Nhìn lại năm 2021, Phần 2: Tầm quan trọng của câu hỏi: Tại sao chúng ta tồn tại?
Thay vì tập trung vào tập thể dục hoặc ăn kiêng để gia tăng sức khỏe, đành rằng điều đó là quan trọng, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bắt đầu từ điều quan trọng nhất và chú trọng vào sức khỏe tinh thần của mình. Điều đó sẽ như thế nào nhỉ?
Trong phần 1 của bài viết này, chúng ta thảo luận những bài đăng về kinh doanh trên LinkedIn vào năm 2021 đã trở nên mang tính cá nhân hơn nhiều, và đặc biệt liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, và cách mọi người thay vì chú trọng vào tâm linh — cấp độ cao nhất về bản chất — thì họ lại đang tìm cách giải quyết vấn đề ở cấp độ thấp hơn, tức là tập trung vào thể chất. Bốn cấp độ của con người là thể chất — hành động (cơ thể), cảm xúc — cảm giác (cảm quan), tinh thần — suy nghĩ (tâm trí), và tâm linh — nhận biết/hiện hữu (tinh thần).
Có ba câu hỏi chính mà người có ý thức về tâm linh luôn cố gắng tìm đáp án. Và rõ ràng hơn, để trả lời những câu hỏi này, hoặc cố gắng trả lời, người ta có thể tìm đến một tôn giáo cụ thể mà họ cảm thấy được thuyết phục và tin tưởng, nhưng những câu hỏi về tâm linh vẫn nằm lại trong nội tâm của họ cho dù họ có ý thức về chúng hay không.
Một câu hỏi chính về tâm linh
Nhưng những câu hỏi nền tảng cho những trải nghiệm tâm linh là gì? Đầu tiên, những người [có ý thức về phương diện] tâm linh tự hỏi điều này: Tại sao lại có ‘sự tồn tại’? Và, tất nhiên, sau khi hỏi câu hỏi này, chúng ta ngay lập tức nhận ra rằng hầu hết không ai muốn hỏi câu hỏi này. Câu hỏi đó dường như không thể trả lời; quả thật, xét từ góc độ logic thì không thể nào trả lời được.
Những người tự phụ nhất — các nhà khoa học — thích tỏ vẻ rằng họ có câu trả lời cho câu hỏi này. Nhưng đôi khi họ thích lùi về một phần triệu giây (hoặc ít hơn!) sau Vụ nổ lớn (Big Bang) và gợi ý về những gì đang xảy ra sau đó. (Rõ ràng, là ở đó rất nóng rồi!) Nhưng kiểu lý luận đó không bao giờ lý giải được tại sao Vụ nổ lớn lại xảy ra.
Kiểu tiếp cận quá mức này của hầu hết các nhà khoa học đã được giáo sư Brian Josephson, nhà vật lý đoạt giải Nobel, mô tả kỹ càng trong cuốn “Tìm kiếm Tử Thần” của ông Jeffrey Iverson: “Khi một nhà khoa học nói rằng chúng tôi hiểu cách bộ não hoạt động, hoặc cách một người đã tồn tại thông qua chọn lọc tự nhiên là như thế nào, thì đây là những phép ngoại suy quá đáng”. Vâng, quá đáng! Vậy thì phép ngoại suy sẽ còn quá đáng hơn biết bao nhiêu khi họ cố gắng giải thích ‘sự tồn tại’.
Tất nhiên, chúng ta đến với điều bí ẩn. Những gì trong thời hiện đại, khoa học đời sống mà chúng ta ít thích thú nhất là những điều không thể giải thích được, những điều mơ hồ, những điều tuyệt vời. Và cách duy nhất chúng ta có thể tiếp cận phương diện bí ẩn của ‘sự tồn tại’… là thông qua thơ ca và thần thoại. Mối liên hệ giữa hai thể loại [văn hóa] này rất rõ ràng, vì như triết gia người Mỹ Allan Bloom đã nhận xét, “các thi sĩ tạo ra các thần thoại.” Ông tiếp tục chia sẻ, “Con người và xã hội cần thần thoại, chứ không phải khoa học, để tồn tại.”
Thật là một tuyên bố đáng kinh ngạc: Chúng ta cần thần thoại, chứ không phải khoa học. Chúng ta đã trở nên quá đỗi phụ thuộc vào khoa học (và sản phẩm của nó, công nghệ) và bị mê hoặc đến nỗi chúng ta gần như không thấy khoa học thực sự gây mệt mỏi như thế nào. Một ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng COVID hiện tại, trong đó tất cả các quyền và tự do của chúng ta bằng cách nào đó bị chối bỏ bởi vì các nhà khoa học xử lý dữ liệu và rồi sau đó họ chỉ thông báo cho chúng ta biết, còn các chính phủ thì nói chúng ta có thể và không thể làm gì.
Thi sĩ và nhà phê bình văn học người Philippines José Garcia Villa, như được viết trong tác phẩm “Thơ ca Là”, đã nhận xét rằng “Thơ ca tồn tại trong thời gian trừu tượng. Thơ ca tự biến đổi thành hiện tại tiếp diễn và vĩnh viễn – với một đời sống đầy huyền thoại đến độ trở thành phổ quát, với một đời sống để thơ ca luôn là đúng vào bất kỳ thời gian nào. Đó là điều người Hy Lạp gọi là ‘kairos’ – thời gian trong tâm của nhân loại.”
Thơ ca và Thần thoại
Do đó, thơ ca và thần thoại vẫn luôn biểu đạt vượt thời gian bởi vì chúng trực tiếp trò chuyện với tâm hồn chúng ta thông qua hình ảnh. Rồi khi chúng ta hỏi, tại sao lại có ‘sự tồn tại’, chỉ có thơ ca và thần thoại mới có thể đưa ra câu trả lời thỏa mãn chúng ta. Thật vậy, sức hấp dẫn sâu sắc nhất đến từ những câu trả lời giàu trí tưởng tượng nhất cho câu hỏi này.
Trong một câu chuyện thần thoại cổ xưa của Ai Cập, không có gì tồn tại ngoài những vùng nước sâu và tối mịt mù của Nun, trên đó nổi lên một quả trứng hoàn hảo, không thể giải thích được, [quả trứng] nứt ra hé lộ Atum, Atum đã tạo ra chính mình, và từ đó tỏa sáng như mặt trời để thắp sáng thế giới mới sinh của vị ấy. Hãy lưu ý ở đây cách thần thoại gần như phá vỡ những mâu thuẫn của chính nó: Cụm từ “không thể giải thích được” cho chúng ta biết là chúng ta không thể biết được. Tuy nhiên, Atum đã tạo ra chính mình, vậy nên một số ý chí thần thánh tự đưa mình vào ‘sự tồn tại’.
Theo Hesiod, trong thần thoại Hy Lạp, ban đầu có bốn lực lượng: Chaos (Hỗn mang), Gaia (Trái đất), Tartaros (Âm phủ) và Eros (Tình yêu). Đây là những lực lượng nguyên thủy mà sự ra đời của các lực lượng này đã dẫn đến việc tạo ra mọi thứ, bao gồm cả các vị thần và người.
Trừu tượng hơn, trong “Đạo Đức Kinh” có:
Đạo sinh ra chân nguyên Nhất thể,
Nhất thể sinh nhị khí Âm Dương.
Âm Dương biến hóa khôn lường,
Sinh, Thần, khí, chất rõ ràng bộ ba.
Bộ ba ấy sinh ra vạn vật,
“Đạo sinh Nhất. Nhất sinh Nhị. Nhị sinh tam. Tam sinh ra vạn vật”. Hay nói một cách đơn giản hơn thì vẫn là: “Đạo giáo giảng rằng ‘vạn vật hợp nhất đã sinh thành [sự tồn tại].” Bằng sự hợp nhất – bằng và thông qua Nhất, tạo nên sự hợp nhất.
Trong những truyền thuyết tuyệt vời này, chúng ta thấy được trí tưởng tượng của thơ ca đưa ra một điều gì đó đơn giản hơn nhiều vào buổi sơ khởi, nhưng từ đó mới xuất hiện sự phồn thịnh nhờ có ‘sự sáng tạo’ hoàn chỉnh, như đã là vậy rồi. Ở phương Tây, câu chuyện vĩ đại nhất trong số những truyền thuyết này diễn ra trong ba chương đầu của Sáng Thế Ký. Và ở đây chúng ta học được một điều gì đó rất đặc biệt và rất siêu thực.
Chúng ta học được rằng ‘sự sáng tạo’ là “tốt đẹp” và “rất tốt đẹp”. Khi chúng ta hỏi tại lại tồn tại ‘sự sáng tạo’, câu trả lời mà trí tưởng tượng của thơ ca đã đúc kết trong câu chuyện Sáng Thế Ký là: có sự sáng tạo bởi vì như thế là tốt đẹp, và rất tốt đẹp. Nói cách khác, có hàm ý rất lớn về mặt đạo đức, cũng như về mặt kiến tạo đối với sự tồn tại.
Bản thân việc “sáng tạo ra” (hay kiến tạo ra) là tốt đẹp, rất tốt đẹp – và nhân tiện, trong tiếng Latinh từ nói về thơ ca hay thi sĩ có nghĩa là “người sáng tạo ra”. Tất nhiên, từ điều này, chúng ta nhận thấy sự song song đối với từ “vũ trụ” (universe), ý nghĩa của từ này là một bài hát hoặc một bài thơ hoặc một câu thơ (verse). Và không chỉ có thế, sự tốt đẹp (goodness) cũng hàm chứa điều này – còn sự tốt đẹp mà chúng ta biết đã bị làm sai lệch.
Việc hỏi tại sao lại tồn tại ‘sự tồn tại’ giống như hỏi các nghệ sĩ hay nhà thơ tại sao họ lại sáng tác ra được một tác phẩm cụ thể. Nhà thơ có thể trả lời điều này hoặc điều kia, nhưng câu trả lời thực sự đến từ việc đọc bài thơ ấy. Nhà phê bình và nhà thơ vĩ đại Charles Williams, thành viên của Inkling (nhóm văn học liên kết với CS Lewis và JRR Tolkien), đã bày tỏ điều đó theo cách này: “Thơ ca là một thứ rất độc đáo. Thơ ca giải thích chính nó thông qua sự tồn tại [của nó].”
Do đó, cũng giống như chúng ta vui mừng khi đọc một bài thơ hay, thì phản xạ tự nhiên khi chúng ta đọc thứ được gọi là sách về sự tồn tại cũng là sự vui mừng vì nó tốt đẹp – nó là rất tốt đẹp. Và “tốt đẹp” ở đây không phải là “tốt đẹp” mang tính chủ quan; nó sâu sắc hơn nhiều bởi vai trò quan trọng tối thượng của nó.
Trong một bài viết của cuốn sách “Các Phương Pháp Trị Liệu bằng Viết”, nhà cố vấn giáo dục Jeannie K. Wright đã nhận xét một cách chính xác rằng “Làm thơ hoặc viết truyện là liệu pháp cho cả cơ thể và tâm hồn”. Nếu việc chiêm nghiệm hoặc làm thơ là chân thực, thì việc chiêm nghiệm bài thơ về vũ trụ hay về sự tồn tại sẽ chân thực hơn đến mức nào?
Một văn bản kỳ diệu
Như một điểm khởi đầu để xem xét bản thân mình và sự tồn tại của chính mình, sau đó là tìm hiểu về sự tồn tại của vũ trụ, và khi chúng ta cố gắng “đọc” thông tin, ta sẽ nhận ra đó là một văn bản tuyệt vời, cuốn hút, và huyền bí làm sao.
Nếu chúng ta cần bằng chứng về điều đó, thì có thể không phải là trong khoa học, dữ liệu hay bất cứ thứ gì khác tẻ nhạt. Trải nghiệm đó sẽ là bình thường và phổ biến của hầu hết những người được phục hồi nhờ thiên nhiên: bằng cách đi bộ trong rừng, ở gần biển, bằng cách ngắm quang cảnh từ các đỉnh núi, bằng cách quan sát vẻ đẹp của tất cả các hiện tượng tự nhiên – bình minh và hoàng hôn, hẻm núi, thác nước, tảng băng trôi, hồ nước, rừng cây, hoặc sự phức tạp và khéo léo đáng kinh ngạc của các sinh vật sống, dù là sư tử hay đại bàng, hoặc cá heo và cá mập, hoặc nhện và bọ cạp, sự xuất hiện của các vì sao đêm, các hành tinh và mặt trăng và những điều tương tự.
Như nhà thơ Wordsworth đã nói, khi thế giới, “là quá mức với chúng ta” – nào là những quang cảnh công nghiệp tồi tàn, những văn phòng xám xịt, những lối sống được hệ thống hóa và dập khuôn – chúng ta sẽ tìm thấy một lối thoát trong tự nhiên.
Và tự nhiên là gì? Đó là một từ mà chúng ta sử dụng cho sự tồn tại và cuộc sống ở mức độ không bị ô nhiễm bởi những phát minh của nhân loại. Nói tóm lại, sự tồn tại thực sự xung quanh chúng ta làm tươi mới và truyền cảm hứng cho chúng ta, nếu chúng ta để nó diễn ra và nếu chúng ta tìm kiếm nó. Tại sao? Bởi vì sự tồn tại của tự nhiên là tốt đẹp, rất tốt đẹp.
Nếu chúng ta nghĩ về điểm khởi đầu của bài viết này, cố gắng tiếp cận hạnh phúc của chúng ta không phải từ góc độ vật chất, vốn rất hữu hạn về mặt ý nghĩa và phạm vi, thì hành trình tâm linh này có nhiều khả năng sẽ tiếp thêm sinh lực và nâng đỡ chúng ta. Khi nghĩ về lý do tại sao lại có sự tồn tại, chúng ta ở trong những điều tốt đẹp, điều rất tốt đẹp, và trạng thái này trở thành một lý do hiển nhiên để sống và sống tốt đẹp.
Tuy nhiên, có hai câu hỏi tâm linh nữa mà chúng ta cần xem xét, và chúng ta sẽ đề cập đến những câu hỏi này trong phần tiếp theo.
Phần 1/4, “Nhìn lại năm 2021 trong Tháng của Thần Janus: Từ bỏ mục đích sống vì cảm xúc của chúng ta,” xem xét cách chúng ta có xu hướng nhìn vào trạng thái thể chất và cảm xúc hơn là tâm linh của chúng ta.
Phần 3/4: “Nhìn lại năm 2021: Ý nghĩa cuộc đời tôi là gì?”
Ông James Sale đã có hơn 50 cuốn sách được xuất bản, gần đây nhất là “Mapping Motivation for Top Performing Teams” (Routledge, 2021). Ông đã được đề cử cho Giải thưởng Pushcart thơ 2022, giành giải nhất trong cuộc thi thường niên của Hội các nhà thơ cổ điển 2017, trình diễn tại New York vào năm 2019. Tập thơ gần đây nhất của ông là “HellWard”. Để biết thêm thông tin về tác giả và về dự án Dante của ông, hãy truy cập EnglishCantos.home.blog
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: