Nhóm các ký giả kêu gọi Trung Quốc thả tự do cho 11 người cung cấp hình ảnh về đại dịch cho The Epoch Times
Một nhóm vận động ký giả đang kêu gọi trả tự do cho 11 công dân Trung Quốc bị giam giữ sau khi họ cung cấp những hình ảnh thoáng qua về những ngày đầu đại dịch COVID-19 cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Mười một người này đều là học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đã bị chính quyền Trung Cộng đàn áp nặng nề trong nhiều thập kỷ qua. Họ đã bị giam cầm tại một trung tâm giam giữ của Trung Quốc kể từ tháng 07/2020 và đã chờ xét xử trong hơn một năm qua.
Các luật sư của những học viên này cho biết, ngay từ đầu chính quyền Bắc Kinh đã cáo buộc họ “dùng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một lời buộc tội thường dùng để nhắm vào các học viên của môn tập này cũng như những tín đồ của các tôn giáo khác ở Trung Quốc. Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cơ quan công tố hàng đầu của Trung Cộng, hành vi phạm tội này có thể bị phạt tù chung thân.
Vụ bắt giữ này đã diễn ra ở Bắc Kinh vào ngày 19/07/2020, một ngày trước dịp kỷ niệm 21 năm Trung Cộng đàn áp Pháp Luân Công.
Ngoài [lý do] đức tin của những người bị bắt giữ, điều khiến các quan chức này tức giận dường như là vì những nỗ lực công khai các bức ảnh và thông tin trong những ngày đầu bùng phát COVID-19 và những hạn chế phong tỏa ở Trung Quốc.
Ông Tạ Yến Ích (Xie Yanyi), một trong những luật sư bào chữa tham gia vào vụ án này, cho biết trong một bức thư ngỏ hôm 23/08 gửi cho chính quyền rằng bản cáo trạng hồi tháng Tư đã cáo buộc những người bị giam giữ này “đã chụp ảnh và tải chúng lên các trang web ở hải ngoại trong khoảng thời gian từ tháng Hai đến tháng Sáu năm 2020.” Theo ông Tạ, cáo trạng này cũng buộc tội nhóm này đã tổ chức tụ tập tại nơi ở của họ.
Ủy ban Bảo vệ Các Ký giả, một tổ chức vận động cho quyền tự do báo chí có trụ sở tại New York, cho biết 11 người này chính thức bị truy tố vì đã gửi tài liệu cho The Epoch Times, trích dẫn lời một người đã quen thuộc với vụ việc này.
Ông Steven Butler, điều phối viên chương trình Á Châu của ủy ban này, cho biết trong một tuyên bố hôm 24/08: “Trung Quốc cần chấm dứt hành động cố gắng ngăn cản công dân của mình báo cáo tin tức và công bố các bức ảnh về những biện pháp hạn chế COVID-19 của mình.”
“Phải lập tức trả tự do cho 11 người đã bị bắt với lý do gửi ảnh và thông tin cho The Epoch Times, và hủy bỏ tất cả các cáo buộc.”
Một phát ngôn viên của Epoch Times đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn của các học viên này.
Vị phát ngôn viên này cho biết: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy lên án hành vi vi phạm quyền tự do báo chí này.”
Bà Hứa Na (Xu Na), một trong những học viên bị giam giữ, là một nhà thơ và họa sĩ tự do mới ngoài 50 tuổi. Bà đã mất đi người chồng của mình trong cuộc bức hại hơn một thập kỷ trước, sau khi cả hai vợ chồng bà bị bắt giữ vì đức tin của họ vài tháng trước khi Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 diễn ra, theo Minghui, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên thu thập và báo cáo thông tin về chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công của Trung Cộng.
Chồng của bà Hứa, là một nhạc sĩ dân gian, ông đã bị tra tấn đến chết ở tuổi 42 trong vòng chưa đầy hai tuần sau khi bị giam giữ; bà Hứa đã không được phép tham dự đám tang của chồng mình.
Ông Lương Hiểu Quân (Liang Xiaojun), một trong những luật sư đại diện cho bà Hứa, trước đây từng cho biết rằng một số người khác đang phải đối mặt với việc bị kết án mới ở độ tuổi 20.
“Và toàn bộ việc đó chỉ đơn thuần là ghi lại những khoảnh khắc bình thường nhất trên đường phố Bắc Kinh trong thời gian xảy ra đại dịch. Đây là kiểu quốc gia gì vậy!” ông Lương đã viết trong một bài đăng trên Twitter hồi tháng Tư.
Một thẩm phán đã ngăn cản một luật sư khác của bà Hứa là ông Tạ bào chữa cho bà, bất chấp việc ông đã liên tục đàm phán với họ, điều khiến ông mô tả là “sự lạm dụng quyền lực trắng trợn.”
“Họ sợ mọi người nói ra sự thật,” ông Tạ nói trong cuộc phỏng vấn hôm 24/08 với The Epoch Times.
Ông gọi các cáo buộc này là “bịa đặt.” Ông nói, bất kể là tín ngưỡng của những người bị giam giữ là gì, thì việc công dân chụp những bức ảnh liên quan đến đợt bùng phát [dịch bệnh] kinh hoàng và đưa chúng lên mạng là nằm “trong ranh giới pháp lý.”
Trung Cộng kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến đại dịch trong nỗ lực ngăn chặn mọi tin tức gây bất lợi cho họ, chẳng hạn như số liệu chính xác về số người thiệt mạng, những ảnh hưởng do các chính sách phong tỏa chặt chẽ của họ, cũng như thông tin về các hoạt động của phòng thí nghiệm Vũ Hán vốn là tâm điểm của lý thuyết về nguồn gốc virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Những công dân Trung Quốc đã tìm cách chuyển tiếp thông tin liên quan đến đại dịch chưa qua kiểm duyệt kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở miền trung Trung Quốc hồi cuối năm 2019 đang phải đối mặt với sự trừng phạt.
Ông Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi ở Vũ Hán, đã cảnh báo các đồng nghiệp của mình về các trường hợp mắc bệnh “giống SARS” trên một ứng dụng mạng xã hội hồi tháng 12/2019, trong khi giới chức trách gọi căn bệnh này là “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân.” Ông đã bị cảnh sát khiển trách và sau đó đã qua đời vì loại virus này.
Nhà báo công dân Trương Triển (Zhang Zhan) hiện đang thụ án bốn năm sau khi đưa tin về dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán. Cân nặng của cô đã giảm xuống dưới 90 pound (hơn 40 kg) do tuyệt thực trong thời gian dài để phản đối.
Ông Tạ nói, “Chính quyền có trách nhiệm bảo vệ người dân của mình. Nếu các vị, với tư cách là chính quyền, không tiết lộ đủ thông tin để đáp ứng nhu cầu của công chúng, thì cớ gì các vị có thể cấm đoán những công dân này thu thập và chia sẻ thông tin đó để bảo vệ chính họ chứ?”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times, chuyên đưa tin về Mỹ-Trung, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Bản tin có sự đóng góp của Yi Ru
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: