Những cặp vợ chồng bị ngăn cách bởi ‘ô cửa kính’
Tâm hồn bị ngăn cách bởi “ô cửa kính” chính là như thế này: Biết gió đang thổi, nhưng lại không cảm giác được gió thổi; trông thấy hoa đua nở, lại không cảm nhận được mùi hương của hoa; biết rằng cô ấy đang nói chuyện, nhưng lại không nghe được âm thanh của cô ấy.
Chúng ta có nhiều lúc sống trong những tháng ngày “có nghe mà không hiểu”, hoặc là “nói cũng như không nói”. Đây là vấn đề “đồng điệu về tâm hồn”, mà nguyên nhân chủ yếu chính là “cách nhìn nhận cuộc sống” khác nhau, cũng như sự khác biệt về nhận thức do nền tảng gia đình,v.v.
Thông thường, sự khác biệt này, cho dù là vợ chồng sống với nhau cả đời cũng khó có thể vượt qua được.
Có những cặp vợ chồng đã thề nguyện sống chết cùng nhau, đã cùng nhau vượt qua những tháng ngày ý nghĩa nhất. Đây không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ giữa vợ chồng với nhau, mà còn là một loại phó thác sinh mệnh.
Song, thực tế thường không hoàn toàn lý tưởng như vậy. Bởi vậy trong cuộc sống thường ngày, sẽ xuất hiện tình trạng ngồi ăn cơm cùng bàn, ngủ chung giường, nhưng lại mơ hồ không thể thấu hiểu lẫn nhau.
Có một số cặp vợ chồng cùng chung sống với nhau, nhưng người chồng lại coi vợ mình như người giúp việc, còn người vợ lại coi chồng mình như người làm công lâu dài. Họ chỉ là vì trách nhiệm và nghĩa vụ với nhau, có tình cảm mà không có tình yêu, miễn cưỡng nói hai chữ “tình yêu”, nhưng cũng chỉ là tình yêu “có điều kiện”.
Giữa vợ chồng tuy thường hiểu cá tính lẫn nhau, nhưng lại thường khó mà chạm đến sâu trong nội tâm của nhau. Vì vậy thường tồn tại hiện tượng “tôi biết anh ấy/ cô ấy sẽ làm điều gì, nhưng lại không hiểu vì sao anh ấy/ cô ấy làm như vậy.”
Một số người sau khi kết hôn thì lại uống rượu, cờ bạc… họ sẽ mê một thứ nào đó, thậm chí chính bản thân họ cũng biết là “rất tệ”. Có một số người mặc dù sẽ không làm chuyện tổn thương đối phương, họ vẫn tiếp tục đi làm, tiếp tục một cuộc sống không có gì khác thường, nhưng trong tâm của họ lại tự đày đọa chính mình, khiến bản thân trở nên cô độc. Họ sẽ lấy cớ “bồi dưỡng đam mê, sở thích” để lừa dối bản thân, dùng âm nhạc, viết chữ, hội họa… để trốn tránh.
Và thường thì ngay cả người chồng và người vợ cũng không biết rằng đối phương có vấn đề về tâm lý này. Thậm chí, những căn bệnh về tinh thần, tâm lý như vậy mà nhiều người vẫn không hề hay biết.
Tâm hồn và tâm lý bị ngăn cách bởi “ô cửa kính” chính là như vậy:
Biết gió đang thổi, nhưng lại không cảm giác được gió thổi vào; trông thấy hoa đua nở, lại không cảm nhận được mùi hương của hoa; biết rằng cô ấy đang nói chuyện, nhưng lại không nghe được âm thanh của cô ấy.
Giữa vợ chồng với nhau, chỉ là “biết tồn tại khách quan”, mà không cách nào “cảm nhận sự tồn tại chủ quan”, có trao đổi sinh hoạt mà không có giao lưu tâm hồn.
Chúng ta lấy mối quan hệ vợ chồng để làm ví dụ, là bởi vì giữa vợ chồng có môi quan hệ thân mật nhất giữa người với người.
Trên thực tế, giữa bạn bè hay đồng nghiệp với nhau, cũng có những vấn đề tương tự như vậy. Nhưng vì khoảng cách trong cuộc sống và tâm hồn, cho nên sự giao lưu và tình cảm giữa họ dường như chỉ dừng lại ở bề ngoài (hời hợt), mà không sâu sắc giống như vợ chồng.
Rất nhiều khi, mọi người không thể tự mở ra “ô cửa kính” ấy. Lúc này chính là cần mượn ngoại lực để giúp đỡ, ví như tôn giáo, chuyên gia tâm lý, sách báo, bạn bè… đều có thể là chiếc “chìa khóa” để mở “ô cửa kính”.
Một tấm kính tưởng chừng trong suốt, nhưng lại là nơi trú ẩn che giấu bản thân, là chỗ ngăn cách khiến hai tâm hồn không thể đồng điệu và thấu hiểu lẫn nhau. Vậy bạn còn chần chừ gì nữa, hãy mở toang ô cửa kính ấy, để mở lòng với những người thân yêu của chính mình!