ngoại quốc trong vòng sáu tháng nữa mà không có cảnh báo nào.”
Đồng thời, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nga đã đưa ra cảnh báo rằng một cuộc tấn công khủng bố “sắp xảy ra” ở Moscow, yêu cầu người Mỹ ở thành phố này tránh xa các đám đông, theo dõi truyền thông địa phương, và chú ý đến môi trường xung quanh.
Cảnh báo này được đưa ra vài giờ sau khi các quan chức Nga cho biết họ đã ngăn chặn thành công một cuộc tấn công của ISIS-K nhắm vào một giáo đường Do Thái trong thành phố. Cơ quan An ninh Liên bang Nga, cơ quan phản gián của nước này, cho biết những kẻ khủng bố đang “chuẩn bị tấn công các giáo dân trong giáo đường Do Thái bằng súng ống” và đã bị “vô hiệu hóa” trong một cuộc đấu súng.
Nga ám chỉ một mối liên kết tiềm năng giữa ISIS-K với Ukraine
Trong bài diễn văn trên truyền hình, ông Putin ám chỉ mối liên hệ tiềm ẩn giữa vụ thảm sát hôm thứ Sáu và Ukraine, quốc gia đã bước sang năm thứ ba chống lại cuộc xâm lược tổng lực của Nga.
“Hôm nay tôi nói chuyện với quý vị liên quan đến hành động khủng bố đẫm máu, man rợ mà nạn nhân là hàng chục người dân vô tội, hiền hòa,” ông Putin, người vừa giành chiến thắng vang dội trong cuộc tái tranh cử, cho biết trong bài diễn văn công khai đầu tiên kể từ sau cuộc tấn công.
“Cả bốn thủ phạm đã bắn và sát hại người dân trong vụ tấn công khủng bố đều đã bị bắt giữ. Họ đã đi tới Ukraine, nơi mà theo thông tin sơ bộ, họ có cánh cửa để vượt biên giới,” ông nói.
Ukraine đã phủ nhận bất kỳ sự liên can nào, đồng thời cáo buộc Điện Kremlin lợi dụng vụ tấn công để thu hút sự ủng hộ trong nước cho nỗ lực chiến tranh của mình.
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã phủ nhận mọi sự liên quan.
“Ukraine chưa bao giờ sử dụng các phương pháp khủng bố,” ông nói trong một bài đăng trên X. “Mọi thứ trong cuộc chiến này sẽ chỉ được quyết định trên chiến trường.”
“Không còn mảy may nghi ngờ gì nữa rằng các sự kiện ở vùng ngoại ô Moscow sẽ góp phần làm tăng mạnh hoạt động tuyên truyền quân sự, đẩy nhanh quá trình quân sự hóa, mở rộng điều động, và, cuối cùng là mở rộng quy mô chiến tranh,” ông nói trong một bài đăng. “Và cũng để biện minh cho các cuộc tấn công diệt chủng rõ ràng nhắm vào thường dân Ukraine.”
Bộ Ngoại giao Ukraine cũng phủ nhận việc nước này có bất kỳ sự liên can nào và cáo buộc Moscow sử dụng cuộc tấn công để cố gắng thu hút sự ủng hộ cho nỗ lực chiến tranh của mình.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times