Nhóm pháp lý hàng đầu: Việc tẩy chay tổ phụ lập quốc của Úc sẽ làm suy yếu Hiến Pháp
Một trong những hiệp hội pháp lý hàng đầu của Úc đã phản bác lời kêu gọi “tẩy chay” Ngài Samuel Griffith, một nhân vật quan trọng trong lịch sử của Úc, vì hiệp hội này cho rằng làm như vậy sẽ làm suy yếu nền pháp quyền của quốc gia.
Vụ việc xảy ra sau khi nghệ sĩ bản địa Fiona Foley đề nghị xóa tên của ông Griffith ra khỏi Đại học Griffith và thay vào đó gọi trường này là ‘Đại học Dundalli’. Dundalli là tên của một chiến binh bản địa, người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của người Âu Châu ở Đông Nam Queensland.
Lời đề nghị trên là một hành động hưởng ứng cuốn sách “Truth-Telling” gây tranh cãi của sử gia Henry Reynolds, xuất bản năm 2021. Trong cuốn sách của mình, ông Reynold đã cáo buộc ông Griffith là “kẻ gây ra” các vụ thảm sát do đã không làm đủ để ngăn chặn cuộc đụng độ giữa người Âu Châu và các thị tộc bản địa ở Úc.
Tuy nhiên, Hiệp hội Samuel Griffith, được thành lập để khuyến khích sự hiểu biết nhiều hơn về Hiến Pháp của Úc, đã bảo vệ di sản của ông Griffith, đồng thời lập luận rằng “Người Úc vẫn đang tiếp tục được hưởng những lợi ích của Hiến Pháp, hơn một thế kỷ sau khi ông qua đời.”
Hôm thứ Ba (28/06), ông Xavier Boffa, giám đốc điều hành của hiệp hội này, đã viết trong một bản tin gửi cho các thành viên hiệp hội rằng “chúng ta không được cho phép các hành động ‘tẩy chay’ ông Griffith trở thành vấn đề không có hồi đáp.”
Ông Boffa nói, “Làm như vậy về cơ bản sẽ có nguy cơ làm suy yếu Hiến Pháp của chúng ta và mọi thứ mà nó đại diện—nguyên tắc của chính phủ có trách nhiệm, hệ thống liên bang của chúng ta, sự tách biệt giữa quyền lực và pháp quyền.”
Người sáng lập ra Hiến Pháp Úc
Ông Griffith được công nhận là một trong những tổ phụ lập quốc của Úc, người đã soạn thảo bộ luật hình sự đầu tiên của quốc gia này và đồng soạn thảo bản Hiến Pháp.
Ông trở thành Chánh án của Úc vào năm 1893, và cũng tham gia vào việc soạn thảo Đạo luật Tư pháp hoãn lại 1903, đạo luật này đã thành lập nên Tòa án Tối cao của Úc.
Ông Boffa trước đó đã lập luận rằng mặc dù ông không đồng tình với tất cả những gì ông Griffith đã làm với tư cách là một chính trị gia, nhưng “không có điều gì trong số đó làm giảm ý nghĩa và giá trị của những việc ông ấy đã làm với tư cách là một luật gia và người soạn thảo Hiến Pháp.”
“Cũng giống như chúng ta có thể thừa nhận tài năng của những vận động viên thể thao, nghệ sĩ, và nhạc sĩ vĩ đại mà không nhất thiết phải tán thành tất cả những hành động hoặc niềm tin của họ, chúng ta cần phải có thể tách biệt những điều tốt đẹp mà những người đi trước chúng ta đã thực hiện khỏi các cuộc tranh luận về các khía cạnh gây tranh cãi hơn trong di sản của họ,” ông viết trên Spectator Australia hôm 27/06.
Giám đốc điều hành này đã cảnh báo thêm rằng hành động “tẩy chay” ông Griffith “có thể là cái cớ để viết lại bản thân Hiến Pháp về cơ bản.”
Bình luận trên được đưa ra khi chính phủ Đảng Lao Động mới đã thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố Uluru “một cách đầy đủ.” Điều này bao gồm việc sửa đổi Hiến Pháp để đặt định ‘Tiếng nói’ của Người bản địa đối với Nghị viện, đồng thời thiết lập một quy trình nói lên sự thật để ghi lại “những bất công trong quá khứ và đang diễn ra đối với Người Úc bản địa,” và tạo ra một hiệp ước.
Tuy nhiên, lãnh đạo cộng đồng Bản địa nổi tiếng Warren Mundine cho biết khái niệm nói lên sự thật hiện nay được bắt nguồn từ việc kể tội và làm nạn nhân. Ông nói thêm rằng Úc là “một trong những quốc gia thành công nhất” về nỗ lực cải thiện cuộc sống của thổ dân Úc.
“Nói lên sự thật là chỉ về một cuộc trò chuyện. Đó là về việc chúng ta sẽ có một cuộc trò chuyện, nói về lịch sử thực sự của nước Úc, và làm việc cùng nhau để tiến lên phía trước,” ông nói với The Epoch Times.
“Đó không phải là ném ra những cái tên và lăng mạ lẫn nhau và khiến cho mọi người cảm thấy tội lỗi hoặc cảm thấy như họ là nạn nhân.”
Cô Nina Nguyen là một phóng viên tại Sydney. Cô đưa tin về Úc với trọng tâm là các vấn đề xã hội và văn hóa. Cô thông thạo Tiếng Việt. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected]