Nhiều nguy cơ trong ngoại giao vaccine Sinovac của Trung Cộng
Vaccine Sinovac là một loại vaccine coronavirus (virus Trung Cộng) do công ty Sinovac Biotech có trụ sở tại Bắc Kinh phát triển và sản xuất. Hiện tại nó đã được cung cấp cho hơn 45 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia ở Nam Mỹ và Phi Châu, nhưng cũng bao gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác. Còn Vaccine Sinopharm được phát triển và sản xuất bởi Tập đoàn Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước của Trung Cộng, nó cũng đã được tặng hoặc bán cho nhiều nước trên thế giới.
Theo báo cáo tổng hợp của các phương tiện truyền thông, có sự khác biệt rất lớn về tỷ lệ hiệu quả được công bố của Vaccine Sinovac. Brazil cho biết tỷ lệ hiệu quả miễn cưỡng đạt đến 50.4%, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ báo cáo tỷ lệ hiệu quả là 91.25%, và của Indonesia là 65.3%.
Tạm thời chưa nhắc đến hiệu quả của các vaccine này, những gì Trung Cộng đã làm đối với công tác chích ngừa trên trường quốc tế chắc chắn đã thay đổi nhận thức của toàn thế giới đối với Trung Cộng. Trung Cộng – nguyên nhân khiến đại dịch lây lan ra toàn cầu do sơ suất hoặc cố tình che giấu sự tồn tại của virus, đã biến thành người giải quyết vấn đề và người cứu nguy cho thế giới.
Tuy nhiên, mặc dù Trung Cộng đã biểu thị sẵn sàng phân phối 500 triệu liều vaccine ra nước ngoài, rất nhiều quốc gia dẫn đầu là Hoa Kỳ, Úc và các nước Âu Châu vô cùng nghi ngờ về động cơ phân phát vaccine của Trung Cộng, và những nghi ngờ đó đang tăng lên từng ngày.
Tại Úc, nhiều ý kiến chỉ ra rằng “Ngoại giao vaccine Sinovac” là một thủ đoạn ẩn giấu của Trung Cộng, nhằm kiểm soát tiếng nói trên toàn cầu đối với virus corona, và chuyển dịch sự chú ý của thế giới bên ngoài khi bùng phát dịch, đồng thời từ chối các chuyên gia y tế và các nhóm nhân viên nghiên cứu quốc tế đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của dịch bệnh.
Dù trong tình huống nào, thì các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được giao nhiệm vụ tìm ra nguồn gốc của virus vẫn chưa thể xóa tan nghi ngờ của thế giới bên ngoài, người ta luôn lo lắng rằng chuyến đi của các chuyên gia WHO đến Vũ Hán chỉ là một sự kiện đã được lên kế hoạch cẩn thận, nhằm che đậy sự thật.
Trong hoàn cảnh như vậy, mọi người không thể không đặt câu hỏi liệu việc ngoại giao vaccine này có phải là một phần trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường” (BRI) đầy tham vọng của Trung Cộng, hoặc là một sự bổ sung cần thiết?
Mặc dù quan hệ giữa sáng kiến ”Một vành đai, một con đường” và chính sách ngoại giao vaccine của Trung Cộng không thường được nhắc trên báo chí, nhưng không có gì ngạc nhiên khi người ta lo ngại về việc liệu động cơ thực hiện hai kế hoạch quy mô lớn này của Trung Cộng có là một hoặc bổ sung cho nhau hay không.
Kế hoạch “Một vành đai, một con đường” là một dự án dài hạn, được đưa ra từ năm 2014, với ý định “hồi sinh con đường tơ lụa cổ đại”. Kế hoạch này tạo cơ hội cho Trung Cộng xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia ở Âu Châu, Á Châu và Phi Châu.
Các dự án cơ sở hạ tầng này bao gồm xây dựng sân bay, cảng biển, đường cao tốc, nhà ga và các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, mặc dù kế hoạch “Một vành đai, một con đường” có thể mang lại một số lợi ích cụ thể cho các nước tham gia, nhưng chắc chắn Trung Cộng đang sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài của nó, từ đó biến rất nhiều nước tiếp nhận kế hoạch này trở thành nước lệ thuộc vào Trung Cộng.
Việc Trung Cộng phân phối vaccine Sinovac cũng đã mở rộng lực ảnh hưởng của nó trên toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nó tuyên bố rằng đã quyên góp một số lượng lớn vaccine. Vì vậy, người ngoài không thể ngừng đặt câu hỏi: Liệu ngoại giao vaccine Sinovac có phải là một trò khác của Trung Cộng để thực hiện các lợi ích địa chính trị của nó, từ đó bảo đảm tầm ảnh hưởng của nó trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như ở Phi Châu?
Dù cho đánh giá một cách hời hợt về chính sách ngoại giao vaccine Sinovac và kế hoạch “Một vành đai, một con đường”, kết quả cũng cho thấy mục tiêu của Trung Cộng chính là mở rộng dấu ấn địa chính trị của nó trên quy mô toàn thế giới.
Chính phủ Liên bang Úc dường như cũng đồng ý với kết quả đánh giá này, và đã ra tay ngăn cản hiệp nghị “Một vành đai, một con đường” được ký bởi Thống đốc bang Victoria Daniel Andrews. Vaccine Sinovac và vaccine Sinopharm của Trung Cộng cũng không cách nào cập bến ở Úc.
Nhiều hoạt động từ thiện và thương mại của Trung Cộng không thể che giấu một thực tế là: Trung Cộng không thể đánh giá chính xác và khách quan nhiều hành vi của nó, vì nó không để người dân có quyền tự do ngôn luận.
Cách đây vài năm, tôi đã tham dự một hội nghị tổ chức ở Hàng Châu, Trung Quốc. Tại hội nghị, tôi đã đọc một bài luận về pháp quyền, tôi đề xuất rằng pháp quyền kiện toàn là điều kiện tiên quyết để Trung Quốc mở rộng giao lưu thương mại và kinh doanh cùng có lợi với các quốc gia khác.
Trên đường đến sân bay, tôi ngồi cùng taxi với một giáo sư nổi tiếng người Trung Quốc. Ông ấy nói rằng những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc của Trung Quốc cuối cùng rồi sẽ đi kèm với sự giải phóng đáng kể quyền tự do ngôn luận. Họ dự đoán rằng Trung Quốc sẽ có tự do ngôn luận trong vài thập kỷ tới.
Hy vọng này có thể cuối cùng sẽ là nước đổ giỏ tre, bởi vì những kẻ nắm quyền trong chế độ độc tài không thể nào cam tâm tình nguyện từ bỏ quyền lực, mà giới tinh hoa trí thức và chính trị ở trong nước họ cũng không mong đợi Trung Quốc tương lai có bất kỳ sự thay đổi về phương hướng nào.
Tôi đã từng dạy các sinh viên Trung Quốc ở Trung Quốc đại lục, ở Hồng Kông và ở Úc. Có rất nhiều người trong số họ đều háo hức tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để được chọn làm đảng viên Trung Cộng, và được hưởng rất nhiều phúc lợi mà chỉ có đảng viên mới có tư cách được hưởng.
Tuy nhiên, cần phải nói rằng, Bắc Kinh đang ngày càng tỏ ra hung hãn và hiếu chiến trên trường quốc tế. Dù cho là quân sự hóa Biển Đông, tiếp quản Hồng Kông, uy hiếp Đài Loan, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, hay “ngoại giao chiến lang” khi đối mặt với Australia và các nước khác, đều chỉ cho thấy sự khinh thường của chế độ này đối với cộng đồng quốc tế, và khiến thế hệ trẻ của Trung Quốc ngày càng trốn chạy khỏi nanh vuốt của Trung Cộng.
Tóm lại, ngoại giao vaccine Sinovac và kế hoạch “Một vành đai, một con đường” dường như không liên quan gì đến hành vi hiếu chiến của Bắc Kinh trong những năm gần đây, nhưng mục tiêu cuối cùng đều là vì để tối đa hóa lợi ích địa chính trị của chế độ này.
Bài gốc “Những rủi ro của Ngoại giao Sinovac” được đăng trên The Epoch Times.
Thông tin giản lược về tác giả:
Gabriël Moens là Giáo sư danh dự về ngành Luật tại Đại học Queensland, Úc. Ông từng là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Murdoch. Ông là tác giả của nhiều truyện ngắn, và vừa xuất bản một cuốn tiểu thuyết về nguồn gốc của virus corona mang tên “A Twisted Choice”, xuất bản năm 2020.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Gabriël Moens thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Xem thêm: