Những bài học từ cuộc Đại suy thoái kinh tế 1929
Những bài học được rút ra từ cuộc Đại suy thoái năm 1929 sẽ giúp ích cho chúng ta trở nên mạnh mẽ, can đảm và thông tuệ để vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế có thể diễn ra trong tương lai gần.
Như quý độc giả đã biết, các công dân Hoa Kỳ và người dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đang phải chi trả nhiều hơn.
Giá xăng tăng cao. Giá thuê nhà ở tại nhiều thành phố đang tăng vùn vụt. Chi phí cho hàng tạp hóa nhảy vọt vài ngày một lần và gần đây, Ngài Tổng thống đã cảnh báo rằng chúng ta có thể gặp phải tình trạng thiếu lương thực.
Không giống như các cuộc khủng hoảng tài chính khác trong quá khứ, tình trạng bất ổn định của nền kinh tế ngày nay phần nhiều không phải là kết quả của các thị trường thất bại mà do những chính sách ứng phó với đại dịch một cách thảm họa của chúng ta. Đó là khi chính phủ liên bang giải ngân hàng nghìn tỷ đô la Mỹ, giá trị của những đồng đô la đó sẽ giảm xuống và dẫn đến lạm phát. Khi chính phủ chưa từng có kinh nghiệm đối phó với đại dịch ban hành lệnh phong tỏa, buộc các chủ cửa hàng dừng hoạt động nhiều tháng trời vào cùng một thời điểm, khiến nhiều người trong số họ phải ngừng kinh doanh, dẫn đến kết cục là nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Khi chuỗi cung ứng đứt gãy và tình trạng thiếu nhân công đe dọa nguồn cung hàng hóa, từ thực phẩm đến chip máy tính, chúng ta phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt và giá cả cao hơn.
Những nguyên nhân và hệ quả này là kiến thức từ Kinh tế học đại cương. (Kinh tế học đại cương là tên của khóa học kinh tế nhập môn được giảng dạy tại nhiều trường cao đẳng và đại học).
Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là với tư cách cá nhân, chúng ta nên làm gì để vượt qua thời kỳ khó khăn sắp xảy đến với mình? Chúng ta có thể tìm kiếm ở đâu nguồn cảm hứng và những ý tưởng để làm phao cứu sinh cho chính mình trong biển cả của sự bất ổn này?
Nhìn về quá khứ
Cách đây gần một thế kỷ, đất nước Hoa Kỳ và cả thế giới đã trải qua một trong những đợt khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Thị trường chứng khoán sụp đổ, hàng triệu người mất việc làm, và trong vòng 10 năm, từ năm 1929 cho đến đầu Đệ nhị Thế chiến, người Mỹ phải vật lộn để kiếm sống qua ngày.
Những bức ảnh được chụp bởi Walker Evans và Dorothea Lange, các cuốn sách như “The Grapes of Wrath” (Tạm dịch: Chùm nho thịnh nộ) của nhà văn John Steinbeck và những bài hát như “Brother, Can You Spare a Dime?” (Tạm dịch: Người anh em hỡi, anh có thể để dành được một xu hay không?”) hiện diện như lời nhắc nhở mang tính biểu tượng về những khó khăn đã xảy đến với người Mỹ sau cuộc khủng hoảng đó. Các vụ phá sản, tịch biên tài sản, thất nghiệp, và bếp súp (nơi phục vụ đồ ăn miễn phí cho những người vô gia cư hoặc cơ hàn) đánh dấu cơn ác mộng về những giấc mơ tan vỡ và ví tiền trống rỗng.
Tuy nhiên, nếu cần sớm thắt lưng buộc bụng, cũng như phải đối mặt với thiếu hụt và khó khăn trong tương lai gần, chúng ta có thể tìm ra giải pháp tốt khi tìm gặp những người lớn tuổi đã trải qua cuộc khủng hoảng đó và xem họ có thể truyền dạy điều gì cho ta.
Những bài học từ thuở ấu thơ
Dưới đây là một số bài học mà tôi học được từ việc lắng nghe ông bà và cha mẹ của mình, tất cả họ đều đã từng trải qua cuộc Đại suy thoái.
Trong hầu hết những năm 1930, gia đình mẹ tôi tương đối khá giả. Tại sao? Bởi vì ông ngoại tôi là chủ sở hữu một phần của cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô. Lúc bấy giờ, rất ít người có khả năng mua được những chiếc ô tô mới, điều đó có nghĩa là họ phải mua sắm phụ tùng tại cửa tiệm của ông. Thậm chí, có thời điểm ông còn sở hữu một chiếc phi cơ và ngôi nhà thứ hai ở tiểu bang Florida.
Bài học đầu tiên: Nắm bắt chính xác nhu cầu để phát triển hưng thịnh
Trái lại, gia đình của bố tôi đôi lúc rơi vào cảnh bần hàn – đúng nghĩa đen của từ này. Ông bà tôi và hai người con trai nhỏ đã sống qua vài mùa đông ở tiểu bang Pennsylvania trong một căn nhà xây bằng gạch với nền đất. Ông nội làm việc trong nhà máy sản xuất kem và thường trở về nhà vào lúc 5 giờ sáng với một hộp kem dành cho nhân viên. Ông không có tủ lạnh, vì vậy, trong những tháng trời ấm, ông đánh thức con trai mình và cho các con ăn sáng bằng kem.
Bài học thứ hai: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm
Hãy luôn chấp nhận thực tế khó khăn của mình
Khi tôi còn là một cậu bé và trong buổi họp mặt gia đình ở New Castle, tiểu bang Pennsylvania, chú Russ của tôi đã buột miệng thốt lên, “Chúng ta lớn lên trong nghèo đói.” Mẹ của chú cũng là bà nội tôi, đã bộc lộ tính khí Scotland-Ireland của mình và hét to, “Chúng ta chưa bao giờ nghèo đói!”. Trong khi chú tôi nhớ về những ngày bữa sáng chỉ có kem thì bà tôi, người đã từng làm việc trong một cửa hàng bách hóa để kiếm sống qua ngày, nhớ lại rằng bà và ông nội đã thành công trong cuộc vật lộn mưu sinh và cuối cùng vượt qua được thời kỳ suy thoái kinh tế.
Trong bộ phim “Cinderella Man” (Tạm dịch: Võ sĩ quyền anh), lấy bối cảnh thời kỳ Đại suy thoái kinh tế, có cảnh cô Mae Braddock, vợ của một võ sĩ quyền anh, đã giận dữ đập cửa căn hộ sang trọng của anh Joe Gould, quở trách anh ta vì đã lôi kéo chồng cô trở lại võ đài. Cuối cùng, khi anh Gould mở cửa, cô Mae cảm thấy sửng sốt khi phát hiện ra căn hộ trống không vì đồ đạc đã được bán để trả tiền đào tạo cho chồng cô. Anh Gould nói, “Xin lỗi về điều đó,” và giải thích lý do tại sao anh miễn cưỡng mở cửa cho cô, “Tôi không muốn mọi người thấy cô thất vọng, chỉ vậy thôi.”
“Tôi không biết,” cô Mae nói. “Ý tôi là, tôi đã nghĩ rằng…”
“Đúng rồi. Ý tưởng là vậy,” anh Gould trả lời. “Hãy luôn chấp nhận thực tế khó khăn của mình.”
Những người ngây thơ và dễ bị tổn thương nhất trong gia đình chúng ta, bao gồm người già và trẻ nhỏ nên được che chắn khỏi thực tế khắc nghiệt càng nhiều càng tốt để tránh cho họ rơi vào sợ hãi. Hơn nữa, lòng tự tôn của chúng ta sẽ ngăn cản chúng ta để cho người khác biết đến hoàn cảnh của mình, cho dù nó thảm hại ra sao.
Bài học được rút ra là, “Hãy luôn chấp nhận thực tế khó khăn của mình.”
Những thú vui giản đơn
Trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình, mẹ vợ tôi là bà Dorothy, cũng là một đứa trẻ từng sống trong giai đoạn của cuộc Đại suy thoái, lớn lên ở trang trại bò sữa Wisconsin, thường chơi bài cùng bạn bè vào dịp cuối tuần.
Cách đây 40 năm, bà từng nói với tôi rằng “Mẹ không hiểu những người trẻ ngày nay. Chỉ cần một bộ bài tây và vài thức uống giải khát, các con sẽ có một buổi tối tuyệt vời mà hầu như chẳng tốn chi phí nào cả.”
Cha vợ tôi là cố vấn học đường và làm thêm vào mùa hè, còn bà kiếm thêm tiền nhờ làm y tá bán thời gian. Họ sống trong một căn nhà suốt 40 năm mà không thay đổi chỗ ở, chi tiêu tiết kiệm và đầu tư thông minh.
Quý bà Dorothy đã qua đời như một triệu phú.
Chuyến vui chơi tại Disney World không phải là một trong những điều thiết yếu của cuộc sống. Khi tiền bạc eo hẹp, chúng ta nên tìm kiếm những nơi gần nhà hơn như bà Dorothy đã làm cho các chuyến đi chơi và những thú vui trong kỳ nghỉ của mình. Làm vườn, một chuyến viếng thăm chiến trường của cuộc Nội chiến, ngày cuối tuần nghỉ ngơi bên bãi biển hoặc hồ nước, ghé thăm thư viện công cộng, cùng gia đình đi dạo trên đồi, những hoạt động với chi phí thấp này có thể mang lại cho chúng ta kỳ nghỉ giải tỏa căng thẳng và thư giãn sau quãng thời gian khó khăn.
Bài học ở đây là gì nhỉ? Hạnh phúc có thể được tìm thấy ngay trong sân sau nhà mình, bạn nhé.
Hãy dựa vào bản thân mình
Trang web SurvivalMom.com cung cấp nhiều bài báo và lời khuyên về cách tổ tiên của chúng ta đã sống sót như thế nào và thậm chí vượt qua khó khăn sau cuộc Đại Suy thoái kinh tế. Trong số những lời khuyên này, chúng tôi tìm thấy một lời khuyên đáng giá ngàn vàng như sau: “Hầu như không có chuyện ngồi không ăn bát vàng. Mọi người đều biết họ chỉ có thể sinh tồn nếu làm việc chăm chỉ.”
Đại dịch COVID đã dạy chúng ta rằng các chính phủ có thể thao túng người dân thông qua nỗi sợ hãi. Chúng ta có lẽ phải đối mặt với những sách lược tương tự trong tương lai gần. Chính phủ liên bang có thể cố gắng đánh vào nỗi sợ hãi của chúng ta, yêu cầu mọi người phải xếp hàng, tuân theo mệnh lệnh của họ liên quan đến tình trạng thiếu hụt khí đốt hoặc nguồn cung cấp thực phẩm.
Nếu cho phép cuộc tấn công đó thành công, thì thậm chí chúng ta sẽ càng mất nhiều hơn quyền tự do mà Đấng Tối Cao ban tặng cho người Mỹ vốn đã bị mài mòn.
Bài học cho chúng ta là hãy dựa vào bản thân mình, bạn bè và hàng xóm càng nhiều càng tốt. Đừng hoàn toàn tin cậy vào những lời hứa của chính phủ.
Hãy noi gương tổ tiên
Tôi thực sự hy vọng những dự đoán kiểu tiên tri bằng quả cầu pha lê này về thời kỳ ảm đạm là sai. Giống như nhiều độc giả, tôi có con, cháu, anh chị em và bạn bè, những người có thể phải chịu đựng tổn thất nếu sự hỗn loạn này xảy ra. Tôi sẽ rất vui mừng nếu tương lai chứng minh rằng mình đã dự đoán sai.
Tuy nhiên, bất kể tương lai có ra sao, người dân Mỹ quốc chúng ta đều có được sức mạnh và lòng dũng cảm từ những tấm gương của tổ tiên mình, những người đàn ông và phụ nữ mạnh mẽ đã chịu đựng nghèo khổ và vượt qua thời kỳ khó khăn.
Nếu noi gương tổ tiên mình, chúng ta sẽ không chỉ tồn tại mà còn khải hoàn.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: