Nhiều quốc gia xem xét quay trở lại nhiên liệu hóa thạch để duy trì an ninh năng lượng
Nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong năm qua: chuyển sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch để duy trì an ninh năng lượng hoặc dựa vào năng lượng tái tạo để đạt được các mục tiêu dài hạn.
Sau hậu quả của đại dịch, ngày càng nhiều quốc gia phải chịu đựng tình trạng mất điện, hàng tồn kho giảm, giá dầu và giá khí đốt cao hơn. Mặc dù đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ xanh, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió, thì tình trạng này vẫn vẫn gặp nhiều khó khăn vì sản lượng không đáp ứng được nhu cầu lớn.
Một vấn đề khác, đặc biệt là ở Âu Châu, là sự phụ thuộc rất lớn vào xuất cảng dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga. Khu vực đồng euro đã nhập cảng một lượng lớn năng lượng từ Moscow — 40% dầu và 30% khí đốt tự nhiên. Do mùa đông khắc nghiệt bao trùm khu vực và dẫn đến dự trữ giảm, nên gần đây Liên minh Âu Châu đã tuyên bố sẽ giảm dần sự phụ thuộc của họ vào việc nhập cảng năng lượng từ Nga, lên tới ⅔ sản lượng nhập cảng vào cuối năm nay.
Trong những năm gần đây, nhiều nền kinh tế tân tiến và đang phát triển đã cam kết loại bỏ việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch và đầu tư nhiều hơn vào năng lượng xanh, có thể là các tấm quang năng hoặc cối xay gió, để hạn chế phát thải.
Tuy nhiên, với dữ liệu cho thấy các giải pháp thay thế đã không thể theo kịp mức tiêu thụ lớn, nên nhiều quốc gia đang quay trở lại với dầu thô, than đá, và khí đốt tự nhiên trong thời điểm hiện tại.
Trao đổi với một tờ báo địa phương, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner gợi ý rằng quốc gia này nên xem xét lại lệnh cấm khoan dầu khí mới ở Biển Bắc vì nước này đang giảm mua năng lượng của Nga.
Đức sẽ không chấp thuận bất kỳ giấy phép mới nào để khoan dầu và khí đốt trong khu vực này như một phần của thỏa thuận liên minh giữa Đảng Dân Chủ Xã Hội của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Xanh và Đảng Dân Chủ Tự Do (FDP) của ông Lindner. Nhưng ông Lindner tin rằng điều này nên được hoãn lại do những diễn biến về địa chính trị và thị trường gần đây cũng như nhu cầu của Đức đối với nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn.
Ông nói với tờ Tagesspiegel: “Chúng ta phải đặt nghi vấn về quyết định trong thỏa thuận liên minh này. Do sự tăng giá trên thị trường toàn cầu, nên điều này có vẻ kinh tế hơn.”
“Trong bối cảnh nền địa chính trị đã thay đổi, tôi nghĩ rằng nên xem xét toàn bộ chiến lược năng lượng của đất nước chúng ta mà không có bất kỳ sự cấm đoán nào về cách nghĩ.”
Trong năm ngoái (2021), Đức đã chứng kiến than đá lại trở thành nguồn điện chính của đất nước, vượt cả gió. Điều này xảy ra sau khi chính phủ Đức lên kế hoạch đóng cửa tất cả 84 nhà máy nhiệt điện than, nhập cảng 45% nhu cầu từ Nga.
Các ước tính cho thấy Đức sẽ tăng nhập cảng than cứng lên 7.7% trong năm nay.
Ông Tần Viêm (Yan Qin), một nhà phân tích tại Refinitiv, cho biết trong một ghi chú rằng, “Đốt than ở Âu Châu vẫn ở mức cao kể từ năm ngoái do giá khí đốt cao, và xu hướng này có khả năng tiếp tục diễn ra trong năm nay, với giá khí đốt tăng hơn nữa.”
Trong những tuần gần đây, đã có một số suy đoán cho rằng chính phủ Đức sẽ trì hoãn kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân còn lại của mình. Nhưng Berlin đã bác bỏ đề nghị này.
Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho biết trong một tuyên bố hồi tuần trước rằng, “Chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ lưỡng liệu việc vận hành các nhà máy điện hạt nhân lâu hơn có giúp ích cho chúng tôi trong tình hình chính sách ngoại giao này hay không. Câu trả lời là phủ định — việc đó sẽ không giúp ích gì cho chúng tôi.”
Các nhà phân tích của ING cho biết ngày nay, khí đốt và điện hạt nhân tiếp tục chiếm một phần đáng kể trong lưới điện của Âu Châu.
“Vai trò tương lai của khí đốt và điện hạt nhân phụ thuộc nhiều vào các lựa chọn chính trị về hệ thống điện tương lai của Âu Châu,” nhà kinh tế cao cấp Gerben Hieminga của ING và người đứng đầu bộ phận Chiến lược Khu vực Tài chính, ông Maureen Schuller, viết trong một báo cáo.
Trung Quốc, Ấn Độ sẽ theo năng lượng xanh hay nhiên liệu hóa thạch?
Tháng 09/2020, nói chuyện trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ đạt được trung hòa carbon vào năm 2060.
Bắc Kinh đã xây dựng nhiều năng lượng gió hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại, và Trung Quốc có thể chứng kiến sự tăng trưởng công suất mạnh mẽ hơn trong 5 năm tới.
Cuối năm ngoái (2021), Ấn Độ cũng cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2070, kể cả việc đáp ứng một nửa nhu cầu năng lượng bằng năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Nhưng điều này có thể đặt ra thách thức đối với hai quốc gia này để thành công trong việc theo đuổi năng lượng xanh ở phạm vi rộng lớn hơn, vì họ mua và khai thác nhiều hơn các dạng năng lượng thông thường.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trải qua thời kỳ mất điện trên toàn quốc hồi năm ngoái. Điều này đã thúc đẩy Bắc Kinh hồi sinh việc tiêu thụ than, chấp thuận mở rộng khai thác, và bắt đầu xây dựng các máy phát điện chạy bằng than. Trong khi vẫn mua hơn 30 triệu tấn than mỗi tháng, Trung Quốc đặt mục tiêu cắt giảm nhập cảng và cải thiện sản xuất trong nước.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NRDC), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của quốc gia, muốn tăng sản lượng nội địa lên khoảng 300 triệu tấn đồng thời xây dựng một kho dự trữ 620 triệu tấn cho nguồn nhiên liệu này.
Phó Thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng) gọi than của Trung Quốc là “rào cản cuối cùng” đối với an ninh năng lượng.
Tháng trước (02/2022), chính phủ Ấn Độ xác nhận rằng sản lượng than đã tăng 6.13% so với cùng thời kỳ năm ngoái, lên mức 79.6 triệu tấn trong tháng Một.
Ấn Độ cũng dự kiến tăng 75% sản lượng than lên mức 1.2 tỷ tấn vào năm 2023 hoặc 2024.
Trong khi các quan chức cho biết họ muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập cảng, nền kinh tế Nam Á này đã chứng kiến lượng than tồn kho của mình giảm mạnh xuống mức cực kỳ thấp trong tháng Mười. Điều này đã gây ra tình trạng mất điện liên tục trên khắp đất nước.
Được biết, Ấn Độ cũng đang xem xét mua thêm dầu thô của Nga và các mặt hàng khác với mức chiết khấu.
Còn Hoa Kỳ thì sao?
Ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi chính phủ đang mở rộng nghị trình năng lượng xanh, nhập cảng than vẫn mạnh và sản lượng tăng mạnh so với những năm trước.
Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), sản lượng than của Hoa Kỳ đã tăng hơn 6% trong tuần trước (07-13/03). Đây cũng là nước xuất cảng ròng than, mặc dù nước này vẫn nhập cảng hơn năm triệu tấn.
Trong khi đó, với mức giá cao như hiện nay, một số nhà quan sát trong ngành tin rằng ngành dầu khí của Hoa Kỳ có thể bắt đầu tăng cường sản xuất.
Các chuyên gia lưu ý rằng các công ty đã lo ngại về việc khoan hết tốc lực sắp tới, cho dù đó là vì cố gắng giảm lượng khí thải carbon của họ hay là do sự bất ổn về quy định ở cấp liên bang. Nhưng điều này có thể từ từ thay đổi.
Thống kê của IHS Markit nhấn mạnh rằng các công ty tư nhân đã tăng đều đặn sản lượng, trái ngược với đề nghị của Tòa Bạch Ốc.
IHS nhận định: “Về dài hạn, tình trạng cạn kiệt hàng tồn kho có thể trở thành một mối quan tâm ngày càng tăng. Mặc dù tồn kho khoan trong các diện tích cấp thấp hơn vẫn còn dồi dào, nhưng việc cạn kiệt diện tích lõi có khả năng xuất hiện trong các mỏ đá phiến không phải loại thông thường, có quy mô nhỏ hơn và lịch sử khai thác dài hơn trong vài năm tới.”
Theo ông Baker Hughes, số giàn khoan dầu thô của Hoa Kỳ đã tăng lên 527 trong tuần kết thúc vào hôm 11/03, tăng từ 519 trong tuần trước. Đây là con số cao nhất kể từ hồi tháng 04/2020.
Ông Phill Flynn, tác giả của Báo cáo Năng lượng, viết: “Các công nghệ để cung cấp năng lượng cần thiết cho Mỹ vẫn chưa tồn tại trong thế giới năng lượng xanh. Chắc chắn là quý vị có thể có những bước đột phá tăng dần theo từng bước về công nghệ quang năng và điện gió, nhưng ngay lúc này đây thì chưa có những đột phá công nghệ này.”
Tháng 10/2021, EIA dự báo trong Triển vọng Năng lượng Quốc tế rằng dầu và khí đốt sẽ vẫn là nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu trên toàn thế giới vào năm 2050, với năng lượng tái tạo chiếm khoảng ¼ tổng năng lượng quốc tế.
Ông Chris Namovicz, trưởng nhóm lập mô hình điện, than và năng lượng tái tạo của EIA cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rất nhiều tác động từ sự tăng trưởng năng lượng tái tạo và những tác động như vậy trong việc giảm cường độ carbon. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn đang tăng và phần lớn nhu cầu vẫn được đáp ứng nhiều nhất về mặt kinh tế thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch.”
Các chiến lược gia lưu ý rằng nhìn chung giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt phản ánh nhu cầu đáng kể đối với các sản phẩm này.
Theo Rystad Energy, giá than dự kiến sẽ đạt mức 500 USD/tấn trong năm nay. Một thùng dầu thô ngọt nhẹ Texas (West Texas Intermediate, WTI) và dầu thô Brent có giá trên 100 USD. Khí đốt tự nhiên đang giao dịch ở mức khoảng 4.50 USD trên một triệu đơn vị nhiệt của Anh (Btu).
Các nhà chiến lược cho rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục hiện diện trong nền kinh tế toàn cầu cho đến năm 2050, cho đến khi năng lượng tái tạo có thể thực hiện vai trò của mình và vẫn đáng tin cậy trong mọi loại điều kiện, từ thị trường đến thời tiết.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: