Những cây cầu kể câu chuyện về con người
Cầu Ngoại Bách Độ (còn gọi là The Garden Bridge – cầu Vườn), là cây cầu hoàn toàn bằng thép đầu tiên và mẫu cầu kèo lưng lạc đà duy nhất còn tồn tại ở Trung Quốc. Đó là một trong những biểu tượng cho kiến trúc ngoài bến sông của Thượng Hải. Năm 2008, hai nhịp của cầu Ngoại Bạch Độ đã được tách rời nhau, rời khỏi trụ cầu và đưa đến xưởng sửa chữa để đại tu. Việc sửa chữa cầu được thực hiện trong gần một năm và được đưa trở lại vị trí vào đầu năm 2009.
Ít ai biết câu chuyện đằng sau sự kiện ‘đại tu’ cây câu đặc biệt đó.
Cuối năm 2007, cầu Ngoại Bạch Độ trải qua lễ kỷ niệm mừng một trăm năm ngày sinh của mình. Đúng vào lúc đó, các ban ngành hữu quan ở Thượng Hải nhận được một bức thư đến từ nước Anh. Trong thư có viết: “Garden Bridge chỉ được thiết kế để sử dụng trong 100 năm, hiện nay đã đến thời hạn đó rồi, mong các ban ngành hữu quan của thành phố Thượng Hải hãy hết sức chú ý đến việc bảo dưỡng cây cầu này.”
Sau khi nhận được bức thư, chính quyền thành phố đã lập tức tiến hành tháo dỡ và sửa chữa cây cầu Ngoại Bách Độ.
Hóa ra cây cầu này được thiết kế bởi công ty Howarth Erskine Ltd của Anh. Bức thư đó chính là do công ty của nước Anh năm xưa đã thiết kế cây cầu này gửi đến. Năm 1907 công ty này đưa cây cầu vào sử dụng, trong quá trình xây dựng đã áp dụng kết cấu thép tiên tiến nhất vào thời bấy giờ.
Đến nay 100 năm đã trôi qua, mỗi ngày cầu Ngoại Bạch Độ đều phải chịu đựng hơn ba vạn lượt xe hơi chạy qua, người ta dường như quên mất rằng cây cầu này đã có lịch sử lâu đời hàng trăm năm. Thế nhưng không ngờ rằng, vẫn có người nhớ tới việc chịu trách nhiệm đối với cây cầu này. Và đó là một công ty nước ngoài vốn đã hoàn thành xong việc xây cầu cả thế kỷ, có thể đặt mình nằm bên ngoài mọi chuyện lại vẫn ghi nhớ việc này.
Khi biết chuyện này, nhiều người cảm thán: “Thì ra cây cầu Ngoại Bạch Độ đã có lịch sử 100 năm rồi, họ đã dùng kỹ thuật rất đơn giản để làm nên cây cầu này vậy mà có thể sử dụng tới tận 100 năm!”. Người khác lại nói: “100 năm nữa kể từ ngày hôm nay, kỹ thuật xây dựng cầu chắc hẳn đã tiến bộ vượt bậc nhưng hiện nay một số cây cầu vừa mới xây xong đã hỏng, xem ra không hoàn toàn là do vấn đề kỹ thuật.”
Quả vậy, đương nhiên không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật. Người ta thường cho rằng những sự vật như cây cầu thì cũng chỉ là bê tông sắt thép, vô tri vô giác. Thực ra cho dù nó hiện hình bằng sắt thép, bê tông, nó vẫn có linh hồn, bởi con người tạo ra nó, cho nên nó thể hiện chính xác tất cả phẩm chất của những con người làm nên cây cầu đó. Vậy nên vấn đề của mỗi cây cầu không phải chỉ là kỹ thuật mà còn là lương tâm con người.
Sở dĩ người Anh, vẫn nhớ công trình thiết kế của mình cho một đất nước xa xôi và thời gian đã kéo dài thế kỷ, là bởi lương tâm không cho phép họ phủi tay, bỏ mặc nó, họ quý cái tinh thần trách nhiệm, nó thể hiện phẩm cách, giá trị, danh dự của công ty, đất nước họ.
Một cây cầu có thể là biểu tượng của danh dự, tự trọng, sự chính trực, đàng hoàng và tử tế của một quốc gia, cũng có thể là tượng đài của sự dối trá, lòng tham, hay vô trách nhiệm. Kẻ tự cam ăn xổi ở thì, vì chút lợi nhất thời, bỏ mất danh tiết trăm năm, người vì danh dự mà trăm năm không quên làm những điều nghĩa khỏi thẹn với lương tâm.
Câu cầu hiện hữu bằng bê tông nhưng ai cũng có thể thấy linh hồn con người đằng sau những sắt, thép đá.
Ngày 15 tháng 1 năm 1994, chính quyền Thượng Hải tuyên bố cây cầu này là một trong những công trình kiến trúc di sản và là một trong những công trình nổi bật của Thượng Hải. Thực chất nó là biểu tượng về tài năng, trách nhiệm và phẩm cách của người Anh, điều làm nên tinh thần quý tộc của họ.
Những cây cầu sẽ luôn ở đó, kể câu chuyện về con người…
Đan Thanh
Xem thêm: