Nhìn lại năm 2021, Phần 3: Ý nghĩa cuộc đời tôi là gì?
Tại sao lại có sự tồn tại? Đây là câu hỏi tâm linh đầu tiên chúng ta hỏi (trong Phần 2 của loạt bài này). Câu trả lời: bởi vì sự sáng tạo — vũ trụ này — là tốt lành, rất tốt lành, và sự hồi đáp với sự sáng tạo là niềm vui. Nhưng có hai câu hỏi tâm linh khác mà chúng ta cũng cần xem xét. Câu hỏi đầu tiên sẽ được thảo luận ở đây trong Phần 3 này, câu hỏi này rất nổi tiếng đối với bất kỳ ai đã từng thực hiện một khóa học phát triển bản thân nghiêm túc. Đó chính là: Ý nghĩa (hoặc đôi khi người ta dùng từ “mục đích”) cuộc đời tôi là gì? Đây là câu hỏi rất thẳng thắn!
Có một câu chuyện giả tưởng về triết gia người Anh nổi tiếng thế giới tên là Bertrand Russell, ông đã xuất hiện trên truyền hình với tư cách là một nhà thông thái đa năng và được công nhận bởi một tài xế taxi ở London, người mà ông đã vẫy để đi quá giang. Khi lên taxi, người tài xế hỏi rất đơn giản: “Tất cả chuyện này có nghĩa gì vậy, Bert?”
Câu chuyện rất hài hước, không chỉ theo cách người tài xế nói với ông Russell một cách quá đỗi quen thuộc, nhưng điều quan trọng là câu hỏi ấy, câu hỏi “ý nghĩa cuộc đời tôi là gì?” không phải là thứ dành riêng cho các học giả và triết gia. Tất cả những người sâu sắc đều xem xét nó vào lúc này hay lúc khác; trên thực tế, đó thường là khi trong tình cảnh khó khăn và khi cuộc sống không còn ý nghĩa.
Thật vậy, trước đây rất lâu, nhưng sau Đệ nhị Thế chiến, nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần người Áo và người sống sót sau thảm họa tàn sát người Do Thái (Holocaust) Victor Frankl đã nhận xét: “Ngày càng nhiều bệnh nhân tập trung vào các phòng khám và phòng tư vấn của chúng tôi để phàn nàn về sự trống rỗng trong nội tâm, cảm giác hoàn toàn vô nghĩa trong cuộc đời của họ,” như ông Colin Wilson trích dẫn trong cuốn sách “Bản chất Colin Wilson” (The Essential Colin Wilson).
Ông Wilson viết, “Tôi đã đặt ra thuật ngữ ‘chứng loạn thần kinh hư vô’ để mô tả trạng thái này.”
“Nhân loại tiến hóa thông qua cảm giác về ý nghĩa bên ngoài. Khi ý thức về ý nghĩa của họ mạnh mẽ, họ duy trì được tinh thần và sức khỏe nói chung ở mức độ cao. Khi không có ý thức bên ngoài này, họ trở thành nạn nhân của những cảm xúc chủ quan, một loại giấc mơ có xu hướng suy thoái thành ác mộng. Những tưởng tượng và lo lắng không được kiểm soát của họ biến thành con bạch tuộc siết nghẹt vào cổ họ.”
Căn bệnh lớn nhất trong Tất cả
Nhưng sự siết nghẹt này trông như thế nào? Trông như là sự gia tăng của tỷ lệ trầm cảm, rối loạn, tự vẫn như ông Nathan Mascaro và ông David H. Rosen đã nêu ra trong bài viết “Vai trò của Ý nghĩa Hiện sinh trong việc nâng cao Hy vọng và Ngăn ngừa các Triệu chứng Trầm cảm.” Nghiên cứu của họ từ Đại học Texas đưa ra khuynh hướng chung như thế này:
“Một hiện tượng có thể là tồn tại song song với mức độ gia tăng của tỷ lệ trầm cảm và tuyệt vọng là sự mất đi ý nghĩa của sự tồn tại, gọi là chứng loạn thần kinh hiện sinh. Điều này có thể được xem là sự rối loạn của thời đại chúng ta: Hãy xem xét sự sụp đổ của tư tưởng duy tâm thường là do tôn giáo, triết học siêu hình, và những hoạt động khác kiểu như vậy ràng buộc con người vào các tư duy theo [phương pháp] hướng dọc hoặc siêu việt, các hoạt động canh tác và gặt hái truyền thống của thế giới cũ từng đem lại cho con người mục đích cụ thể cũng giúp kết nối sâu sắc hơn với thiên nhiên đang chết dần chết mòn, và bên cạnh đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa rút gọn, và chủ nghĩa hư vô.”
Hầu như tất cả các số liệu thống kê mà người ta có thể đưa ra ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh — trong 20 năm qua hoặc hơn — đều chỉ ra sự gia tăng lớn về trầm cảm, tự vẫn, và chứng rối loạn (anomie). Theo từ điển, chứng rối loạn đề cập đến việc “thiếu các tiêu chuẩn xã hội hoặc đạo đức thông thường trong một người hoặc một nhóm người.”
Và người ta có thể mong đợi điều gì từ những người mắc chứng rối loạn? Đúng! Sự gia tăng các hành vi ích kỷ và/hoặc tội phạm — tất cả đều thể hiện quá rõ ràng, và ở xung quanh chúng ta.
Nhà phân tâm học người Mỹ James Hollis đã diễn tả điều này rất hay: “Khi chúng ta sống không có ý nghĩa, chúng ta mắc phải căn bệnh lớn nhất trong tất cả các căn bệnh.”
Trong tìm kiếm, chúng ta tìm thấy
Và sự thật là, không có lý do thực sự nào để mọi người tin rằng cuộc sống là vô nghĩa, vì có quá nhiều bằng chứng cho điều ngược lại; tất nhiên, hãy ghi nhớ, như triết gia người Anh Aldous Huxley đã lưu ý, rằng “Những người không tìm ra ý nghĩa trong thế giới này nói chung thường tin như vậy bởi vì, vì lý do này hay lý do khác, niềm tin đó phù hợp với các cuốn sách của họ rằng thế giới này nên là vô nghĩa.”
Sau đó, nếu gạt sang một bên những thứ đó, những thứ quyền lợi bất di bất dịch của việc thúc đẩy sự vô nghĩa và chủ nghĩa hư vô, thì người tìm kiếm con người chân chính sẽ tìm thấy rằng “Vũ trụ vốn dĩ không thiếu ý nghĩa. Nếu vũ trụ có vẻ như vô nghĩa, đó là bởi vì chúng ta được tạo ra để có nhận thức về ý nghĩa và đang không làm được việc của mình.” Đây là niềm tin của triết gia người Mỹ Richard Smoley, người đã viết điều đó trong cuốn sách “Cơ đốc giáo trong Tâm”.
Nói cách khác, chúng ta cần cố gắng nhiều hơn nữa. Chúng ta cần phải nhìn, phải tìm kiếm, bởi vì như câu chuyện ngụ ngôn cổ đã nói, rồi chúng ta sẽ tìm thấy.
Về việc chúng ta sẽ tìm thấy nếu chúng ta thành thật tìm kiếm, học giả và tiểu thuyết gia người Anh CS Lewis bảo đảm với chúng ta: “Nếu toàn bộ vũ trụ không có ý nghĩa, chúng ta có lẽ đã không bao giờ phát hiện ra rằng nó không có ý nghĩa: giống như, nếu không có ánh sáng trong vũ trụ và do đó sẽ không nhìn thấy được tạo vật nào, chúng ta sẽ không bao giờ biết trời đã tối. Bóng tối là vô nghĩa.”
Đây chắc chắn là một quan sát tuyệt vời nhất. Chúng ta chỉ có thể nói rằng chẳng có ý nghĩa nào từ một điểm [xuất phát] có lợi thế về ý nghĩa cả; sự vô nghĩa không thể cung cấp một cấu trúc hoặc cơ sở mà từ đó chúng ta có thể chất vấn ý nghĩa.
Ý nghĩa căn bản
Một lần nữa, chính những truyền thống tâm linh vĩ đại đã liên tục đề cao vai trò cốt lõi của ý nghĩa. Ngay cả những người ngoại đạo đã nhìn thấy điều này. Toàn bộ điểm chính trong cuộc chiến của Thần Zeus với các Thần nguyên thủy (Titans) và sau đó là những Người khổng lồ là duy trì trật tự — ý nghĩa — của vũ trụ. Nếu Typhon thắng Thần Zeus, vũ trụ sẽ rơi vào hỗn loạn, đó là sự vô nghĩa.
Tương tự, và ngoạn mục hơn, phần mở đầu Phúc âm của Thánh John làm chứng cho Ngôi Lời:
“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.”
Từ “Ngôi lời” (“Word”) ở đây là “Thánh linh của thiên chúa” (“Logos”), vừa có nghĩa là “từ ngữ” nhưng cũng đồng thời là “ý nghĩa”. Một cách diễn giải có thể là:
Ban đầu có ý nghĩa, ý nghĩa ở cùng Đức Chúa Trời, và ý nghĩa là Đức Chúa Trời!
Cuối cùng, phương trình xa hơn giữa từ ngữ và ý nghĩa được đưa ra khi ông George Steiner, nhà phê bình người Mỹ gốc Pháp nổi tiếng, thường được mô tả là một người đa ngôn và đa nghĩa, nhận xét trong cuốn sách “Sự hiện diện thực tế” của ông rằng “Bất kỳ sự hiểu biết chặt chẽ nào về ngôn ngữ là gì và ngôn ngữ thể hiện như thế nào, rằng bất kỳ lời giải thích mạch lạc nào về khả năng đưa ra truyền đạt về ý nghĩa và cảm giác của lời nói con người là, trong bản phân tích cuối cùng, được viết bởi giả định về sự hiện diện của Đấng Sáng Thế”
Nếu chúng ta không thích từ này, hay từ Chúa, thì chúng ta có thể nói Thực tại Siêu việt— một điều gì đó lớn lao hơn chúng ta, một điều gì đó hoặc một ai đó mà tất cả thực tại, kể cả vũ trụ, đều phụ thuộc vào. Điều này, rõ ràng, hoàn toàn trái ngược với sự vô nghĩa và chủ nghĩa hư vô.
Vì vậy, không có gì hay ho khi nhún vai như thể phớt lờ câu hỏi là cách tiếp cận hợp lý nhất, như nhiều người vẫn làm—lời biện minh của họ là: Chúng ta không biết ý nghĩa cuộc sống của mình, vì vậy chẳng ích gì khi phải nỗ lực cả.
Cuối cùng, làm như thế chỉ có thể dẫn đến những vấn đề mà chúng tôi đã nêu ở trên, đó là “căn bệnh lớn nhất trong tất cả các căn bệnh”. Không, chúng ta phải tìm kiếm và như vậy chúng ta mới có thể tìm thấy; nói cách khác đây là hành trình phiêu lưu của cuộc đời chúng ta.
Tại sao tác phẩm “Odyssey” của Homer lại trở thành nguyên mẫu cho nhân loại phương Tây (và cả phương Đông nữa)? Hành trình của Odysseus là tất cả cuộc hành trình của chúng ta.
Một mặt, đó là hành trình về quê hương của người anh hùng — cuối cùng sau 20 năm xa cách, tìm thấy nhà của mình sau tất cả những con đường quanh co gây sao lãng, những con quỷ, và những mê hoặc gây mất tập trung. Và mặt khác, về mặt thần thoại, đó là sự đoàn tụ của nam (dương) và nữ (âm), có thể hiểu theo nghĩa đen nhưng cũng có thể hiểu là cơ thể và tâm trí cuối cùng đoàn tụ với linh hồn, vì Penelope được xem là phần âm [tương trợ] cho phần dương của Odysseus.
Vẻ đẹp đằng sau Ý nghĩa
Chúng ta phải trở thành nam anh hùng, hoặc nữ anh hùng, chúng ta phải đi trên một cuộc hành trình, vì dừng lại nơi hiện nay của chúng ta là công thức cho cái chết và sự suy tàn. Trong một bài báo như thế này, nhất thiết phải ngắn gọn, chúng ta phải hiểu (ý tôi là thực sự hiểu) là điều đơn giản luôn luôn đúng mọi lúc. Nhà nhân chủng học nổi tiếng Claude Levi-Strauss đã nói như vậy trong cuốn sách “Thần thoại và Ý nghĩa” của mình: “Tôi nghĩ, hoàn toàn không thể nhận thức về ý nghĩa mà không có trật tự.”
Trật tự ở xung quanh chúng ta, trật tự đứng sau mọi ngôn ngữ, và trật tự là nguyên tắc sắp xếp và tổ chức của vũ trụ. Con người có thể phá vỡ trật tự này thông qua cái ác của chính họ ở cấp cá nhân, địa phương, khu vực, quốc gia, và thậm chí quốc tế, nhưng vũ trụ luôn trở lại trạng thái cân bằng. “Trật tự” này giống với Thánh linh (Logos) mà Phúc âm của Thánh John đã đề cập. Nhưng bằng cách nhấn mạnh từ “trật tự”, thì có một hàm ý quan trọng và mở rộng. Nói một cách cụ thể, trật tự luôn tạo ra cái đẹp; quả thực, đó là cái đẹp.
Các nhà khoa học trở nên say mê về cái đẹp của các phương trình nhất định; các nghệ sĩ miêu tả trữ tình về cái đẹp của điêu khắc, vải, và nhiều thứ khác bên cạnh đó; và “các tầng trời tuyên bố về công việc của Đức Chúa Trời,” như Thánh thi 19.1 đã tuyên giảng.
Người Anh nổi tiếng với khả năng xếp hàng dài và chịu đựng để có các dịch vụ, bất kỳ dịch vụ nào! Đó có thể không phải là nghệ thuật tuyệt vời, nhưng con người hoạt động một cách có trình tự có vẻ đẹp riêng của nó. Tích cực tìm kiếm cái đẹp, và để gia tăng sự tốt lành trong cuộc sống của chính mình, là một điểm khởi đầu cho việc tìm kiếm ý nghĩa.
Có lẽ rõ ràng hơn, những lời của nhà tâm lý học lâm sàng Jordan B. Peterson trong cuốn sách “12 quy tắc cho cuộc sống” của ông có thể rất đúng ở đây: “Ở phương Tây, chúng ta đã rút lui khỏi truyền thống, tôn giáo- và thậm chí cả các nền văn hóa lấy quốc gia làm trung tâm, một phần để giảm nguy cơ xung đột nhóm. Nhưng chúng ta đang ngày càng trở thành con mồi cho sự tuyệt vọng của vô nghĩa, và điều đó chẳng có chút nào là tiến bộ cả.”
Chúng ta phải quay trở lại ba lĩnh vực này (truyền thống, tôn giáo, quốc gia), thay vì cố gắng trở nên hiện đại và cấp tiến, hay xem ba lĩnh vực này như một dạng lỗi thời nào đó. Sức khỏe tinh thần của chúng ta, chưa kể đến tâm hồn của chúng ta, thực sự phụ thuộc vào nó.
Trong bài viết thứ tư và cũng là bài cuối cùng của loạt bài này, chúng ta sẽ giải quyết câu hỏi tâm linh quan trọng cuối cùng mà tất cả những người mong muốn có một cuộc sống trọn vẹn, viên mãn và vui vẻ (tất nhiên sẽ không bao giờ có xung đột) phải giải quyết.
Phần 1/4, “Nhìn lại năm 2021 trong Tháng của Thần Janus: Từ bỏ mục đích sống vì cảm xúc của chúng ta,” xem xét cách chúng ta có xu hướng nhìn vào trạng thái thể chất và cảm xúc hơn là tâm linh của chúng ta.
Phần 2/4, “Tầm quan trọng của câu hỏi: Tại sao chúng ta tồn tại?” thảo luận rằng nếu chúng ta thực sự suy ngẫm về câu hỏi này, chúng ta nhận ra rằng bản thân sự sáng tạo rõ ràng là tốt lành.
Phần 4/4: Đặt câu hỏi tế nhị về ‘’Làm thế nào?’
Ông James Sale đã có hơn 50 cuốn sách được xuất bản, gần đây nhất là cuốn “Mapping Motivation for Top Performing Teams” (Routledge, 2021). Ông đã được đề cử cho Giải thưởng Pushcart thơ 2022, giành giải nhất trong cuộc thi thường niên của Hội các nhà thơ cổ điển 2017, trình diễn tại New York vào năm 2019. Tập thơ gần đây nhất của ông là “HellWard”. Để biết thêm thông tin về tác giả và về dự án Dante của ông, hãy truy cập EnglishCantos.home.blog
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: