Những bài học lãnh đạo từ các Tổ phụ Hoa Kỳ
Thành công dựng lập nên một quốc gia không phải việc dễ dàng – đặc biệt là một quốc gia to lớn như Hoa Kỳ. Vì lý do đó, chúng ta nên học hỏi những nguyên tắc lãnh đạo của các Tổ phụ Lập quốc.
Mặc dù các Nhà lập quốc đã thực hiện tốt rất nhiều nguyên tắc nhưng tôi muốn đặc biệt tập trung vào bốn nguyên tắc sau: tầm nhìn, nhân cách và đức hạnh, sự hy sinh, và khiêm tốn.
Tầm nhìn
Các nhà lãnh đạo là những người có tầm nhìn xa. Họ có trách nhiệm phác họa một bức tranh về một tổ chức, một dân tộc, một quốc gia mà đa số thành viên của nhóm không thấy được. Một dân tộc phải có một phương hướng, một trọng tâm, một mục đích tối hậu, một lý tưởng sống. Nếu không, họ không thể định hướng những tiềm lực của mình, và chúng sẽ mất dần vì không được sử dụng.
Đó là lý do vì sao các Tổ phụ liên tục vạch rõ tầm nhìn về tương lai của Hoa Kỳ, cả trước khi ký Tuyên ngôn Độc lập và sau khi giành được chiến thắng trong Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ và phê chuẩn Hiến pháp mới.
Một trong những ví dụ tôi yêu thích, bản phác thảo Tuyên ngôn của John Adams. Trong một bài luận được phát hành rộng rãi có tên “Thoughts on Government” (Những suy nghĩ về Chính phủ), được viết chỉ vài tháng trước khi bản Tuyên ngôn được ký, Adams đã nêu rõ tầm nhìn Hoa Kỳ gây chấn động đối với những nhà thuộc địa – một tầm nhìn đặt Hoa Kỳ vào bối cảnh lịch sử thế giới:
“Bạn và tôi, những người bạn thân yêu của tôi, chúng ta đã bước vào cuộc đời này ở thời điểm mà những nhà lập pháp vĩ đại nhất thời cổ đại muốn được sống. Có bao nhiêu nhân loại mong muốn có cơ hội bầu cử chính phủ hơn là có không khí, đất đai hay khí hậu. Cơ hội này là cho chính bản thân họ hoặc con cái của họ.
Có bao giờ! Từ trước cho đến kỷ nguyên hiện tại, đã có ba triệu người có đầy đủ quyền lực và cơ hội công bằng để xây dựng và củng cố một chính phủ sáng suốt và hạnh phúc nhất mà trí tuệ con người có thể xây dựng, phải không? Tôi hy vọng bạn sẽ giúp ích cho bản thân và đất nước mình bằng cách mở rộng hiểu biết và không ngừng nỗ lực với những gì bạn đang có, để trợ giúp thành lập các chính phủ hạnh phúc nhất, và nhân cách tốt đẹp nhất của một dân tộc vĩ đại.”
Sau khi người Anh chiếm lấy Philadelphia và Tuyên ngôn được ký, Samuel Adams (anh họ của John) đã có một bài phát biểu sau khi công bố tài liệu:
“Chúng ta lấy ngày này để tái sinh lại Đức Chúa mà tất cả mọi người phải tuân theo. Ngài ngự trị trên Thiên đàng, dùng đôi mắt trìu mến nhìn các thần dân của Ngài có được sự tự do tư tưởng, và tự tôn mà Ngài ban cho. Từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn, ngợi khen danh đức Ngài.” [theo Thi Thiên 113:3, và các tác giả].
Tương tự, trong bài phát biểu nhậm chức đầu tiên với tư cách là tổng thống mới của quốc gia, George Washington đã nêu rõ tầm nhìn về Hoa Kỳ với tư cách là người điển hình mang “ngọn lửa tự do thiêng liêng” – một phép ẩn dụ và một tầm nhìn gắn liền với chúng ta cho đến tận ngày nay:
“Vì chúng ta phải vững tin rằng ân huệ của Thiên Chúa không bao giờ có thể được mong đợi ở một quốc gia coi thường các chân lý vĩnh hằng về trật tự và lẽ phải, đây là điều mà chính Thiên Chúa đã định ra: Và vì việc gìn giữ ngọn lửa thiêng liêng của tự do cũng như vận mệnh của mô hình Chính phủ Cộng hòa được xem là sự trông cậy cuối cùng và sâu sắc [của Chúa] trong khảo nghiệm được giao phó cho người dân Hoa Kỳ.”
Khi nói đến tầm nhìn cho Hoa Kỳ, các Nhà lập quốc đã kết nối một sứ mệnh duy nhất. Họ phân biệt Hoa Kỳ khác với các quốc gia và các thời đại khác, họ có định hướng cụ thể và kêu gọi đồng bào đi theo. Rõ ràng rằng, họ đã thành công.
Nhân cách và đức hạnh
Một nguyên tắc lãnh đạo khác mà các Tổ phụ đã sống theo là có nhân cách. Họ có hoàn hảo không? Chắc chắn là không. Nhưng mỗi người đều dành những lời đầy tích cực tới những người đồng hương, cũng như gia đình của họ, khuyến khích sự hình thành nhân cách cá nhân. Các Tổ phụ biết rằng tự do và đạo đức có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Một người không có đạo đức không thể được tự do. Vì vậy, để dẫn dắt quốc gia theo tầm nhìn mà họ đã thấy rõ, họ liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân cách và đức hạnh.
John Adams đã viết cho con trai mình về chủ đề này một cách xúc động. John Quincy Adams đã cùng ông tham gia hành trình đến Âu Châu với tư cách là một trong những nhà ngoại giao đầu tiên của Hoa Kỳ. Adams Sr. đã cố ý chuẩn bị cho con trai mình một cuộc sống công ích – điều mà cậu sẽ tiếp tục làm với tư cách là đại sứ, ngoại trưởng, nghị sĩ và tổng thống Hoa Kỳ. Người cha đã viết cho con trai như sau:
“Nhưng, con trai yêu quý à, trên hết thảy, con hãy giữ lấy sự ngây thơ và lương tâm trong sáng. Đạo đức của con đối với bản thân con và cả Thế giới là quan trọng hơn tất cả Ngôn ngữ và Khoa học. Một vết nhơ trong nhân phẩm dù nhỏ nhất cũng sẽ làm tổn hại Hạnh phúc của con nhiều hơn tất cả các Thành tích mà con sẽ đạt được.”
Washington cũng viết cho cháu trai của ông với nội dung tương tự:
“Tư cách đạo đức tốt là điều cần thiết đầu tiên ở một người đàn ông, và những thói quen mắc phải ở độ tuổi của cháu nói chung là không thể xóa, và hành vi của cháu sẽ hình thành tính cách của cháu suốt cuộc đời. Do đó, điều tối quan trọng là cháu phải cố gắng [xây dựng] đức hạnh chứ không chỉ riêng học hành. Thêm vào đó là sự chuyên cần và tính kỷ luật cũng rất cần thiết, và cháu phải biết rằng nếu không có chúng, cháu sẽ không bao giờ có thể đủ điều kiện để phục vụ đất nước, hỗ trợ bạn bè của mình hoặc có những giây phút nghỉ hưu thong thả, không cần nói gì thêm để chứng minh những điều đó”.
Về ứng xử nơi công cộng, Washington cũng kiên quyết như vậy. Viết cho Henry Fox – một trong những người bạn thân nhất của ông, khi tới dự lễ nhậm chức đầu tiên của mình với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, Washington nói về nỗi sợ hãi của ông khi đảm nhận chức vụ, nói rằng điều duy nhất ông có thể hứa với đất nước của mình là sự liêm chính trong cách hành xử:
“Tôi có thể cảm thấy rằng tôi đang cất lên tiếng nói của đồng bào tôi và tên của bản thân mình, trong cuộc hành trình này, những gì mà họ nhận lại – chỉ Thiên đàng mới có thể nói trước. Chính trực và kiên định là tất cả những gì tôi có thể hứa – là hành trình dài hay ngắn; sẽ không bao giờ rời bỏ tôi cho dù tôi có thể bị bỏ rơi bởi tất cả mọi người. Với niềm an ủi bắt nguồn từ những điều này (trong bất kỳ hoàn cảnh nào), thế giới không thể tước đoạt sự chính trực và kiên định khỏi tay tôi.”
Chúng ta có thể trích dẫn vô số ví dụ như vậy từ các bài viết của các Nhà lập quốc để khẳng định rằng họ coi nhân cách và đức hạnh là điều cần thiết, đặc biệt là đối với những người tham gia công việc cộng đồng.
Sự hy sinh
Một nhà lãnh đạo không bao giờ yêu cầu người khác làm những việc mà bản thân họ không sẵn sàng làm, đây là nguyên tắc thiết yếu về lãnh đạo. Điều này liên quan mật thiết đến khái niệm hy sinh, vì thực ra muốn đạt bất kỳ mục tiêu dài hạn nào đều liên quan đến việc từ bỏ những điều ở hiện tại để đạt được những thứ lớn hơn trong tương lai. Điều này áp dụng ở mọi nơi – hãy hỏi bất kỳ nhân viên nào xem họ cảm thấy thế nào về một ông chủ tự cắt giảm lương của mình khi công việc kinh doanh gặp khó khăn. Họ cảm thấy trung thành hơn với người chủ đó vì họ biết rằng người ấy sẵn sàng hy sinh cho những người mình lãnh đạo.
Do đó, các nhà lãnh đạo phải sẵn sàng hy sinh cá nhân, đầu tư thời gian công sức để hoàn thành tầm nhìn của họ – không bao giờ mong đợi từ người khác những gì mà bản thân họ không sẵn sàng cho đi.
Các Tổ phụ đã thể hiện đức tính này rất nhiều. Một số người trong số họ đã hy sinh mạng sống của mình để theo đuổi tự do của người dân Hoa Kỳ. Những người khác hy sinh thời gian cho gia đình, tài chính, hoặc đơn giản là từ bỏ những sở thích khi nghỉ hưu.
Đặc biệt là Washington, ông chỉ mong được làm việc trong trang trại của mình, có thời gian nghỉ hưu thật yên bình tĩnh lặng. Tuy nhiên, ý thức về nghĩa vụ đối với đất nước đã khiến ông phải hy sinh những sở thích cá nhân này vì những điều tốt đẹp hơn. Ông đã hy sinh nhiều, đáng chú ý nhất là khi ông trở thành tổng tư lệnh của Lục quân Lục địa; hay khi ông được yêu cầu chủ trì Hội nghị Lập hiến; hoặc khi ông được bầu làm tổng thống hai nhiệm kỳ, sau đó, ông gác bỏ quyền lực sang một bên để tận hưởng một chút yên bình trong trang trại của mình sau cả một đời phục vụ.
Sau khi kết thúc tám năm dài làm tổng tư lệnh (trong thời gian này ông chỉ về thăm nhà một lần) để nhậm chức chủ tịch Hội nghị Lập hiến, Washington một lần nữa mô tả ý thức cá nhân về nghĩa vụ trong vấn đề này:
“Tôi đã hy sinh mọi chuyện riêng tư và lợi ích cá nhân trước những lời kêu gọi nghiêm túc và bức thiết của những người đã chứng kiến và thấu hiểu các mối lo ngại đáng báo động của công chúng, họ không có mục đích nào khác là thúc đẩy lợi ích Quốc gia; và tôi nhận thấy rằng trong những hoàn cảnh này, ở thời khắc nguy nan, một hành động cương quyết từ chối, từ phía tôi, có thể hiểu là hoàn toàn vô trách nhiệm với Quốc gia, nếu đổ lỗi cho những mục đích không thể tồi tệ hơn.”
Washington viết thư cho người bạn và cựu sĩ quan Knox trên đường sắp nhậm chức (một lần nữa, điều mà ông ấy không muốn làm), Washington nói rằng mình thực sự không muốn trở thành tổng thống như thế nào, ông chỉ thích ở trang trại của mình ở Mount Vernon:
“Tôi có thể tự tin bảo đảm với cậu (đối với thế giới, điều này sẽ có chút danh tiếng) rằng việc tôi chuyển đến ghế đứng đầu Chính phủ sẽ đi kèm với những cảm xúc không khác gì một thủ phạm sắp tới nơi hành quyết: vì tôi không mong muốn lúc cuối đời tiều tụy trong trung tâm chăm sóc cộng đồng. Tôi không muốn rời bỏ một nơi ở yên bình để tới một Đại dương đầy khó khăn, mà không có năng lực về bản lĩnh chính trị, khả năng và thiên hướng cần thiết để điều khiển tay lái.”
Tương tự như vậy, John Adams, tổng thống thứ hai của quốc gia và có công trong việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập được Quốc hội thông qua, đã viết cho người vợ ở nhà rằng ngay cả con của họ cũng phải sẵn sàng hy sinh vì tự do:
“Nhưng anh sẽ không chịu những lời khiển trách của con cái mình. Anh sẽ nói với chúng rằng anh đã nghiên cứu và khổ công để có được một bản Hiến pháp miễn phí để chúng tự an ủi bản thân, và nếu chúng không thích điều này mà lại muốn Của cải dồi dào, sự Nhàn nhã và Thời thượng bóng bẩy, thì chúng không phải là Con của anh, và anh không quan tâm tới chúng nữa. Với anh, chúng sẽ ăn uống thanh đạm, mặc quần áo giản dị, làm việc chăm chỉ với một trái tim hân hoan và tinh thần tự do; chúng sẽ là những Đứa con của Trái đất hoặc không của ai cả.”
Tương tự như vậy, Abigail Adams, vợ của John Adams và mẹ của John Quincy Adams, đã viết cho con trai mình về tầm quan trọng của việc hy sinh những thú vui nhỏ nhặt để dành thời gian chuẩn bị phục vụ đất nước:
“Mẹ hy vọng con sẽ không bao giờ đánh mất sự chú trọng đến lợi ích của đất nước, hãy lấy đó làm động lực cho việc học hành, và dành thời gian mà những người khác chơi bài để nghiên cứu các Nguyên tắc vĩ đại giúp quốc gia vươn lên vinh quang và đỉnh cao, vì Đất nước của con một ngày nào đó sẽ cần tới sự phục vụ của con, trong Nội các hoặc ngoài Chiến trường. Hãy hoàn thiện mình để làm vinh dự cho đất nước”.
Đối với các Nhà lập quốc, sự hy sinh và lãnh đạo gắn bó chặt chẽ với nhau. Sự phục vụ nào cũng đòi hỏi sự hy sinh.
Đức khiêm tốn
Cuối cùng, các Nhà lập quốc thường kế thừa và sống theo đức khiêm tốn – một phẩm chất lãnh đạo hiếm thấy ở các nhà lãnh đạo chính trị, công ty và cộng đồng ngày nay.
Khiêm tốn là một đức tính được du nhập vào phương Tây chủ yếu nhờ Cơ Đốc Giáo. Bạn sẽ không thấy các triết gia Hy Lạp và La Mã cổ đại nói “khiêm tốn” là một đức tính tốt.
Khiêm tốn về cơ bản là kiềm chế việc thể hiện kiến thức, khả năng hoặc sức mạnh của một người. Những nhà lãnh đạo nghĩ rằng họ không nên bị hạn chế bởi những quan niệm như thế này thường có xu hướng rơi vào thảm họa. Có câu nói rằng “Kiêu hãnh đi trước, cú ngã theo sau”.
Các Nhà lập quốc biết rõ bài học này, cả ở cấp độ cá nhân và tập thể.
Ví dụ, suy ngẫm về tình hình của các thuộc địa chỉ vài tháng trước khi tuyên bố độc lập, Adams đã viết:
“Việc quản lý một Cỗ máy phức tạp và hùng mạnh, như United Colonies (Liên hiệp Thuộc địa), đòi hỏi sự nhu mì như Moses, kiên nhẫn như Job và khôn ngoan như Solomon, thêm vào lòng dũng cảm của Daniel.”
Adams khiến mọi người kinh ngạc về những phẩm chất được đòi hỏi ở ông và Quốc hội. Ông không có cảm giác tự tin hống hách. Ông biết rằng thời đại này yêu cầu một đức hạnh phi thường, mà theo định nghĩa là ông phải rèn luyện và đạt được chúng. Và nhiều Nhà lập quốc, để nhìn ra được một hành động thực sự khiêm tốn, trong suốt những thời kỳ nguy hiểm, thường có những chiêm nghiệm sâu sắc rằng họ cảm thấy họ làm điều đó chưa đủ tốt.
Thật vậy, toàn bộ hệ thống chính phủ do các Nhà lập quốc thiết kế đều dựa trên một ý tưởng khiêm tốn về bản chất con người – nó có năng lực gì và nó có thể gặp phải sự suy thoái nào. “Nếu con người là những thiên thần thì sẽ không cần thiết phải có chính quyền. Nếu các thiên thần cai quản thì không cần thiết phải có sự kiểm soát đối với chính quyền dù từ bên ngoài hay bên trong,” như câu nói nổi tiếng của James Madison.
Các Nhà lập quốc không bị lay động bởi những kế hoạch không tưởng vốn thường được thực hiện bởi những người kém cỏi hơn. Họ khinh miệt nền chính trị hứa hẹn mang Thiên đường đến Trái Đất – họ không có thời gian cho những giấc mơ viển vông của Marx hay Lenin, chứ đừng nói đến những người nghĩ rằng chính phủ là phương tiện chính để đạt được mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống này.
Theo cảm nhận chung, nhiều Nhà lập quốc thường nói về “sự đơn giản của nền cộng hòa”. Họ muốn những nhà lãnh đạo khiêm tốn và tôn trọng tinh thần trách nhiệm mà người dân giao phó cho họ. Mặc dù là một người giàu có, nhưng Washington đã mặc một bộ vest rất giản dị đến lễ nhậm chức của mình để thể hiện sự khiêm tốn. Ông không phải là một quân vương ngồi trên ngai vàng suốt đời. Ông là đại diện của nhân dân, được họ bầu chọn để dẫn dắt quốc gia hướng tới lợi ích chung.
Tầm nhìn, nhân cách và đức hạnh, sự hy sinh và đức khiêm tốn – bốn nguyên tắc lãnh đạo này đã làm nên thành tựu của các Tổ phụ Lập quốc Hoa Kỳ. Nếu chúng ta muốn duy trì và cải thiện di sản mà họ để lại cho chúng ta, thì chúng ta phải ghi nhớ và tự mình áp dụng chúng.
Joshua Charles là một tác giả của những cuốn sách bán chạy hàng đầu, nhà sử học, nhà nghiên cứu và diễn giả quốc tế. Ông ấy là người nhiệt thành bảo vệ các nguyên tắc sáng lập của Hoa Kỳ, nền văn minh Judeo-Christian và đức tin Công giáo mà ông ấy đã theo vào năm 2018. Ông ấy thích kể và giúp người khác kể những câu chuyện tuyệt vời truyền đạt những sự thật tuyệt vời. Theo dõi ông ấy trên Twitter @JoshuaTCharles hoặc truy cập trang JoshuaTCharles.com
Joshua Charles
Hồng Ân biên dịch
Xem thêm: