Những điểm yếu của hệ thống kinh tế Trung Quốc
Cách tiếp cận tập trung hóa của Bắc Kinh kém ấn tượng hơn so với bề ngoài.
Dưới thời lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tăng mạnh cách tiếp cận theo định hướng tập trung đối với các lĩnh vực kinh tế. Không hề thiên vị ông Tập, nhiều hãng truyền thông phương Tây và giới doanh nhân đã ca ngợi cách tiếp cận tập trung hóa này là vượt trội so với hệ thống định hướng thị trường đang dường như hỗn loạn của Hoa Kỳ. Một số thậm chí đã dự báo về chiến thắng cuối cùng của mô hình Trung Quốc.
Nhưng đối với tất cả những lời khen ngợi này, những thứ có vẻ được nhiều người mô tả như là những điểm mạnh thực sự lại là những điểm yếu [của hệ thống kinh tế Trung Quốc]. Bài viết này cùng những phần tiếp theo cho chuyên mục sẽ giải thích những điều Bắc Kinh và nhiều hãng truyền thông phương Tây và giới doanh nhân đã bỏ qua.
Sách trắng gần đây của Trung tâm Xã hội Á Châu về Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc và của Trung tâm Chiến lược và Chính sách Toàn cầu Thế kỷ 21 của Trường UC San Diego đã định hình rõ các vấn đề này. Tài liệu này mô tả 3 yếu tố thiết yếu đối với hệ thống kinh tế của Trung Quốc. Đầu tiên là việc Bắc Kinh kiểm soát nền kinh tế thông qua các biện pháp can thiệp trên quy mô lớn để tiến tới đạt các mục tiêu ưu tiên của các nhà hoạch định. Yếu tố thứ 2 là sự cởi mở đối với các khoản đầu tư ngoại quốc chừng nào các khoản đầu tư này phục vụ các mục tiêu phát triển mà các nhà hoạch định của Bắc Kinh đã xác định. Yếu tố thứ 3 là sự điều phối các nguồn lực tài chính của Trung Quốc để phục vụ các mục tiêu do trung ương xác định này.
Cách tiếp cận tập trung hóa và có mục đích cao độ này thường gây ấn tượng với các nhà báo, quan chức chính phủ, và doanh nhân ghé thăm. Ví dụ, các nhà hoạch định quyết định rằng Trung Quốc sẽ có đường sắt cao tốc. Những vị du khách này bị kinh ngạc bởi những đầu máy xe lửa mạnh mẽ trên một dãy những tuyến đường ray rất ấn tượng đi về mọi hướng từ trung tâm đô thị. Mọi thứ đều trông hiệu quả, sạch sẽ và có tổ chức hơn rất nhiều so với ở phương Tây. Các công trình cảng biển trông thật phi thường. Các thành phố mọc lên dường như chỉ sau một đêm từ những nơi từng là cánh đồng, với đầy rẫy những dãy nhà chung cư cao tầng và các hệ thống giao thông đô thị.
Các nhà báo và doanh nhân sau khi quan sát tất cả những điều này đều trở về quê hương và thấy không hài lòng với cái dường như là sự bất lực của các tiến trình dân chủ để đưa ra quyết định về một đường lối kinh tế, chưa cần nói đến khả năng huy động các phương tiện để theo đuổi đường lối ấy. Họ thấy không tán thành sự (tự) chuyển hóa cao của nền kinh tế thị trường mà trong đó các tư tưởng và các công ty thịnh và suy, và sụp đổ mà không hề có bất kỳ sự chỉ đạo hoặc hướng dẫn tổng thể nào.
Nhưng với tất cả sự kinh ngạc mà cách tiếp cận của Trung Quốc tạo ra đối với một số người, hệ thống kinh tế của Trung Quốc kém hiệu quả hơn so với vẻ bề ngoài và cực kỳ lãng phí. Vấn đề là ngay cả các nhà hoạch định của Trung Quốc cũng không thể nhìn được tương lai. Họ lựa chọn những định hướng có vẻ rất phù hợp vào buổi sáng khi chúng được thông báo — chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, hoặc xe điện. Họ chọn các công ty, thường là thuộc sở hữu nhà nước, để theo đuổi những định hướng đó. Sau đó, bằng một quyết định, các nhà hoạch định không chỉ giải quyết các mục tiêu chính của nền kinh tế mà còn cả các công nghệ, vận hành, và các tổ chức để đạt được chúng.
Việc ấy thực sự như đoán mò vậy. Rốt cuộc, những gì có vẻ phù hợp vào ngày hôm nay thường trở nên lỗi thời đi nhanh chóng, trong khi các công nghệ được ứng dụng còn lỗi thời nhanh hơn nhiều. Nhưng ngay cả khi điều này trở nên rõ ràng, thì một khi đã lập kế hoạch, Bắc Kinh sẽ chỉ thực hiện rất ít điều chỉnh giữa chừng, nếu có, và những điều chỉnh mà họ thực hiện hiếm khi được hoàn thành và cũng thường được thực hiện chậm trễ trong suốt cả quá trình.
Và những sai lầm phổ biến như vậy gây ra sự lãng phí lớn. Thất bại ở Evergrande là một trường hợp điển hình. Công ty này phải gánh những khoản nợ khổng lồ không phải vì ban lãnh đạo của công ty quá khoa trương, dù đúng họ là như vậy, mà chính là do những người cho vay thiếu cẩn trọng. Evergrande có thể chất đống những khoản nợ to lớn như vậy vì Bắc Kinh đã nhấn mạnh vào lĩnh vực nhà ở trong nhiều năm. Phối hợp với Evergrande và các nhà phát triển địa ốc khác, Bắc Kinh và các chính quyền địa phương đã dựng lên các thành phố từ con số không và rõ ràng đã làm như vậy mà chẳng cần mấy tham khảo về những gì người Trung Quốc muốn hoặc nơi họ muốn sống. Hiện nay, có vẻ như 20% nguồn cung nhà ở của Trung Quốc không có người sử dụng. Ngay cả khi giờ đây Trung Quốc san bằng những cấu trúc dư thừa này, thì các khoản nợ vẫn sẽ tồn tại. Nợ chưa trả của Evergrande là một phần trong bức tranh tổng quát hơn. Nhà ở cũng không phải là lĩnh vực duy nhất mà việc quy hoạch tập trung đã chệch mục tiêu và gây ra lãng phí lớn.
Ví dụ, có những tuyến đường sắt không kết nối đến bất cứ nơi đâu và những con đường phục vụ được rất ít đối tượng. Thực tế đó nói lên cách tiếp cận này đã thường xuyên chệch mục tiêu như thế nào và lý do tại sao tổng nợ ở Trung Quốc – cả công và tư – hiện vượt quá 275% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia, phần lớn trong số đó liên quan đến các dự án đã được lập kế hoạch mà không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của nó.
Tất nhiên, các nền kinh tế thị trường cũng không có khả năng đặc biệt để nhìn được tương lai. Những nỗ lực của kinh tế thị trường cũng gây ra rất nhiều sai lầm và lãng phí. Tuy nhiên, thị trường có hai lợi thế khác biệt so với cách tiếp cận tập trung hóa của Trung Quốc.
Thứ nhất, họ hiếm khi chi phối các nguồn lực kinh tế và tài chính quốc gia một cách triệt để như cách tiếp cận của Trung Quốc. Theo đó, các sai lầm xảy ra ở quy mô nhỏ hơn, ít lãng phí hơn ở Trung Quốc. Số ít những lần Hoa Kỳ phải hứng chịu mức độ lãng phí ở quy mô tương đương với Trung Quốc hầu như luôn luôn là kết quả từ sự hối thúc mang tính sắp đặt của chính phủ, chẳng hạn như khi Hoa Thịnh Đốn gây áp lực với các ngân hàng để cấp các khoản vay thế chấp tới các đối tượng có chất lượng tín dụng kém hơn, khuyến khích các hoạt động tài chính đáng ngờ và dựng lên quá mức những gì đã đạt đến đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 –09.
Ưu điểm thứ hai của hệ thống thị trường là chúng chấp nhận hàng loạt các thành phần tham gia, mỗi người trong số họ đều nỗ lực để nắm bắt nhu cầu trong tương lai theo những cách khác nhau. Hầu hết đều sai lầm và thất bại. Nhưng những công ty đi đúng hướng sẽ thành công một cách diệu kỳ, làm giàu cho các nhà đầu tư của họ cũng như toàn bộ nền kinh tế. Cách tiếp cận đa dạng này, mặc dù kém tổ chức hơn nhiều so với hệ thống tập trung hóa của Trung Quốc, nhưng có nhiều khả năng thành công hơn là nỗ lực tập trung hoá của Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu khó nắm bắt của tương lai.
Sự cởi mở của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư ngoại quốc dường như là một cách để hệ thống của nước này tận dụng những lợi thế của các nền kinh tế thị trường đa dạng hơn. Đặc biệt là cùng với việc Bắc Kinh khăng khăng rằng các nhà đầu tư ngoại quốc chia sẻ công nghệ và bí mật kinh doanh của họ với một đối tác Trung Quốc, cách tiếp cận này đã mở ra Trung Quốc [để tiếp cận được] với những đổi mới sáng tạo của những quốc gia khác. Nhưng việc chuyển giao công nghệ mang tính cưỡng chế như vậy cũng chỉ bảo đảm rằng, trong trường hợp tốt nhất, Trung Quốc sẽ có công nghệ của ngày hôm nay và nhiều khả năng là công nghệ của ngày hôm qua, mà cả hai loại công nghệ này, với tốc độ thay đổi trong lĩnh vực công nghệ, sẽ sớm bị thay thế bởi một công nghệ mới mẻ nào đó. Sự phụ thuộc vào việc sao chép hoặc những gì trên thực tế là hành vi trộm cắp là cách tiếp cận “sáng tạo” của một nền kinh tế kém phát triển.
Không điều gì trong số này là để đánh giá thấp những gì Trung Quốc đã đạt được trong vài thập kỷ qua. Cũng không có bất kỳ nỗ lực nào ở đây để bỏ qua những điểm mạnh và lợi thế rõ ràng của Trung Quốc. Đất nước có dân số đông, thông minh, được giáo dục tốt và có kỷ luật, đối với bất kỳ nền kinh tế nào cũng là một viên ngọc vô giá. Họ có tài nguyên thiên nhiên và địa lý, và một tinh thần quốc gia ấn tượng. Nhưng việc công nhận tất cả những điều này không nên khiến cho mọi người mù quáng— người dân Trung Quốc và ngoại quốc cũng vậy — trước những điểm yếu tiềm ẩn trong hệ thống tập trung hóa, chỉ đạo từ trên xuống của Trung Quốc hoặc những mối nguy hiểm đối với Trung Quốc đang tiềm ẩn trong quyết tâm dường như cứng rắn của ông Tập.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”)
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: