Như thế nào là chia sẻ với tâm thuần tịnh?
Chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, gần một năm nay xưởng máy của gia đình người em gái của bạn tôi không nhận được đơn đặt hàng. Nhưng “núi không chuyển, thì đường chuyển; đường không chuyển, thì người chuyển.” Cách đây không lâu, gia đình họ bắt đầu nghiên cứu và phát triển làm bánh ngọt, nghe nói sản phẩm bán được cũng không ít!
Truyền thống kết hợp với sáng tạo, dùng nguyên liệu hữu cơ, ít đường, ít chất béo, cộng với dày công chế biến, lần đầu thưởng thức sẽ cảm thấy hương vị tinh khiết ngon miệng, rất thu hút thực khách. Cả bạn tôi và tôi đều cảm thấy chỉ cần mở được kênh tiếp thị phù hợp, tiếp tục phát triển kinh doanh, thì công việc rất có triển vọng.
Để thể hiện sự ủng hộ và động viên, tôi cũng đã đặt mua một số sản phẩm để tặng cho bạn bè và gia đình cùng thưởng thức. Không ngờ, ngoài lời khen ngợi của mẹ, những người khác đều không có bất kỳ phản ứng nào. Tôi không khỏi cảm thấy buồn bực và hụt hẫng, thầm nghĩ trong lòng: “Họ không biết phân biệt hàng tốt xấu, không biết đồ tốt!” Ngay khi ý nghĩ này hiện lên, tôi lập tức nhận ra có điều gì đó không ổn, tâm ý “chia sẻ đơn thuần” ban đầu của tôi đã bị chuyển biến.
Trong đó, nhìn như là cảm giác thấy tiếc, ấm ức cho người khác; thế nhưng thực tế là “không như ý muốn của mình” nhiều hơn, vì thế vô thức trộn lẫn một ít “tạp chất” vào trong đó, muốn đạt được khẳng định và khen ngợi. Thử hỏi “rau xanh và củ cải, mỗi thứ đều có ưu điểm riêng”, làm sao bạn có thể ép người khác đồng ý với một định kiến duy nhất? Hơn nữa dụng ý chia sẻ chẳng lẽ là vì để thu được lợi ích hay sao?
Như vậy, thế nào là chia sẻ? Hẳn là phải dựa vào một loại vô tư và thiện ý, mà không phải vì để trao đổi lợi ích, chẳng hạn như để được khen ngợi hoặc biết ơn! Tâm ý “chỉ đơn thuần là chia sẻ”, thiện lương và tốt đẹp vô cùng! Nếu như chỉ dừng lại ở đây, thế thì đã có thể lĩnh hội được nội hàm “Vi nhi bất thị, công thành nhi phất cư” (làm nên việc mà không ỷ lại, việc thành rồi không cậy công)!
Chương thứ hai trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử có viết: “Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi phất cư. Phu duy phất cư, thị dĩ bất khứ”. Ý tứ rằng: Tự nhiên sinh dưỡng vạn vật nhưng không chiếm làm của riêng, tạo ra vạn vật mà không kiêu ngạo về khả năng của mình, làm nên công lao sự nghiệp mà không khoe khoang. Chính bởi vì người đó không khoe khoang bản thân, cho nên công tích của người đó sẽ không mất đi.
Xét về phương diện “làm nên việc mà không ỷ lại, việc thành rồi không cậy công”, thu hoạch thành tựu mà không tự kiêu, thì sẽ có đức hoặc có công. Khởi tâm động niệm thì liền đi làm, sau khi hoàn thành rồi thì nên buông xuống, không mang ý nghĩ dư thừa hoặc đắn đo. Đơn thuần chỉ là dụng ý “chia sẻ”, đơn giản, thanh tịnh biết bao! Như vậy xem ra, chính bản thân mình vẫn chưa đủ thuần tịnh, muốn đạt tới cảnh giới này, còn phải đi thêm một chặng đường dài!