Nhóm lưỡng đảng ‘Problem Solvers Caucus’ lạc quan về việc gia tăng ảnh hưởng trong năm 2021
Các thành viên của nhóm lưỡng đảng Problem Solvers Caucus (PSC) tại Hạ viện, đang thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng khi Quốc hội khóa 116 của Hoa Kỳ sắp kết thúc hoạt động và trở lại vạch xuất phát.
Có hai vấn đề đã tạo cơ hội dồn dập cho các thành viên PSC được lên sóng để phát biểu về những điều mà họ thường gọi là “các giải pháp lý trí.”
Những vấn đề trên bao gồm việc tìm kiếm một thỏa thuận với các đảng viên Cộng Hòa ở Thượng viện về một dự luật cứu trợ COVID-19 mà TT Trump sẽ ký, và duy trì tài trợ cho Chính phủ liên bang đến năm 2021.
Hôm 06/12, PSC đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã thúc đẩy một thỏa thuận về dự luật cứu trợ. Đồng Chủ tịch Tom Reed (Cộng Hòa-New York) nói rằng việc này giải thích cho lý do tại sao năm 2021 sẽ là năm của nhóm lưỡng đảng này.
“Trong nhóm PSC chúng tôi có một bộ phận thành viên là thành phần cực hữu hoặc cực tả, nhưng điểm chung của họ là những người thực tế và là những thành viên hành động theo lý trí,” ông Reed nói với Just the News.
“Tôi nghĩ rằng với sự chênh lệch nhỏ giữa số ghế của phe đa số và phe thiểu số trong Quốc hội tiếp theo, những gì quý vị sẽ thấy là những thành viên này sẽ vươn lên dẫn đầu, và họ sẽ nắm giữ những vị trí có thể gây ảnh hưởng lớn đến chương trình nghị sự.”
PSC đặt nhiều kỳ vọng vào Quốc hội khóa 117 vì Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã mất 10 ghế vào tay Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tháng 11, khiến bà có đa số ghế với độ chênh lệch ‘vô cùng mong manh’, và chỉ cần năm đảng viên Dân Chủ đổi ý trong lá phiếu của họ thì khoảng chênh lệch này sẽ bị san bằng.
Tình huống này có thể đặt ông Reed và đồng Chủ tịch PSC Dân biểu Josh Gottheimer (Dân Chủ-New Jersey) vào một vị trí lợi thế. PSC hiện có 47 đảng viên Dân Chủ và 27 đảng viên Cộng Hòa và tự mô tả trên trang web của mình rằng nhóm “cam kết tìm ra điểm chung trong nhiều vấn đề quan trọng mà quốc gia đang phải đối mặt. Chỉ khi chúng ta làm việc cùng nhau với tư cách là công dân Hoa Kỳ, chúng ta mới có thể phá vỡ thành công sự bế tắc trong nền chính trị hiện nay.”
Sự hợp tác lưỡng đảng
Chiến lược gia Đảng Dân Chủ Christy Setzer lưu ý rằng “Người dân Hoa Kỳ đã bỏ phiếu cho một chính phủ bị chia rẽ là có lý do. Về mặt nào đó, các chính sách tốt nhất do nhóm PSC thúc đẩy không quan trọng bằng thực tế Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ được nhìn nhận là đang hợp tác cùng nhau.”
Do đó, ông Setzer nói với The Epoch Times rằng, “Tầm quan trọng của PSC chắc chắn sẽ tăng lên; đây là cách đơn giản và nhanh gọn nhất để chứng tỏ một chính phủ hiệu quả.”
Tương tự, một chiến lược gia khác của Đảng Dân Chủ, ông Kevin Chavous, nói với The Epoch Times rằng PSC “sẽ được hưởng lợi khi ảnh hưởng của nhóm này gia tăng do Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đang nắm giữ đa số ghế với khoảng chênh lệch rất hẹp. Nếu Đảng Dân Chủ muốn thông qua mọi thứ với khoảng cách hẹp như vậy, thì sự hợp tác lưỡng đảng sẽ là chìa khóa [để giải quyết vấn đề]. Tôi nghĩ người dân Hoa Kỳ muốn thấy điều đó.”
Và ông Zach Friend, giám sát viên quận Santa Cruz, California, người từng là phát ngôn viên địa phương cho chiến dịch tranh cử năm 2008 của cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết ông tin rằng nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden nhậm chức, thì “sẽ mang lại cơ hội lớn hơn cho những người sẵn sàng hợp tác với cả hai đảng, như nhóm Problem-Solvers Caucus.”
Do đó, ông Friend nói thêm rằng, “Bất kể điều gì xảy ra trong các cuộc đua vào Thượng viện sắp tới, đó sẽ là một Quốc hội có chênh lệch số ghế giữa hai đảng rất nhỏ, vì vậy tiếng nói của những người ôn hòa có khả năng sẽ có trọng lượng hơn.”
Ông Friend đề cập đến hai cuộc đua vào Thượng viện sẽ được quyết định ở Georgia trong một cuộc bầu cử bổ sung vào ngày 05/01. Chỉ cần chiến thắng một trong hai cuộc đua này, Đảng Cộng Hòa sẽ chiếm phe đa số tại Thượng viện [với tỷ lệ số ghế] 51–49 (tính cả hai ứng cử viên độc lập, Bernie Sanders của tiểu bang Vermont và Angus King của tiểu bang Maine), trong khi Đảng Dân Chủ cần thắng cả hai để đạt được tỷ lệ hòa 50–50. Tỷ lệ cân bằng này có thể bị phá vỡ bởi bất cứ ai là Phó Tổng thống.
The Epoch Times sẽ không tuyên bố Tổng thống Donald Trump hay ông Joe Biden là “Tổng thống đắc cử” cho đến khi tất cả các tranh chấp pháp lý về kết quả bầu cử ở các tiểu bang hiện nay được giải quyết.
Hệ tư tưởng
Tuy nhiên, cấu trúc hệ tư tưởng của PSC có thể là trở ngại lớn nhất của nhóm trong việc phá vỡ thế bế tắc đã gây khó khăn cho Quốc hội trong nhiều thập kỷ qua.
Các thành viên đương nhiệm của PSC sẽ thay đổi trong Quốc hội khóa mới vì nhiều lý do như nghỉ hưu, tái tranh cử thất bại và có thành viên mới gia nhập nhóm. Tuy nhiên, sự khác biệt về tư tưởng trong nhóm hiện nay sẽ không thay đổi đáng kể.
Dựa trên chỉ số xếp hạng mới nhất của Liên minh Bảo thủ Hoa Kỳ (ACU), các đảng viên Dân Chủ chiếm phe đa số trong PSC đang lệch về bên cực tả nhiều hơn hẳn so với các thành viên Đảng Cộng Hòa đang lệch về bên cực hữu trên trục quang phổ chính trị.
So với 64 điểm của vị đồng Chủ tịch đảng viên Cộng Hòa Reed, Chủ tịch đảng viên Dân Chủ Gottheimer được ACU cho 11 điểm và được xếp ở vị trí nghiêng hẳn về phía cực tả. Nhìn chung, 47 thành viên Đảng Dân Chủ có điểm ACU trung bình là 10, trong khi 27 thành viên Đảng Cộng Hòa có điểm trung bình là 69.
Điều đó có nghĩa là điểm trung bình của các thành viên PSC là đảng viên Dân Chủ cách điểm trung tâm (điểm 50 trên thang điểm) về phía trái 40 điểm, trong khi điểm trung bình của các thành viên là đảng viên Cộng Hòa chỉ cách điểm trung tâm 19 điểm về phía phải.
Hình thức thỏa hiệp
Số liệu trên có thể cho thấy những vấn đề lớn trong việc tìm ra một vài thành viên PSC từ một trong hai đảng hoặc nhóm đại diện cho cả hai bên, để tán thành các thỏa thuận đại diện cho các yêu sách của những người cấp tiến cứng rắn như Chủ tịch Hạ viện Pelosi và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York).
“Quý vị chỉ có thể thêm cái gọi là Problem-Solvers Caucus đó vào danh sách những vấn đề đau đầu mà bà Chủ tịch Hạ viện sẽ đối mặt trong năm tới khi bà ta tìm cách đạt được đa số ghế cần thiết để chuyển chương trình nghị sự của ông Biden từ Hạ viện lên Thượng viện,” Chiến lược gia Đảng Dân Chủ Jim Manley nói với The Epoch Times.
Ông Manley, người từng là giám đốc truyền thông của cựu Lãnh đạo đa số Thượng viện Harry Reid (Dân Chủ-Nevada) và là cố vấn cao cấp của Thượng nghị sĩ Ted Kennedy (Dân Chủ-Massachusetts), giải thích rằng việc Đảng Dân Chủ chiếm đa số ghế với chênh lệch nhỏ có nghĩa là mọi người sẽ tự đặt mình vào vị trí có quyền quyết định lớn nhất.
“Chênh lệch nhỏ này thực sự là một vấn đề. Nhóm Bộ tứ (4 phụ nữ thành viên Hạ viện), nhóm Problem-Solvers Caucus và thậm chí cả đảng viên Cộng Hòa cũng sẽ yêu cầu phải có sự đồng tình của họ trước khi chấp thuận bất cứ điều gì,” ông Manley cho hay.
Chiến lược gia kỳ cựu của Đảng Cộng Hòa Brian Darling cũng đồng tình và nói với The Epoch Times rằng “cái gọi là Problem-Solvers Caucus có thể gây rắc rối cho Đảng Cộng Hòa trong việc thiết lập chương trình nghị sự hiện tại. Nếu họ [PSC] chấp thuận các đề xuất của Đảng Dân Chủ như giảm trợ cấp cho cảnh sát, Thỏa thuận Mới Xanh (Green New Deal) và tăng thuế, họ sẽ làm loãng thông điệp hiện tại của Đảng Cộng Hòa.”
Ông Darling, cựu cố vấn cao cấp của Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky), người hiện đứng đầu công ty vận động hành lang bảo thủ Liberty Government Affairs, cho biết thêm rằng, “Nếu có các cơ sở thiện chí để thỏa hiệp, thì họ sẽ có thêm quyền lực, nhưng nhiều khả năng là PSC sẽ đồng ý với các đề xuất chi tiêu lớn mà không quan tâm tới các khoản nợ khổng lồ mà chính phủ liên bang của chúng ta đã tích lũy để đối phó với đại dịch virus Trung Cộng.”
Chủ tịch Grover Norquist của tổ chức Americans for Tax Reform cho rằng PSC nên tránh “kiểu thỏa hiệp truyền thống mà mỗi bên nhận được thứ họ muốn nhưng bên kia lại không muốn. Mọi người đều nhận được bánh pizza với lớp topping yêu thích của họ và những mảnh thủy tinh vỡ.”
Một hình thức thỏa hiệp thận trọng hơn mà ông Norquist gợi ý cho PSC là “hãy nhìn vào biểu đồ Venn và tìm một khu vực nhỏ hơn nơi mà những người có tiêu chuẩn cao của cả cánh hữu và cánh tả đều có thể đồng tình [với nhau] và giới hạn luật của các vị trong khu vực đó.”
“Tính minh bạch trong chính phủ, cải cách tư pháp hình sự, giới hạn nhiệm kỳ và cải cách nhập cư đều nên được thực hiện theo các bước tiến nhỏ về phía trước, trong đó không có nghị sĩ nào được yêu cầu bỏ phiếu cho những gì họ tin là phá hoại.”
Mark Tapscott
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: