Nhóm nhân quyền đệ đơn khiếu nại các nhà bán lẻ Đức đối với các mặt hàng dệt may của Trung Quốc
Hôm thứ Hai (06/09), một nhóm nhân quyền đã đệ đơn khiếu nại lên các công tố viên Đức với cáo buộc rằng một số nhà bán lẻ thời trang đã trục lợi từ hệ thống lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Theo đơn kiện dài 96 trang mà các công tố viên đã nhận được tại tòa án liên bang Karlsruhe, Trung tâm Hiến pháp và Nhân quyền Âu Châu (ECCHR) có trụ sở tại Berlin cáo buộc Lidl, Hugo Boss và các nhà bán lẻ khác đã tiếp tay và trục lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ lao động cưỡng bức trong ngành công nghiệp bông ở Tân Cương.
Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc mà các quốc gia phương Tây cho rằng họ ngược đãi dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hay đang cưỡng bức lao động ở đó. Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin không thể đưa ra bình luận ngay lập tức.
Ông Miriam Saage-Maass, người đứng đầu chương trình Kinh doanh và Nhân quyền của ECCHR cho biết, “Không thể chấp nhận được việc các chính phủ Châu Âu chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền, trong khi các công ty Âu Châu có thể trục lợi từ việc bóc lột người dân Duy Ngô Nhĩ.”
“Đã đến lúc những người có trách nhiệm trong các công ty đó phải chịu trách nhiệm nếu các nghi ngờ về lao động cưỡng bức được xác nhận.”
Việc đệ đơn kiện nhằm mục đích thuyết phục công tố viên mở một cuộc điều tra mà theo những người làm đơn, có thể khiến ban quản lý các nhà bán lẻ phải giải trình đồng thời giúp cho khách hàng nhận thức rõ hơn về những hành vi lạm dụng trong chuỗi cung ứng của họ.
Một phát ngôn viên của Lidl cho biết các cáo buộc liên quan đến công ty “dựa trên danh sách nhà cung cấp cũ và liên quan đến các đơn đặt hàng hoặc khoảng thời gian trước đây.” Công ty có một chính sách “không khoan nhượng” đối với lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, buộc các nhà thầu trong chuỗi cung ứng phải tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội.
Phát ngôn viên của Lidl cho biết, “Nếu chúng tôi biết được các sự việc cụ thể liên quan đến việc vi phạm các quy định này, chúng tôi sẽ điều tra và thực hiện các bước thích hợp. Trong bối cảnh này, các cơ sở sản xuất đã bị đóng cửa.”
Một phát ngôn viên của Hugo Boss cho biết: “Chúng tôi giả định rằng các giá trị và tiêu chuẩn của chúng tôi đã được tuân thủ trong quá trình sản xuất hàng hóa của chúng tôi và không có vi phạm pháp luật nào. Do đó, chúng tôi bác bỏ bất kỳ khẳng định nào khác mà ECCHR đưa ra.”
“Chúng tôi không dung thứ cho bất kỳ hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc nào hay bất kỳ hình thức nô lệ hiện đại nào,” phát ngôn viên này nói, đồng thời cho biết công ty yêu cầu các nhà thầu xác nhận rằng nhân quyền và các điều kiện làm việc công bằng được giám sát trong chuỗi cung ứng.
Liên Hiệp Quốc dẫn chứng những gì họ nói là những báo cáo đáng tin cậy rằng 1 triệu người Hồi giáo, bị giam giữ trong các trại tập trung, đã được đưa đến làm việc ở Tân Cương. Ban đầu Trung Quốc phủ nhận rằng các trại tập trung này có tồn tại, nhưng sau đó nói rằng nơi đó là các trung tâm dạy nghề được thiết kế để chống lại chủ nghĩa cực đoan. Hồi cuối năm 2019, Trung Quốc cho biết tất cả những người trong trại tập trung đã “tốt nghiệp.”
Theo một nguồn tin, các công tố viên người Pháp đã mở một cuộc điều tra hồi tháng Bảy đối với bốn nhà bán lẻ thời trang bị tình nghi che giấu tội ác chống lại nhân loại ở Tân Cương. Vụ việc liên quan đến Uniqlo France là thành viên của Fast Retailing của Nhật Bản, Inditex chủ sở hữu của Zara, SMCP của Pháp và Skechers Shoes.
Hồi tháng Một, Hoa Kỳ đã công bố một lệnh cấm nhập cảng đối với tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương do có các cáo buộc rằng chúng được thực hiện bằng cách sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.
Một số thương hiệu phương Tây bao gồm H&M, Burberry và Nike đã bị ảnh hưởng do người tiêu dùng ở Trung Quốc tẩy chay sau khi nêu lên lo ngại về nghi ngờ lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Trung Quốc nắm giữ khoảng 20% thị trường bông trên thế giới và 85% bông của quốc gia này đến từ Tân Cương.
Do Michael Nienaber của Reuters thực hiện
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: