Nhiều nhân viên muốn làm việc ở nhà ngay cả khi nơi công sở mở cửa trở lại
Sau hai năm mà làm việc từ xa đã chứng kiến một thời kỳ phục hưng chưa từng có, nhiều nơi công sở đang quay trở lại với nếp làm việc trực tiếp. Nhưng đối với nhiều nhân viên, phải đối mặt với chi phí gia tăng và đi lại khó khăn, thì việc quay trở lại các văn phòng truyền thống là điều không được hoan nghênh.
Theo dữ liệu do Kastle Systems thu thập, tỷ lệ lấp đầy văn phòng đạt mức thấp nhất mọi thời đại là 14.6% vào tháng Tư năm 2020, đã dần phục hồi trong những năm tiếp theo lên mức hiện tại là 43.1%.
Rõ ràng làm việc từ xa đem lại lợi ích cho nhân viên. Đối với những nhân viên thường phải đi làm xa xôi và tốn kém, thì việc giới thiệu hay phát triển mô hình làm việc từ xa này vào thời điểm đại dịch mới bùng phát thường giúp giảm bớt căng thẳng và chi phí tài chính khi đi làm.
Với giá xăng quốc gia đã tăng từ 1.97 USD/gallon hồi tháng Ba năm 2020 lên hơn 4 USD/gallon ở nhiều tiểu bang vào thời điểm viết bài báo này, việc đi lại này vô hình trung trở thành một gánh nặng tài chính lớn đối với 82% người Mỹ đến nơi công sở để làm việc bằng xe hơi cá nhân của họ.
Tất cả những lợi ích này đối với nhân viên làm việc tại nhà đã dẫn đến sức ì đáng kể, điều này cản trở các nhà tuyển dụng nỗ lực tạo điều kiện cho nhân viên quay trở lại văn phòng.
Trong số bốn đại công ty công nghệ, Apple là công ty ít nhiệt tình nhất với mô hình làm việc từ xa, và trong suốt thời gian đại dịch, đã nhiều lần cố gắng đưa nhân viên trở lại văn phòng. Nhưng những nỗ lực của họ liên tục bị trì hoãn bởi những đợt bùng phát virus mới liên tiếp cũng như sự phản đối của nhân viên. Cuối cùng, vào đầu tháng này, Apple đã bắt đầu khai triển mô hình làm việc kết hợp mới của mình, ban đầu yêu cầu nhân viên có mặt tại văn phòng mỗi tuần một lần, sau đó sẽ dần thay đổi thành ba ngày (một tuần) ở văn phòng vào cuối tháng Năm.
Đối với nhiều người sử dụng lao động, làm việc từ xa được coi là một gánh nặng, là nguyên nhân làm giảm đáng kể năng suất của người lao động. Trong khi 90% nhân viên làm việc từ xa được Owl Labs khảo sát vào năm 2021 cho biết họ làm việc năng suất ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn năng suất làm việc ở văn phòng, thế nhưng nhiều nhà tuyển dụng vẫn hoài nghi về sự cần cù của những nhân viên làm việc từ xa của họ. Một cuộc thăm dò năm 2021 của Hiệp hội Quản lý Nguồn Nhân lực báo cáo rằng 72% các nhà quản lý giám sát nhân viên làm việc từ xa muốn các thành viên trong nhóm của họ có mặt tại văn phòng.
Cũng có những hạn chế đối với nhân viên. Ông Laszlo Bock, người trước đây từng đảm trách chức giám đốc nhân sự của Google, nói với Bloomberg rằng các nhân viên làm việc tại nhà có thể trở thành nạn nhân của những đánh giá “sai lệch” về nhân viên, khiến họ gặp bất lợi cho sự thăng tiến trong công ty so với các đồng nghiệp [có trình độ] hoàn toàn tương đương.
Mặc dù những tác động lâu dài của làm việc từ xa vẫn chưa được đo lường một cách có hệ thống và toàn diện, nhưng vẫn còn tồn tại nỗi lo rằng những nhân viên đã quen với sự thuận tiện và chi phí thấp khi làm việc tại nhà sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi với việc trở lại văn phòng, hoặc thậm chí bỏ công việc hiện tại của họ để tìm kiếm việc làm từ các công ty cho phép họ ở nhà trong ngày làm việc.
Bất chấp những sự dè dặt này, nhiều văn phòng vẫn đang đẩy mạnh nỗ lực của họ để khiến nhân viên của họ đi làm lại, háo hức mong chờ được quay trở lại giống như trạng thái bình thường trước năm 2020 trong những tháng tới.
Ông Nicholas Dolinger là một phóng viên kinh doanh của The Epoch Times và là người tạo ra podcast “The Beautiful Toilet”.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: