Những đóa hoa nở rộ trong triển lãm tranh hoa tĩnh vật tại Hà Lan
Lần đầu tiên kỷ niệm 130 năm những kiệt tác hội họa chủ đề hoa tĩnh vật ở Hà Lan. Triển lãm ‘In Full Bloom’ tại Mauritshuis, ở The Hague
Trào lưu vẽ hoa tĩnh vật vô cùng phát triển vào đầu thế kỷ 17. Những bức kiệt tác về hoa được các họa sĩ khắc họa như một hình ảnh mang ý nghĩa đẹp đẽ về cuộc sống cũng như sự vô thường của sinh mệnh.
Không gì sánh bằng một bức tranh hoa tĩnh vật Hà Lan thế kỷ 17. Những đóa hoa to bản rực rỡ, tươi sáng cắm trong những chiếc bình xa hoa có côn trùng và trái cây căng mọng là chủ đề thường xuất hiện xuyên suốt trong các bức tranh. Tuy nhiên, vào những năm 1600, thể loại mới này bao gồm một loạt các phong cách đa dạng khác nữa, từ vẽ hoa hiện thực đến các tác phẩm huyền ảo; bất kể kỹ thuật của họ là gì, tất cả các nghệ sĩ vẽ tĩnh vật về chủ đề hoa đều mang nội tâm chân thành với thiên nhiên.
Chủ đề về hoa bỗng xuất hiện trong tâm trí tôi khi một bảo tàng Mauritshuis, ở The Hague, Hà Lan, tổ chức triển lãm kỷ niệm hai trăm năm một lần vào năm nay. Tại nơi lưu giữ những kiệt tác hàng đầu của thời kỳ hoàng kim ở Hà Lan và Flemish, còn cách nào để làm lễ kỷ niệm bảo tàng tốt hơn là tổ chức một cuộc triển lãm tôn vinh truyền thống vẽ hoa tĩnh vật hơn 400 năm tuổi tại Hà Lan.
Triển lãm “Những đóa hoa nở rộ” tại bảo tàng Mauritshuis trưng bày các tranh tĩnh vật về hoa từ năm 1600 đến năm 1730. Triển lãm bao gồm các tác phẩm tĩnh vật về hoa nổi tiếng của các họa sĩ như Ambrosius Bosschaert, Jan Davidsz de Heem, Willem van Aelst và Rachel Ruysch, cũng như như các tác phẩm từ bộ sưu tập phong phú của bảo tàng. Cuộc triển lãm bao gồm nhiều tác phẩm vay mượn từ khắp nơi trên thế giới.
Nghệ thuật vẽ thực vật
Vào khoảng năm 1600, trào lưu vẽ tranh tĩnh vật hoa vô cùng phát triển . Vào thế kỷ 16, việc trồng, nghiên cứu và thu thập các loài thực vật và hoa lạ đã trở thành xu hướng phổ biến. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra các bản vẽ chi tiết về những loài thực vật này và xuất bản chúng dưới dạng hình ảnh minh họa trong các album được gọi là “florilegia,” có nghĩa là “hợp tuyển các loài hoa” trong tiếng Latinh.
Vào năm 1594, Carolus Clusius, một nhà khoa học và thực vật học, đã thành lập Hortus Botanicus, vườn thực vật đầu tiên của Hà Lan. Theo Bảo tàng Tulip Amsterdam, người ta vẫn dựa trên những nghiên cứu về hoa tulip của Clusius để xác định các loài hoa ngày nay.
Vào thế kỷ 1, ban đầu hoa tulip được vận chuyển đến Hà Lan qua Thổ Nhĩ Kỳ từ Á châu và những nơi khác. Việc này đã dẫn đến “Tulipmania” (hội chứng hoa tulip) xuất hiện. Trên các hình minh họa về thực vật trong các danh mục sách, người trồng trọt thường chú thích trọng lượng và giá của củ hoa tulip của họ. Nhiều hình mẫu hoa tulip được vẽ lên, bao gồm một bức tranh màu nước của Jacob Marrel mô tả chi tiết các đặc điểm của hoa tulip Admirael Vander Eyck. Những bức tranh này ngày nay minh chứng cho số tiền đắt đỏ để mua các bông hoa vào thời kỳ trước, một số trong số đó từng có giá tương đương với một căn nhà trên kênh ở Amsterdam.
Vào năm 1630, nhu cầu về hoa tulip lên đến đỉnh điểm, và nhu cầu về tranh vẽ hoa cũng tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Toàn bộ sách về thực vật đều có hình vẽ hoa tulip. Các nghệ sĩ bách thảo thích miêu tả “hoa tulip tan vỡ” với những cánh hoa bị tách và những đường vân, mà theo Clusius phát hiện được là do virus gây ra*. Clusius nhận ra rằng hoa tulip sẽ chết nếu chúng đổi màu so với trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, ông nói rằng những bông hoa rực rỡ như vậy tồn tại “chỉ để làm lóa mắt chủ nhân của nó bởi sự đa dạng về màu sắc này trước khi chết, như thể để đưa ra lời từ biệt cuối cùng”.
Thị trường hoa tulip đổ vỡ vào năm 1637 khiến nhiều nhà đầu tư phá sản. Các học giả bất đồng ý kiến về lý do thị trường điêu đứng; một số người tin rằng thị trường đã đạt đỉnh và giá không thể tăng cao hơn nữa, trong khi những người khác tin rằng giá củ hoa giảm mạnh là do được nhân giống chứ không phải nhập khẩu.
Bức tranh vẽ hoa
Họa sĩ dẫn đầu thể loại vẽ tranh tĩnh vật và hoa là Ambrosius Bosschaert. Vào khoảng năm 1618, ông đã vẽ “Bình hoa trong hốc tường,” mô tả một bó hoa ngoạn mục về kích thước, màu sắc và chủng loại. Ông đã khắc họa chân thật 30 loại hoa. Tuy thế, bất kỳ người làm vườn nhạy bén nào cũng có thể nhận thấy rằng bố cục của Bosschaert là mang tính phi thường. Bởi vì bố cục đối xứng trong tác phẩm của ông bao gồm những bông hoa nở rộ nhiều mùa và nhiều nơi khác nhau, nên cả bó hoa của ông chắc chắn không thể nở cùng một thời điểm. Một người trong nghề cũng phân tích rằng sự sắp xếp của hoa trông quá nặng nề; nếu thực sự như vậy, bình hoa sẽ đổ mất.
Những bức tranh tĩnh vật hoa với phong cách over-the-top trong thời kỳ đầu đặc trưng bởi nhiều loại hoa rực rỡ đầy sắc màu.
Năm 1693, Hans Bollongier đã vẽ một bức tranh tĩnh vật có bố cục khá lỏng lẻo, đây là một đặc điểm tiêu biểu của tranh tĩnh vật hoa vào những năm 1630, khi các họa sĩ tránh bố cục đối xứng để có được một thiết kế bình dị hơn nhưng vẫn mang tính tự nhiên. Một bức tranh tĩnh vật với bố cục bất đối xứng của Hans Bollongier, được vẽ vào năm 1639, là nét đặc trưng của thời kỳ đó.
Tranh tĩnh vật hoa đã phát triển thành các tác phẩm ấn tượng vào khoảng giữa thế kỷ 17. Những kiệt tác đầy mỹ diệu này là bức họa khám phá thế giới những chú bọ, bông hoa và hiệu ứng ánh sáng đầy ngoạn mục. Bức tranh tươi sáng “Bình hoa” của Jan Davidsz de Heem, vào năm 1670, là một bức tranh tuyệt đẹp với chiếc bình hoa pha lê màu xanh lam phản chiếu ánh sáng, những con sâu đang bò và những chú bướm bay lượn giữa các loại trái cây, hoa lá hoa quen thuộc và kỳ lạ.
Một chiếc đồng hồ nằm trên bàn trong tác phẩm “Hoa tĩnh vật với đồng hồ” của Willem van Aelst, nhắc nhở người xem về sự ngắn ngủi của cuộc sống, một đề tài được phản ánh trong các bức tranh “vanitas”(hư không) và “memento mori”(vô thường) nổi bật ở Hà Lan vào thời kỳ đó. Và tất nhiên, đó cũng là một đề tài biểu đạt sự vô thường của chính những bức tranh hoa tĩnh vật.
Cho đến những năm 1700, các bức tranh hoa tĩnh vật đã phát triển có phần yên ắng hơn. Các họa sĩ như Rachel Ruysch đã tạo ra các tác phẩm có bố cục đơn giản hơn nhưng không kém phần ấn tượng. Ruysch tiếp tục đạt được thành tựu vẽ tranh cho đến khi bà 80 tuổi, và tác phẩm của bà được giới quý tộc châu Âu sưu tầm.
Cánh hoa phai tàn được nhà thơ và cũng là giáo sĩ người Anh George Herbert mô tả một cách đầy xúc cảm trong câu mở đầu bài thơ “Life” (1633) của ông:
Tôi lại bó mấy nhành hoa
Thoảng hương sắc cũ – tháng tàn ngày xa
Thôi thì tôi thế cũng là,
Đời tôi cũng trải như là hoa kia,
Thời gian man trá không lìa
Thẽ thọt hoa ấy, cướp liền trưa nay,
Chao ôi, những mấy bông này,
Ngủ ngon một giấc trên bàn tay tôi.
Các nghệ sĩ vẽ tĩnh vật của Hà Lan ở thế kỷ XVII đã ngưng đọng thời gian bằng cách tôn vinh hình ảnh đẹp đẽ thoáng qua những loài hoa . Những bức tranh như một lời nhắc nhở về vẻ đẹp của cuộc sống cũng như sự vô thường của sinh mệnh.
Lorraine Ferrier, nữ tác giả chuyên viết về mảng mỹ thuật và thủ công cho The Epoch Times. Bài viết của cô chủ yếu xoay quanh các nghệ sĩ và nghệ nhân đến từ vùng Bắc Mỹ và Âu Châu, những nghệ sĩ với phong cách chế tác thấm đẫm vẻ đẹp và giá trị truyền thống. Cô đặc biệt quan tâm đến những ngành nghệ thuật và thủ công hiếm gặp và ít được biết đến. Cô hy vọng rằng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Cô sinh sống và sáng tác tại vùng ngoại ô thành phố London, Anh quốc.
*Màu gouache (body colour): dạng màu gồm hỗn hợp bột màu, nước và chất liên kết, các tranh vẽ có màu sắc mờ khi dùng màu gouache.)
*Hoa tulip bị nhiễm virus làm thay đổi sắc tố trong tế bào của cánh hoa, khiến hoa có vệt kiểu ngọn lửa và lông vũ. Broken tulip cũng có thể dịch là “Hội chứng hoa tulip”, kể về cuộc khủng hoảng kinh tế của Hà Lan, về bong bóng kinh tế bị vỡ.
Thanh Ân & Hạnh Dung biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: