Nhóm phiến quân cộng sản Philippines đang nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc
Các lính du kích cộng sản ở Philippines đang nhắm mục tiêu vào các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc hiện đang xây dựng cơ sở hạ tầng và căn cứ quân sự ở nước này. Các dự án này nhận được sự hậu thuẫn từ Tổng thống Rodrigo Duterte.
Đảng Cộng Sản Philippines (CPP) đã lệnh cho cánh quân đội của họ là Quân đội nhân dân mới, nhắm mục tiêu vào các công ty liên quan đến việc xây dựng bảy căn cứ quân sự của Trung Quốc ở biển Tây Philippines (tên gọi chính thức của chính phủ Philippines cho các phần phía đông của Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này).
Một tuyên bố cho biết, Đảng Cộng Sản Philippines khẳng định các dự án này đã vi phạm chủ quyền của Philippines đồng thời phá hủy các nguồn tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Mặc dù không nêu tên cụ thể, nhưng các công ty Trung Quốc này được hiểu là các công ty nạo vét, đóng tàu và xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu của Trung Quốc, bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì đã xây dựng hơn 3,000 mẫu đảo nhân tạo nhằm khai triển quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đảng Cộng Sản Philippines cũng đổ lỗi cho ông Duterte vì đã trao cho các công ty này “dự án cơ sở hạ tầng có giá trị lớn” như xây dựng các đường hầm mỏ và các con đập xâm lấn rừng cùng vùng đất tổ tiên của người thiểu số.
“Các dự án cơ sở hạ tầng này không chỉ khiến hàng ngàn nông dân và người thiểu số phải di dời khỏi vùng đất của họ, mà còn tàn phá hệ sinh thái tự nhiên còn lại của đất nước,” Đảng Cộng Sản Philippines cho biết.
Đảng Cộng Sản Philippines đã cắt đứt quan hệ với Trung Quốc vào những năm 1980 và là nhóm phiến quân lâu đời nhất châu Á hoạt động trên khắp Philippines.
Ông Duterte hạ gục những kẻ khủng bố
Vào tháng 7, Tổng thống Duterte tuyên bố rằng, nhóm phiến quân cộng sản này là tổ chức khủng bố, và nói rằng Đạo luật chống khủng bố mới 2020 của Philippines sẽ xử lý nhóm này, đặc biệt là những kẻ liên quan đến các cuộc tấn công ném bom vào công chúng.
“Nếu các người làm điều đó với người dân, nếu các người sát hại họ một cách tùy tiện, thì tôi sẽ coi đó là lý do để kết liễu mấy người,” ông nói trong một bài phát biểu công khai vào tháng Bảy.
“Tại sao? Vì với tư cách là Tổng thống tôi đã dành phần lớn thời gian của mình để cố gắng tìm hiểu và kết nối với họ để làm sao chúng tôi có thể đi đến một giải pháp hòa bình (cho cuộc nổi dậy),” ông tiếp tục.
Năm ngoái, Quân đội nhân dân mới đã đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày thành lập bằng một cuộc tấn công vào một đội tuần tra ở phía bắc tỉnh Mountain khiến một cảnh sát thiệt mạng.
Cùng năm đó, nhóm phiến quân cộng sản này đã phục kích và sát hại bốn cảnh sát đang đi xe máy ở thị trấn ven biển Ayungon.
Một loạt vụ đánh bom cũng diễn ra ở Jolo, Philippines, nơi những kẻ đánh bom liều mạng của nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf đã tấn công các căn cứ quân sự và nhà thờ, khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương.
Sự hiện diện lờ mờ của Bắc Kinh
Trong khi đó, ông Duterte đã nhiều lần coi nhẹ những lo ngại về việc Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế và quân sự ở Philippines khi ông thúc đẩy kế hoạch “Xây dựng Xây dựng Xây dựng” nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Khi đề cập đến các thiết bị quân sự của Trung Quốc trong khu vực, ông Duterte cho biết: “Nó thực sự nhắm vào những ai mà Trung Quốc cho rằng sẽ tiêu diệt họ và đó là Mỹ…”
“Bỏ qua những hỏa tiễn ở đó đi, nó không nhắm vào chúng ta,” Tổng thống bông đùa tại một sự kiện có sự tham dự của các doanh nhân Philippines gốc Hoa.
Tổng thống cũng từng nói đùa về việc biến Philippines thành một tỉnh của Trung Quốc, khi ông coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của việc Bắc Kinh sử dụng tên tiếng Hoa cho các địa danh dưới biển ở Thái Bình Dương thuộc Philippines.
“Nếu các vị muốn, các vị có thể biến chúng tôi thành một tỉnh như Phúc Kiến, thành tỉnh Philippines thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Gần đây, ông Duterte đã bị chỉ trích vì bật đèn xanh cho một số khoản đầu tư nhiều tỷ đô la từ Trung Quốc, các giao dịch mà chính phủ của ông tuyên bố là “thúc đẩy lợi ích quốc gia.”
Các dự án được thông qua vào tháng 9 bao gồm một thỏa thuận trị giá 10.2 tỷ USD cho Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (nhóm dẫn đầu của Sáng kiến Vành đai và Con đường) để xây dựng một sân bay quốc tế ở Manila. Một thỏa thuận khác đã cho phép tập đoàn Dito Telecommunity do Trung Quốc hậu thuẫn xây dựng các tháp phát sóng di động bên trong các căn cứ quân sự.
Vào tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn với CNN Philippines, ông Antonio Carpio, thành viên cao cấp của Tối cao Pháp viện [Philippines] đã nghỉ hưu cho biết, “Tôi nghĩ rằng chúng ta thật ngu ngốc khi cho phép những tòa tháp đó được lắp đặt bên trong các căn cứ quân sự.”
“Hãy tưởng tượng, đặt một tòa tháp bên trong căn cứ quân sự — và thiết bị, tất cả những vi mạch bán dẫn trên những tòa tháp này đều được sản xuất tại Trung Quốc, họ có thể chỉ cần đưa vào đó phần mềm gián điệp, phần mềm đến từ Trung Quốc,” ông nói thêm.
Nhóm du kích Đảng Cộng Sản Philippines tuyên bố các dự án cơ sở hạ tầng có giá trị lớn này đã phơi bày “các hành vi quan liêu có tính chất tội phạm” của chính phủ Duterte như hối lộ, sử dụng quỹ một cách sai trái và thành lập các công ty vỏ bọc nhằm điều hành các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ.
Nhóm du kích cho biết: “Duterte phải chịu trách nhiệm vì đã thông đồng với Trung Quốc và các công ty lớn của họ trong việc cướp đoạt tài nguyên của đất nước và cho phép Trung Quốc giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các ngành kinh tế quan trọng mang tính chiến lược của Philippines”.