Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ mang theo chiến đấu cơ tàng hình F-35C tiến vào Biển Đông
Hôm thứ Ba (07/09), các quan chức cho biết, một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ mang theo các chiến đấu cơ tàng hình F-35C đã tiến vào Biển Đông lần đầu tiên trong lần khai triển hiện tại của mình và đang tiến hành “các hoạt động an ninh hàng hải.”
Hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, USS Carl Vinson, đã rời San Diego tháng trước (08/2021), sẽ tiến hành các hoạt động bay với phi cơ cánh cố định và phi cơ cánh quay, các cuộc diễn tập tấn công trên biển, cũng như huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị mặt đất và không quân trong khu vực tranh chấp, Hải quân cho biết trong một thông cáo báo chí.
Các quan chức cho biết, các hoạt động ở Biển Đông là một phần trong sự hiện diện thường xuyên của Hải quân Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời lưu ý rằng nhóm tác chiến này được điều động tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Hoa Kỳ “nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Chuẩn Đô đốc Dan Martin, chỉ huy nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Carl Vinson, cho biết trong một tuyên bố: “Quyền tự do đi lại của tất cả các quốc gia trong các vùng biển quốc tế là quan trọng, và đặc biệt trọng yếu trong khu vực Biển Đông, nơi gần một phần ba [lưu lượng] của thương mại hàng hải toàn cầu qua lại mỗi năm. Để đạt được lợi ích chung đó thì cộng đồng quốc tế đóng một vai trò tích cực trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Các chiến đấu cơ tàng hình F-35C được thiết kế để hoạt động trực tiếp trên hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ. Thiết kế, cảm biến được tích hợp, nhiên liệu bên trong và năng lực vũ khí của loại phi cơ này cho phép phi công tránh được sự nhận dạng của kẻ địch.
Phương tiện truyền thông nhà nước hiếu chiến của Trung Cộng, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã gọi sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm lớp Nimitz trong vùng biển tranh chấp này là một “hoạt động khai triển khiêu khích” và nói rằng Bộ Tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Phát ngôn viên Chiến khu Nam bộ của PLA, Đại tá Không quân Điền Quân Lý (Tian Junli), cáo buộc Hải quân Hoa Kỳ vi phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.
Hạm đội 7 Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố, “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như tàu USS Benfold đã làm ở đây. [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] có nói thêm gì khác cũng sẽ không ngăn cản được chúng tôi.”
Bằng vũ lực, Trung Quốc đã cố gắng phủ nhận quyền tiếp cận các ngư trường phong phú ở vùng biển tranh chấp của các quốc gia khác trong khu vực. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều đối mặt với các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, hơn chục thuyền viên trên một tàu đánh cá của Việt Nam đã buộc phải nhảy khỏi tàu sau khi tàu của họ bị một tàu Trung Quốc đâm. Hồi tháng Một, một ngư dân Philippines cho biết anh ta đã bị Hải cảnh Trung Quốc ngăn cản không cho lái thuyền đến khu vực đánh cá gần một hòn đảo do Manila quản lý.
Hồi tháng Ba, hơn 200 tàu Trung Quốc – được cho là do lực lượng dân quân hàng hải của Bắc Kinh vận hành – đã neo đậu tại rạn san hô Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), một trong những bãi đá ngầm, quần đảo và đảo san hô đang tranh chấp ở Biển Đông.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, trong một cuộc họp báo tại Việt Nam hôm 26/08, đã lặp lại lời chỉ trích của bà đối với Bắc Kinh vì đã làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Bà Harris nói, “Thật sự là chúng ta cần phải tìm cách gây áp lực và gia tăng áp lực lên Bắc Kinh để [khiến họ] tuân thủ Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của họ,” và nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ “duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ ở Biển Đông” để đối đầu với Trung Quốc.
Vào tối ngày thứ Tư (08/09), Tòa Bạch Ốc cho hay, Tổng thống Joe Biden, trong cuộc điện đàm thứ hai với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã nhấn mạnh mối quan tâm lâu dài của Hoa Kỳ đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cô Isabel van Brugen là một ký giả từng đạt giải thưởng, hiện đang là một phóng viên tin tức tại The Epoch Times. Cô tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Báo chí tại trường City, Đại học London.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: