‘Những con tàu của sa mạc’: Khám phá những điều kỳ thú về lạc đà ở Ấn Độ
Không khí trở nên căng thẳng khi ánh nắng chiều tắt dần – và sự kiện chính sắp bắt đầu. Các tay đua đang chuẩn bị cho những con vật của mình sẵn sàng tham gia vào cuộc đua điên cuồng phía trước. Đội chiếc mũ phóng viên với cuốn sổ ghi chép trên tay, tôi đi qua các cồn cát và đến gần một người để hỏi anh ta về hy vọng, chiến lược và kế hoạch giành chiến thắng, liệu anh ta có giành được giải thưởng cao nhất trị giá khoảng 75 USD hay không.
Cuộc trò chuyện mới bắt đầu một vài giây, tôi cảm thấy có thứ gì đó kẹp chặt cánh tay trái. Phản ứng một cách thái quá, tôi rũ nó ra và trong lúc đó vấp vào chân của mình, tôi ngã ngửa ra đất. Những khuôn mặt lo lắng nhìn tôi, tay đua và bạn bè của anh ta bối rối và xin lỗi, nhưng hóa ra chuyện không có gì cả ngoài việc tôi vừa tự làm đau mình.
Tôi phủi bụi và kiểm tra cánh tay – không có vết cắt hoặc vết thương nào từ những chiếc răng xỉn màu, móng guốc – và tôi cố vỗ về vào cổ con thú lớn. Tuy nhiên nó vẫn tỏ vẻ cáu kỉnh và chưa sẵn sàng làm hòa, nó khịt mũi và tránh xa tôi.
Đó là một buổi chiều tại lễ hội lạc đà lớn thứ ba thế giới.
‘Những con tàu của sa mạc’
Lạc đà là một sinh vật gây hiếu kỳ và thường được coi là nhân vật hoạt hình ở phương Tây. Loài vật này là một nhân tố thiết yếu ở nhiều nơi trên thế giới. Thường được gọi là “những con tàu của sa mạc”, bản chất cứng rắn của chúng – khả năng đi những đoạn dài mà không cần thức ăn hoặc nước uống – cùng với đôi chân to và lưng khỏe, chúng có thể vận chuyển được rất nhiều trong một quãng đường dài. Và, đặc biệt là ở Ấn Độ, chúng được tôn vinh. Tôi dành hai ngày ở Bikaner, vùng xa xôi của Rajasthan, để tìm hiểu thêm về chúng.
Khi bạn đề cập đến lạc đà ở khu vực này của thế giới, mọi người tự động liên tưởng đến một nơi – không phải Bikaner, mà là Pushkar. Thu hút khoảng 200,000 người tham gia sự kiện kéo dài 5 ngày, đây là hội chợ lạc đà nổi tiếng nhất thế giới. Giống như bất kỳ hội chợ nông nghiệp nào khác, sự kiện này được lập ra nhằm thúc đẩy việc mua bán gia súc. Dần dần, chương trình thêm các sự kiện mới và ngày càng độc đáo, bao gồm các cuộc thi “cô dâu” và cuộc thi xem con lạc đà nào có bộ ria mép dài nhất. Một bầu không khí lễ hội tràn ngập với những bánh xe Ferris lớn và các điểm tham quan khác ở giữa đường, cùng các buổi dã ngoại trên bờ Hồ Pushkar.
Mặc dù thời gian không phù hợp để tôi đến thăm Pushkar, nhưng tôi thấy Bikaner có rất nhiều điều mê hoặc. Đó là một thành phố có khoảng 750,000 người nằm không xa biên giới Pakistan. Trên chuyến xe của tôi từ Jaipur, khoảng sáu giờ về phía đông nam, tôi có thể chứng kiến nhịp sống của thành phố. Ấn Độ là một quốc gia mà bạn có thể chứng kiến ngành công nghệ và lịch sử trong vài thế kỷ lướt qua cửa kính ô tô – nơi những con ngựa và những chiếc xe bốn bánh lao qua các trung tâm IT sáng bóng và những người thôi miên rắn dừng lại để gửi tin nhắn trên điện thoại thông minh của họ. Trên đường cao tốc, xa lộ bốn làn xe lớn, chúng tôi đi qua những con lạc đà một bướu đặc trưng đang kéo những toa xe chất đầy cỏ khô cao không thể tưởng tượng nổi.
Về đến thị trấn, tôi nghỉ qua đêm trong cung điện cũ đã được tân trang lại một phần của một vị thủ lĩnh (maharaja) địa phương – một chiếc TV màn hình phẳng và một chiếc giường êm ái được đưa vào một căn phòng lớn, tạo cảm giác như nó nên có mặt trong một viện bảo tàng. Lạc đà có lịch sử lâu đời ở Bikaner, và thành phố này từng lập một quân đoàn lạc đà để chiến đấu trong một số cuộc xung đột, bao gồm cả hai cuộc thế chiến. Vệ binh trên lạc đà vẫn tuần tra biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan.
Lễ hội
Sáng hôm sau, tôi lên đường đến một dải cát và các cồn cát, nơi hàng nghìn người đang tụ tập để tham gia lễ hội. Đến nơi, đó là một bữa tiệc của các giác quan. Ở đây, khói bốc lên từ các ngọn lửa nấu nướng, mang theo hương thơm của cà ri và nghệ tây và các loại gia vị khác trong gió. Ở đó, tiếng xe máy gầm thét, nam thanh niên đi lên dốc bên này rồi lăn xuống dốc bên kia. Gia đình quây quần trong những chiếc chăn ấm, cùng nhau chia sẻ những điều ngọt ngào. Và ở khắp mọi nơi, trên toàn khung cảnh, tôi nhìn thấy những chú lạc đà, những sinh vật kỳ quặc này mặc những bộ trang phục mang tất cả các sắc màu rực rỡ của cầu vồng.
Thích nghi với điều kiện khô cằn, khoảng 80% tổng số lạc đà của Ấn Độ xuất hiện ở sa mạc Rajasthan. Ban đầu chúng được thuần hóa trên bán đảo Ả Rập, lịch sử của loài lạc đà là súc vật lao động (cũng được sử dụng trong nhiều nền văn hóa để lấy thịt và sữa) có niên đại khoảng 5,000 năm. Cùng với lạc đà Bactrian hai bướu, chúng đã từng đi lại trên các tuyến đường thương mại khắp thế giới. Một nghiên cứu di truyền, lấy mẫu hơn 1000 con lạc đà trên 21 quốc gia, phát hiện ra rằng DNA của chúng rất giống nhau, thậm chí ở những nơi khác nhau, một minh chứng cho thấy bản chất di chuyển thường xuyên của loài động vật này.
Đầu tiên, tôi cưỡi lạc đà và cảm thấy không mấy thú vị. Dù có được một bức ảnh chụp trên lưng lạc đà chắc chắn thật tuyệt, nhưng thực tế lại là một trải nghiệm khó chịu. Khi con vật khom xuống, tôi vung chân qua lưng nó, rồi ngồi vào yên lạc đà. Sau đó, khi tôi giữ chặt chiếc sừng với sự phấn khích, sau hai cái lắc, con vật đứng lên. Chúng tôi đi theo một vòng ngắn, từng bước trên đôi chân cao to và chậm rãi ấy. Tôi cố gắng tưởng tượng việc băng qua địa cầu bằng cách này sẽ như thế nào nhưng không thể. Chẳng bao lâu đã đến lúc xuống, quá trình hạ xuống trở lại mặt đất cũng đột ngột như lúc lên.
Thời gian còn lại, tôi tham gia hết sự kiện này đến sự kiện khác. Tôi xem một cuộc thi đấu vật truyền thống, vắt sữa lạc đà, một cuộc đua bằng chân và trò chơi đập nồi. Trong thời gian nghỉ giải lao, tôi lướt qua các gian hàng thủ công mỹ nghệ và trò chuyện với những người đã di chuyển hàng giờ đồng hồ cho sự kiện này, có lẽ đây là sự kiện nổi bật trong năm đối với các gia đình nông dân dùng lạc đà.
Cuộc thi sắc đẹp
Và sau đó là cuộc thi sắc đẹp. Không phải là một con vật đáng yêu theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, những con lạc đà này đã được chải chuốt cẩn thận, chúng được cạo lông và nhuộm thành các hoa văn trang trí công phu. Rõ ràng, những người chăm sóc đã dành nhiều giờ đồng hồ để biến những con thú này thành những chú lạc đà quyến rũ. Đó là một cảnh tượng kỳ lạ và tuyệt vời, cổ và lưng của chúng biến thành bàn cờ hoặc được khắc thành hoa, trái tim, cổng vòm đặc biệt, thậm chí là hình của các loài động vật khác, như một bức tranh hang động cổ đặc biệt chi tiết đang chuyển động.
Khi một chú lạc đà chiến thắng đăng quang, chúng sẽ nhảy và khiêu vũ. Trước ngày này, tôi hầu như không thể tin rằng một con vật có thể nhảy như thế này. Tôi nghe đồn rằng một biên đạo múa lạc đà chuyên nghiệp đến từ Trung Đông đã lập kế hoạch rất tốt và huấn luyện chúng cẩn thận trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Với những cái đầu ngẩng cao và được trang trí bằng những bộ trang phục sặc sỡ, những con lạc đà đá, lắc lư, quay lưng và hướng lên bầu trời, tất cả đều theo nhịp trống không ngừng.
Và cuối cùng là sự kiện chính – cuộc đua. Trên Bán đảo Ả Rập, các gia đình nổi tiếng đã đua lạc đà trong nhiều thế kỷ và ở đó, đó là công việc kinh doanh lớn và họ sử dụng robot thay thế các tay đua, giải thưởng lên đến hàng triệu USD và phát sóng sự kiện trên toàn quốc. Ở đây thì không như thế.
Tuy nhiên, ban nhạc ồn ào của những tay đua tại Lễ hội lạc đà Bikaner vẫn khiến những chú lạc đà này trông giống như những con thuần chủng, chúng tung vó trên cát khi gầm thét trên đường chạy chưa đầy một dặm. Chàng trai của tôi không thắng. Nhưng điều đó không sao. Khi mặt trời lặn, tôi đi về phía ngọn lửa đang bốc lên – lưu tâm đến những chiếc răng xỉn màu đó, và tránh xa bất kỳ đầu chú lạc đà nào trên đường – sẩm tối, bầu trời sa mạc bắt đầu lấp lánh với hàng triệu vì sao.
Nhà văn Tim Johnson ở Toronto luôn đi du lịch để tìm kiếm những câu chuyện tuyệt vời. Ông đã đi qua 140 quốc gia trên khắp bảy lục địa, ông đã theo dõi những con sư tử bằng cách đi bộ ở Botswana, đào xương khủng long ở Mông Cổ và đi dạo giữa nửa triệu con chim cánh cụt trên Đảo Nam Georgia. Ông viết cho một số nhà xuất bản lớn nhất của Bắc Mỹ, bao gồm CNN Travel, Bloomberg, và The Globe and Mail.
Tim Johnson
An Nhiên biên dịch
Xem thêm: