Nhiều quốc gia kêu gọi ILO Trung Quốc lập đoàn điều tra về lạm dụng ở Tân Cương
GENEVA – Hôm 02/06, Hoa Kỳ, Anh, và nhiều quốc gia khác đã kêu gọi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thành lập một phái bộ điều tra các hành vi bị cáo buộc là lạm dụng lao động ở Tân Cương của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh cho phép tiếp cận mà không bị kiểm soát.
Một ủy ban tại cơ quan của Liên Hiệp Quốc sẽ thảo luận về vấn đề tuân thủ các tiêu chuẩn lao động toàn cầu của Trung Quốc. Các tài liệu của ILO hồi tháng Hai cho thấy những thông lệ của nước này ở khu vực phía tây Tân Cương là phân biệt đối xử.
Cuộc họp hôm 02/06 diễn ra chỉ vài ngày sau khi chuyến công du tới Tân Cương của Cao ủy Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet kết thúc. Chuyến thăm này đã bị cả nhóm xã hội dân sự và các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, trong đó có Hoa Kỳ chỉ trích.
Hồi tháng Ba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, Trung Quốc “không ngừng thực hiện tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại” nhắm vào đại bộ phận người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Cái gọi là nhiệm vụ ba bên, nếu được ủy ban ILO chấp nhận, thì sẽ có thể làm sáng tỏ những cáo buộc cho rằng người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ, ngược đãi, và buộc phải lao động một cách bất hợp pháp. Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc này.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva Sheba Crocker đã kêu gọi Trung Quốc chấp nhận việc lập một phái bộ để điều tra những gì mà bà mô tả là “vi phạm có hệ thống về lao động và nhân quyền.”
Đặc phái viên của Anh đã đề nghị rằng cuộc điều tra này nên được tiến hành trước khi hội nghị lớn tiếp theo của ILO [được tổ chức] vào năm 2023. Úc, Canada, và Liên minh Âu Châu cũng đã lên tiếng ủng hộ.
Thông qua một loạt các can thiệp trực tuyến, bao gồm cả một công nhân lò nung người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc tuyên bố rằng luật pháp, quy định và hoạt động của họ hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của công ước mà họ đã chuẩn thuận.
Phái bộ tương lai của ILO sẽ đánh giá các hoạt động của Trung Quốc trên cơ sở các công ước mà nước này đã thông qua.
Ủy ban họp ngày 02/06, bao gồm các đại biểu của chính phủ, người sử dụng lao động, và người lao động, sẽ đưa ra một quyết định vào tuần tới về việc có chấp nhận đề nghị lập phái bộ [điều tra] này hay không.
Cử một phái bộ ba bên tới Trung Quốc có thể là bước đầu tiên để tiến tới các hành động xa hơn.
Ngoài nhiệm vụ ba bên, các thành viên ILO cũng có phương án thành lập Ủy ban Điều tra (Commission of Inquiry, COI) để đi tới Trung Quốc, nơi sẽ có nhiều quyền điều tra hơn.
Điều này yêu cầu một khiếu nại chính thức. Khoảng 35 đơn khiếu nại như vậy đã được đệ trình trong lịch sử hơn 100 năm của ILO, mà chưa đến một nửa trong số đó dẫn đến việc thành lập phái bộ điều tra COI, quan chức ILO cho biết. Chỉ có một trường hợp duy nhất mà các biện pháp trừng phạt được áp dụng, [đó là] chống lại Miến Điện vào năm 1998.