Nhu cầu thịt bò của Trung Quốc ở Bolivia thúc đẩy nạn phá rừng và cháy rừng
Nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc đối với thịt bò Bolivia đang thúc đẩy nạn phá rừng và cháy rừng khi các chủ trang trại chăn nuôi gia súc đốt phá rừng rậm trong hệ sinh thái Amazon để nhường chỗ cho đồng cỏ chăn nuôi gia súc.
Vấn nạn này đã leo thang kể từ tháng 04/2019 khi chủ tịch và lãnh đạo đảng Phong trào vì Chủ nghĩa xã hội (MAS) Evo Morales ký một thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Thỏa thuận này đã khiến tổng nhu cầu về xuất cảng thịt bò của Bolivia tăng gấp ba lần.
Hồi tháng Tám năm đó (2019), ông Morales đã thông báo về chuyến hàng mở đầu gồm hai container thịt bò đến Trung Quốc, mặc dù một báo cáo chính thức cho thấy 38,610 mẫu Anh của vùng Chiquitania thuộc tỉnh Santa Cruz đã bị thiêu rụi do việc chuyển từ canh tác đất sang tạo đồng cỏ chăn nuôi gia súc để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc.
Hồi tháng 12/2021, Bộ Quốc phòng đã báo cáo 4,472 gia đình bị thiệt hại do các đám cháy xảy ra theo sau đó, cùng với 98 người bị thương, một người thiệt mạng và 40 triệu cây cối bị thiêu rụi do các đám cháy này.
Tại đô thị Porongo, nằm ở vùng ngoại ô phía tây Santa Cruz, cháy rừng không còn là điều gì hiếm thấy.
Ông Manuel Vargas, 44 tuổi, một nông dân chăn nuôi gia súc sống trong một trang trại rộng 24 mẫu Anh, đã đốt phá rừng để dọn đường cho đồng cỏ phục vụ cho việc nuôi bò.
“Bò cần phải ăn và nhiều bò hơn đồng nghĩa với việc phải dọn dẹp nhiều đất đai hơn nữa,” ông Vargas nhún vai nói với The Epoch Times. “Việc nuôi bò tốn kém, thế nên chúng tôi cần kiếm tiền. Tôi là một chủ trang trại nhỏ so với những người khác. Tôi không có máy móc để dọn đất [làm đồng cỏ] nên đốt lửa là cách nhanh nhất để tạo thêm đất đai cho bò.”
Ông Vargas nói thêm, “Tôi chỉ là một người đàn ông [làm lụng] với hai đứa con trai của tôi. Làm thế nào chúng tôi có thể dọn đất theo cách khác đây?”
Theo Viện Ngoại thương Bolivia (IBCE), xuất cảng thịt bò sang Trung Quốc đã tăng đáng kể từ 3,000 tấn năm 2019 lên 10,000 tấn năm 2020. Theo IBCE, Trung Quốc nhận 80% lượng thịt bò xuất cảng từ nước này.
Đại sứ Trung Quốc tại Bolivia, ông Hoàng Á Trung (Huang Yazhong), cho biết vào năm 2019, rằng Trung Quốc đã được cấp phép tiếp cận thịt bò Bolivia và chỉ trong một năm, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất cảng thịt lớn nhất của nước này.
Theo một báo cáo, việc xuất cảng thịt bò gia tăng trùng với hai mùa cháy rừng đã phá hủy hơn 24 triệu mẫu rừng nhiệt đới Amazon ở Bolivia. Theo dữ liệu của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã và tổ chức Fundacion de Amigos de la Naturaleza, việc mất lãnh thổ do đốt phá rừng làm nương rẫy đã tăng đột biến vào năm 2019 và 2020.
Anh Julio, 33 tuổi, một lính cứu hỏa tình nguyện và là cựu trưởng nhóm Tìm kiếm và Cứu nạn của Quân đội, nói với The Epoch Times, “Thỏa thuận đó với Trung Quốc đã kết liễu rừng của chúng tôi.”
Anh muốn giữ kín tên đầy đủ của mình vì anh làm việc cho cùng một đảng xã hội chủ nghĩa nắm quyền dưới thời ông Morales.
Hồi tháng 08/2019, anh Julio đã chiến đấu với đám cháy vùng Chiquitania của Santa Cruz và vô cùng kinh hoàng trước những gì đã chứng kiến. “Tôi đã nhìn thấy xác những con vật cố gắng thoát khỏi đám cháy. Những con sống sót chết sau 2-3 ngày vì không bất cứ đâu có [nước] cho chúng. Mọi thứ đều đã bị thiêu rụi.”
Tỉnh Santa Cruz là nhà xuất cảng thịt bò lớn nhất trên toàn quốc với ước tính khoảng 24,000 nhà chăn nuôi. Theo đó, tỉnh này cũng có số vụ cháy rừng lớn thứ hai so với bất kỳ tiểu bang nào trong cả nước. Năm nay, các tiểu bang của Santa Cruz và Beni chiếm 94% tổng số các khu vực bị cháy, với 835,216 mẫu Anh bị mất ở Santa Cruz vào tháng Bảy năm nay.
Nhà kinh tế học và giáo dục phát triển nông nghiệp của Bolivia, ông Eduardo Hoffmann, nói với The Epoch Times rằng thỏa thuận thịt bò của Bolivia với Trung Cộng là “một thảm họa.”
“Khi quý vị nói tới ưu và nhược điểm, thực sự không có ưu điểm nào [với hợp đồng xuất cảng đó] trừ khi quý vị là kẻ kiếm được tiền từ đó,” ông Hoffman cho biết.
Ông cắt nghĩa rằng chỉ ngành kinh doanh nông nghiệp và chính phủ kiếm tiền từ thỏa thuận này, mặc dù chính phủ đang vẽ ra một bức tranh về lợi ích kinh tế cho toàn bộ người dân. Ông Hoffman cũng thẳng thắn khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng có mối liên hệ giữa thỏa thuận xuất cảng của Trung Cộng và sự gia tăng lãnh thổ bị mất vì cháy rừng kể từ năm 2019 hay không.
“Không có gì phải thắc mắc về việc liệu có liên kết nào hay không. Chúng chắc chắn liên quan với nhau.”
Việc đốt phá rừng làm nương rẫy là hợp pháp đối với nông dân và chủ trang trại nhờ vào một luật được ông Morales ban hành vào ngày 25/04/2019, vào khoảng thời gian ký kết thỏa thuận thương mại với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Luật này chấp thuận các giấy phép đốt nương theo cái mà chính phủ gọi là “chính sách quản lý hỏa hoạn toàn diện”. Thông qua chính sách này, chính phủ cấp giấy phép có giá trị ba năm cho các trang trại có triển vọng nông nghiệp và năm năm cho các trang trại có giá trị chăn nuôi. Luật này còn kèm theo động cơ khuyến khích giảm tiền phạt đối với những người đốt nương mà không có sự cho phép của chính phủ, miễn là khoản phạt đó được thanh toán kịp thời.
Trở lại trang trại, ông Vargas vẫn lừng chừng nước đôi về các trận cháy rừng. “Có thể làm gì được đây? Không lẽ chúng tôi lại quay lưng lại với tiền ư?” ông Vargas hỏi khi nhìn những con bò gặm cỏ trên cánh đồng của mình. “Chắc hẳn chúng [đám cháy] năm nào cũng tồi tệ rồi, nhưng cuối cùng thì chúng thể nào cũng tắt thôi.”
The Epoch Times đã liên lạc với văn phòng Bộ trưởng Ngoại thương và Hội nhập, nhưng người này đã từ chối bình luận.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: