Những đóa hồng úa tàn: Đối diện với mất mát và đau thương
Mất mát và đau thương có thể khiến con người trở nên cay nghiệt và hoài nghi, và những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ đóng kín lại với họ. Nhưng nếu chúng ta tỉnh táo để ngẫm nghĩ kỹ một chút sẽ thấy rằng nỗi buồn là một người thầy tuyệt vời. Người thầy ấy tôi luyện sự đồng cảm và tình yêu thương của chúng ta đối với người khác, cho chúng ta sức mạnh để trân trọng những người đã khuất, cho phép ta học hỏi từ những người đã làm ta đau lòng.
Nỗi buồn luôn hiện hữu muôn hình muôn vẻ.
Sự ra đi mãi mãi của một người thân, một lần đi kiểm tra bệnh định kỳ đã phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo, một cuộc hôn nhân vừa kết thúc, trái tim tan vỡ vì sự phản bội, bản án của một thiếu niên nghiện ngập, cái chết đột ngột của thú cưng, sự phá sản, cảnh thất nghiệp: danh sách ấy kéo dài như vô tận với đủ mọi kiểu thống khổ.
Cách mỗi người bộc lộ nỗi u sầu cũng khác biệt: người trút tâm tư với gia đình, bè bạn, người âm thầm giấu kín nỗi đau. Người phụ nữ nọ bị chồng bỏ than khóc mãi chẳng nguôi ngoai, tương tự hoàn cảnh đó, một phụ nữ khác thì lựa chọn gói nỗi đau cất vào một góc, gồng mình tiếp tục với trách nhiệm của làm người mẹ và người trụ cột tài chính trong gia đình.
Những lúc này, có người loay hoay tìm những câu từ phù hợp để xoa dịu nỗi đau đối phương. Một vài lời an ủi được thốt ra ngại ngùng, gượng gạo để làm tròn “trách nhiệm’’. Hoặc, có những người chọn im lặng, lảng tránh sau những lễ tang hoặc thảm kịch bởi cảm giác hụt hẫng và sợ hãi.
Trong thư viện công cộng, tôi bắt gặp một vài cuốn sách “chữa lành’’ nỗi đau với những tựa đề như (tạm dịch): “Dành cho cha mẹ: Chữa lành nỗi đau mất thú cưng của trẻ” (Healing a Child’s Pet Loss Grief: A Guide for Parents); “Nỗi buồn của phụ nữ” (A Woman’s Book of Grieving) và “Sổ tay chữa bệnh: Cách giúp đỡ người đang sầu khổ” (You Can Help Someone Who’s Grieving: A How-To Healing Handbook).
Đó là những tài liệu rất hữu ích, nhưng trong bài viết này, tôi sẽ đưa một vài nhận xét, lời khuyên cá nhân về sự sầu bi và quá trình chữa lành nỗi đau buồn. Tôi đã bước sang tuổi 70, cũng như những người cùng độ tuổi, tôi đã chứng kiến và trải nghiệm đủ những bi thương, muộn phiền của cuộc đời.
Cảm nhận nỗi đau
Sáu tuần sau khi vợ tôi qua đời, một ngày nọ, lũ trẻ và bà ngoại đang quây quần bên bàn ăn thì bà nói: “Đã đến lúc chúng ta cần vượt qua chuyện này và bước tiếp.’’
Người con cả của tôi, chưa tròn 20, đáp: “Ngoại à, chúng ta rồi sẽ vượt qua thôi, nhưng ngay lúc này con vẫn rất nhớ mẹ.”
Đó là cách nói khôn ngoan. Con trai tôi cho phép bản thân có thời gian để thỏa hiệp với nỗi buồn và rồi cố gắng vượt qua. Những lần qua nhà tôi, mẹ vợ tôi thường ghé thăm mộ của con gái, vốn gần đó, nhưng bà chỉ thường nán lại một hoặc hai phút trước khi những giọt nước mắt kịp tuôn trào và vội vàng rời đi. Bà đã không thành thật trước nỗi đau của bản thân.
Không ai trong chúng ta thích đau khổ, nhưng với sự mất mát như vậy đòi hỏi chúng ta phải cảm nhận nỗi đau, và cần có liều thuốc “thời gian’’ để chữa lành. Một nhà trị liệu đã từng nói với tôi rằng nỗi đau mất đi người thân có thể kéo dài tới ba năm trước khi nó thực sự nguôi ngoai.
Vậy nên, hãy kiên nhẫn với bản thân và những người xung quanh. Nỗi buồn luôn thất thường, bất tuân theo một lịch trình cố định.
Tầm quan trọng của sự hiện diện
Nhắc tới hiện diện, tôi muốn đề cập tới sự có mặt của cả người bị tổn thương và những người quan tâm, chăm sóc họ.
Trước sự mất mát hoặc phản bội, một số người lựa chọn cô lập những cảm xúc đó khỏi bản thân. Tôi đã từng gặp những người “bỏ sầu mua vui” bằng mua sắm, những cuộc tiêu xài hoang phí và phù phiếm. Một số khác tìm đến rượu hoặc chất kích thích, một số lao đầu vào công việc, số khác nữa thì tìm kiếm bạn đời mới hay người yêu khác, hoặc tìm thú vui trong các trò chơi như golf, quần vợt.
Mọi nỗ lực để chạy trốn hay trì hoãn nỗi đau sẽ chỉ kéo dài và phức tạp thêm quá trình chữa lành. Tất cả chúng ta đều có những đau buồn khác nhau, nhưng yếu tố cần thiết trong hành trình này đó là sự hiện hữu, sự sẵn sàng đối mặt với mất mát, thương tổn đó.
Đối với những người với mong muốn an ủi bè bạn hay người thân hãy luôn nhớ rằng: sự hiện diện của bạn sẽ luôn ý nghĩa hơn tiền bạc, lời nói hay bữa ăn. Ở bên cạnh người ấy là món quà lớn nhất bạn có thể trao tặng họ. Vào những lúc như vậy thì một cái ôm chặt có ý nghĩa rất nhiều, hơn những gì bạn có thể tưởng tượng.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Nếu cuộc đời giáng cho bạn một cú đánh khủng khiếp, khiến bạn ngã gục tưởng chừng như kiệt sức. Những giấc ngủ chập chờn, cơn chán ăn dần ập tới, và bạn chẳng muốn làm gì hơn là bất động trên chiếc sofa và nhìn vào hư vô.
Đây là thời điểm mà bất chấp mọi linh tính, cảm giác trái ngược bạn cần phải kiên cường và chủ động chăm sóc bản thân: ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập luyện thể thao, thậm chí việc đi dạo quanh khu nhà cũng có thể xoa dịu tâm trạng của bạn.
Duy trì thói quen đều đặn cũng là một liều thuốc giảm đau buồn. Tôi có thói quen đi bộ tới thư viện với người con trai út một hoặc hai lần mỗi tuần, và vài tuần sau khi mẹ nó qua đời, chúng tôi vẫn giữ thói quen này. Những buổi đi dạo đó mang lại cho chúng tôi cảm giác về thực tại vẫn luôn tiếp diễn và một sự hoài niệm về quá khứ tươi đẹp.
Nếu bạn đang có ý định an ủi một người thân vừa trải qua một thương tổn, hãy bắt đầu bằng việc tự nấu cho họ những món ăn lành mạnh, hoặc tặng họ những phiếu mua hàng thiết yếu. Nếu sống gần họ, bạn có thể đề nghị đi dạo cùng với họ vào hai hoặc ba buổi tối trong tuần, điều đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để rèn luyện sức khỏe và hàn huyên chia sẻ.
Chiếc phao cứu sinh
Một số người dường như không thể vượt qua mất mát dù có sự trợ giúp của người khác. Một số bất hạnh hơn vì không có người thân để nương tựa, vỗ về hay thiếu những người bạn có thể giúp họ vực dậy tinh thần và cùng họ vượt qua cơn bão tố.
Trong những trường hợp như vậy, việc tìm tới một nhà trị liệu hoặc một nhóm hỗ trợ sẽ rất hữu ích. Nhóm hỗ trợ giúp chúng ta có cơ hội gặp gỡ những mảnh đời cùng hoàn cảnh, và lắng nghe trải nghiệm có thể làm nhẹ gánh nặng trong lòng, khiến chúng ta biết rằng mình không đơn độc như chúng ta vẫn nghĩ.
Một nhà trị liệu cũng có thể đồng hành cùng chúng ta vượt qua nỗi đau, hướng dẫn những liệu pháp chữa lành, hoặc đơn giản là lắng nghe để chúng ta trút nỗi lòng cùng những giọt nước mắt mà ngay cả đối với người thân thiết ta đã cố che giấu.
Hãy google “nhóm hỗ trợ, chia sẻ nỗi buồn” và bạn có thể tìm thấy sự trợ giúp hiệu quả.
Sự khác biệt
Nỗi đau thay đổi một con người.
Dưới đây là một ví dụ. Nhiều độc giả có thể thấy không liên hệ với bản thân, nhưng trải nghiệm này được coi là một thất bại lớn trong cuộc đời tôi.
Thứ tư, ngày 12/05/2004, tôi gọi vợ mình trước 9h sáng từ tòa nhà nơi tôi giảng dạy và nhờ cô ấy tìm một vài giáo án tôi để quên ở nhà. Vợ tôi không được khỏe, nhưng cô ấy vẫn tìm tài liệu cho tôi và đọc những thông tin cần thiết cho tôi. Trước khi cúp máy, những lời cuối cùng của cô ấy nói với tôi là “Em yêu anh’’.
Những lời cuối của tôi với cô ấy là: “Anh phải đi đây. Học sinh đang đợi. Gặp em lúc 4h nhé.”
Khi tôi về tới nhà, vợ tôi đang nằm dưới sàn nhà trong trạng thái bất tỉnh. Thứ hai tuần sau đó, cô ấy qua đời vì chứng phình mạch não tại một bệnh viện ở Asheville, Bắc Carolina.
Chuyện gì xảy ra với tôi vậy? Tại sao tôi không chỉ đơn giản nói lại “Anh cũng yêu em?’’. Tại sao? Tại sao? Tại sao?
Những câu hỏi ấy ám ảnh, giày vò tôi tới tận bây giờ. Nhưng kể từ ngày đó, chỉ trừ một ngoại lệ – một người họ hàng dường như cảm thấy không thoải mái với câu nói đó – bây giờ tôi nói “Tôi yêu bạn’’ sau mỗi cuộc hội thoại với bè bạn, con cái hay các cháu của tôi.
Khi “nỗi buồn” là người thầy
Mất mát và đau thương có thể khiến con người trở nên cay nghiệt và hoài nghi, và những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ đóng kín lại với họ. Nhưng nếu chúng ta tỉnh táo để ngẫm nghĩ kỹ một chút sẽ thấy rằng nỗi buồn là một người thầy tuyệt vời. Người thầy ấy tôi luyện sự đồng cảm và tình yêu thương của chúng ta đối với người khác, cho chúng ta sức mạnh để trân trọng những người đã khuất, cho phép ta học hỏi từ những người đã làm ta đau lòng – người bạn đời đã buông bỏ cuộc hôn nhân, người mẹ đã qua đời luôn làm chúng ta tổn thương, đối tác kinh doanh đã làm cho công việc kinh doanh thất bại.
Kate McGahan, nhà văn kiêm cố vấn chăm sóc sức khỏe lâu năm, đã từng viết: “Nỗi buồn sẽ tan biến khi bạn biết hài lòng với những bài học nó mang lại.”
Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu đang tuổi ăn tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã giảng dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh trong các cuộc hội thảo về giáo dục tại nhà ở Asheville, N.C. Ngày nay, ông sống và viết lách tại Front Royal, Virginia. Truy cập địa chỉ JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Minh Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: