Nhìn nhận đúng đắn về bản chất và mục đích của việc vui chơi
Có một câu chuyện cổ mà người ta vẫn kể lại hàng trăm lần, từ nhà văn Anatole France (Pháp) đến nhà văn Tomie dePaola (Mỹ), về một ông già biểu diễn màn tung hứng cuối cùng trước tượng Đức mẹ Đồng trinh Mary và Chúa Hài Đồng trong một nhà thờ tối tăm.
Cảnh tượng những quả bóng sặc sỡ bay trên không trung đầy vui nhộn là một món quà của niềm vui dành tặng cho thiên đường, và cho người được ban phước lành bởi phép màu kỳ diệu, vì theo như câu chuyện, khi chú hề ngã xuống sàn và qua đời, Chúa Hài Đồng đã bắt lấy quả bóng cuối cùng đang rơi xuống.
Gã hề đang phải đối mặt với cái chết ấy không thể cho đi điều gì ngoài tính bông đùa đầy vui tươi của ông ta. Sau tất cả, cuộc chạy đua của loài người thật vô nghĩa; nhưng vui chơi mang bản chất sâu sắc của sự thuần khiết. Những thứ cũ kỹ, già nua trở nên mới mẻ dưới sức mạnh của việc vui chơi – một vũ khí đầy quyền năng của thanh niên và người già để được làm trẻ con một lần nữa. Chẳng có mấy bài học trong cuộc sống mà chúng ta coi trọng như những bài học về sự vui chơi – để tạo ra những điều sáng tạo, để thể hiện tốt trên sân khấu cuộc đời và để học hỏi. Và vì thế, sự hân hoan trước những điều vô hình và hữu hình đều đóng vai trò trong cuộc hành trình của mỗi linh hồn.
Những ngôi trường vui chơi
Nếu giáo dục cần phải giảng dạy điều gì cho trẻ em, thì đó chính là vui chơi. Một nền giáo dục thực chất sẽ biết cách giúp các em vận dụng trí tưởng tượng vào các hoạt động và sự sáng tạo, vào sự kết nối và niềm vui, và vào sự vui chơi bằng cách biến mọi thứ trở nên mới mẻ, tươi vui. Vì theo cách nhìn này thì điều đó là thế này, nhưng theo góc nhìn khác thì những thứ đó lại là thế khác.
Cha mẹ và giáo viên sẽ dạy dỗ và đào tạo con cái và học sinh của mình khi chơi với chúng. Họ sẽ dạy dỗ thông qua niềm vui và hướng đến niềm vui. Họ sẽ tái sinh khi họ giải trí. Không có những cuộc vui chơi tẻ nhạt, và cũng không có nền giáo dục nào là nhàm chán. Thực tế, thuật ngữ gốc Hy Lạp của từ “trường học” nghĩa là một điều gì đó như vui chơi và giải trí. Nhưng chúng ta đã giữ một quan niệm bền vững rằng trường học là nơi học tập và làm việc, chứ không phải chơi đùa.
Về định nghĩa của từ “vui chơi”, cách nghĩ khác biệt của cậu bé Tom Sawyer (trong tác phẩm ‘Những cuộc phưu lưu của Tom Sawyer’ của nhà văn Mark Twain) sẽ có sức nặng mạnh mẽ: “Làm việc bao gồm những hoạt động mà một người bắt buộc phải làm… nhưng vui chơi là những gì một cá nhân không bắt buộc phải thực hiện.” Nó là như vậy đó. Vui chơi không phải là tham gia vào những hoạt động mà người ta thường coi là làm việc. Mặc dù, chúng ta có thể nói rằng rất nhiều trò chơi đòi hỏi phải động não và lao tâm khổ tứ, nhưng nó không phải gánh nặng hay sự lười biếng. Người ta vui chơi vì bản thân nó có lợi, như một hành động mang vẻ đẹp chân, thiện, mỹ. Con người vui chơi bởi vì đó là điều tuyệt diệu nên làm, và tất cả trẻ em – thậm chí là những loài động vật – đơn giản là sinh ra đã mang sẵn trong mình ước muốn vui chơi.
Nhưng nếu vui chơi có yếu tố nào bắt buộc, thì nó chính là một cặp với sự kinh ngạc. Khi vui chơi và sự kinh ngạc song hành cùng nhau, chúng ta chiêm ngưỡng và tận hưởng vẻ đẹp của vạn vật với niềm vui và sự diệu kỳ. Vui chơi giúp thực hành trí tưởng tượng để tái sinh điều tốt lành trong vạn vật theo một cách đơn giản, để một ngày nào đó chia sẻ và lan tỏa lòng tốt theo một cách rộng lớn hơn.
Vui chơi là khởi đầu và kết thúc của tri thức và hiểu biết, vì nó khiến sự thật và chân lý trở nên gần gũi trước khi trẻ em nhận thức đầy đủ được điều đó, và ngay cả sau khi chúng hiểu ra. Sự hứng khởi mang trẻ em ra thế giới, giúp chúng tiếp cận với cách thế giới vận hành. Và sự hứng khởi ấy sẽ tiếp tục có sức mạnh khi thế giới xoay quanh chân, thiện, mỹ. Vui chơi trang bị cho trẻ em biết nghiêm túc gắn kết, và nỗ lực này sẽ quay trở lại thôi thúc con người biết vui chơi khi họ về già.
Vì vậy, những người trưởng thành khôn ngoan sẽ vui chơi với cùng lý do mà trẻ em vui chơi: để đắm mình trong niềm vui của chân, thiện, mỹ. Khi làm như vậy, họ sẽ nắm bắt được khoảnh khắc hay tia sáng vụt lóe lên của sự vĩnh cửu trong chốc lát. Đây là trò chơi trốn tìm tuyệt vời giữa con người và sự thật; và sự tác động qua lại này là điều cốt lõi của lực hướng tâm (centripetal) hoặc (một cách chơi chữ) lực “theotripetal” (đưa con người đi xoay quanh trọng tâm, hướng vào nội tâm) vốn tồn tại trong mỗi người.
Dù là trẻ sơ sinh hay người già, những người thích vui chơi đều hạnh phúc, và đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mà tất cả mọi người nên theo đuổi và nỗ lực hướng đến mỗi ngày. Hạnh phúc cũng giống như một điều thánh khiết, và giữ cho những quả bóng bay lượn trong không trung là biểu tượng cho một cuộc đời chân phúc.
Rào cản của việc vui chơi
Đáng buồn là, trẻ em ngày nay đã đánh mất khả năng vui chơi; đây là một phần của cuộc khủng hoảng giáo dục trong hiện tại. Nếu có thời gian rảnh, những đứa trẻ thường không biết nên làm gì, chúng quá quen thuộc với những trò giải trí điện tử liên tiếp và những thứ làm chúng phân tâm. Cảm xúc, tính cách và tư tưởng không thể nào phát triển và hình thành từ sự thụ động.
Trước những trải nghiệm về chân thiện mỹ, những thanh thiếu niên ích kỷ sẽ không mấy hứng thú với niềm hứng khởi và sự vui chơi. Chúng được nuôi dạy và giáo dục một điều ảo tưởng rằng ngoài kia không có thứ gì hấp dẫn hơn bản thân chúng – một nguyên tắc đối nghịch với sự vui chơi. Vui chơi không liên quan đến tư tưởng lấy mình làm trung tâm, mà là một hoạt động tham gia với người khác dù là trên thực tế hay trong trí tưởng tượng, dù cảm thấy hay không cảm giác được, dù là vô hình hay hữu hình.
Bên cạnh những chướng ngại về tâm lý và quan niệm ích kỷ này, áp lực từ một xã hội thực dụng không hoan nghênh việc vui chơi hồn nhiên. Tất cả chúng ta đã quen với những đồ chơi có tính thực tiễn, dạy về các con số, màu sắc hoặc địa lý v.v., nhưng liệu chúng có giáo dục đúng cách không?
Như lời nhận xét nổi tiếng của John Keats, chúng ta ghét những vần thơ quá rõ ràng và dễ đoán, và điều tương tự cũng áp dụng với đồ chơi. Đồ chơi dạy học mang mục đích thực dụng và rõ ràng không phải là thú vui; vui chơi tự do và giáo dục phải đi đôi với nhau.
Trẻ em phải học cách vui chơi trở lại, và đó nên là một phần của mục tiêu trong giáo dục và tuổi thơ ở kỷ nguyên hiện đại; khi mà con người muốn tiêu khiển bản thân cho đến chết, mượn cách nói của Neil Postman thì là như vậy.
Xã hội chúng ta cần khôi phục lại quá trình phát triển tự nhiên từ những hứng khởi thuần khiết ban đầu cho đến những niềm vui quen thuộc, như các giai đoạn của thế giới mà Shakespeare đề cập: từ đứa trẻ sơ sinh cho đến những đứa trẻ “thứ hai” và rồi trở thành những người đãng trí đơn thuần, “không có răng, không có mắt, không có vị giác, không có mọi thứ.” Giáo dục bắt đầu bằng những chiếc răng, bằng đôi mắt, bằng hương vị, bằng mọi thứ — vui chơi là khuynh hướng dẫn đến sự hiểu biết và thành thục, dẫn đến nỗ lực làm việc, và thông qua đó, tiếp tục vui chơi là để thỏa thích khám phá với những điều bí ẩn hơn là trở thành bậc thầy về mọi thứ đã học.
Sân sau, lớp học, nhà thờ, sân vận động, bàn ăn, văn phòng: tất cả đều là những sân chơi thú vị trong cùng một trò chơi cứu rỗi vĩ đại của Thượng Đế. Cả thế giới gói gọn trong một quả bóng, một món đồ chơi được nâng niu, một món đồ chơi thân yêu.
Bí mật của việc vui chơi thực thụ
Sách Trí Tuệ trong Kinh Thánh đề cập một cách khéo léo rằng Trí Tuệ ở cùng với Chúa từ khi sơ khởi, trong sự hiện diện của ngài và trong sự sáng thế của ngài – một suy nghĩ và sự liên tưởng rất đáng mến. Và một điều rất phù hợp với châm ngôn của Plato là niềm vui và sự kinh ngạc là khởi đầu của trí tuệ. Con người được thôi thúc và chỉ dẫn để vui chơi trước vũ trụ, giống như gã hề tung hứng đã làm trong câu chuyện trên.
Vui chơi và tinh thần vui chơi không thể bị chối bỏ như một điều ngốc nghếch, mà nên được xem là trí tuệ, là mục đích cao cả nhất của giáo dục. Đức hạnh không được hình thành từ sự ép buộc và áp lực bên ngoài, mà bằng những năng lực và phẩm chất bên trong. Giáo dục nên nhắm đến mục tiêu vì sự hình thành đức hạnh này; kỹ năng vui chơi sẽ trang bị và nuôi dưỡng cho trẻ em sự hân hoan trước những giá trị chân, thiện, mỹ. Điều này hợp nhất công việc và vui chơi vào tầm nhìn của trí tuệ.
Dĩ nhiên, kỹ năng vui chơi sẽ mai một đến một mức độ nào đó khi đứa trẻ đến một độ tuổi nhất định; có lẽ đó là thời điểm đánh dấu ranh giới của tuổi thơ, khi vui chơi trở nên ít quan trọng hơn trong cuộc sống một người và những công việc thực dụng chiếm ưu thế, nhưng vui chơi chắc chắn sẽ không bao giờ biến mất. Nó có thể tái xuất trong một khoảnh khắc, và người lớn thường ngạc nhiên trước những bài học thú vị mà những giáo viên nhỏ bé dưới chân họ mang lại.
Chúng ta quan sát và học hỏi ngay cả khi những đứa trẻ đang giả vờ chết, bắt chước chú hề qua đời khi đang chơi tung hứng, và chứng kiến những đứa trẻ giả vờ chết thì vẫn tốt đẹp hơn là chúng ta thực sự chết. Chúng ta không giỏi với cái chết – và chúng ta cũng không giỏi ngủ, hát hay vui chơi. Nhưng những đứa trẻ của chúng ta có thể ngủ, hát và vui chơi theo một cách thuần khiết và đẹp đẽ. Những hành động ngốc nghếch của chúng là những phẩm chất hoàn hảo, biến ngay cả cái chết cũng trở thành một điều góp mặt cho một thế giới hoàn hảo. Vì bất kỳ trò chơi tốt đẹp nào được chơi đúng cách đều mang lại niềm vui của sự hoàn hảo khi hoàn thành, do đó, một cuộc đời biết sống tốt đẹp cũng sẽ đem đến hạnh phúc tương tự khi nó kết thúc. Đây là bí mật sâu sắc của việc thực sự vui chơi và vui chơi một cách chân chính.
Sean Fitzpatrick là giảng viên của Gregory the Great Academy, một trường nội trú ở Elmhurst, Pa., Tại đây, ông dạy các môn khoa học nhân văn. Các bài viết của ông về giáo dục, văn học và văn hóa đã được xuất bản trên một số tạp chí bao gồm Crisis Magazine, Catholic Exchange, và Imaginative Conservative.
Sean Fitzpatrick
Thiên An biên dịch
Xem thêm: