Nhiếp ảnh gia phục chế màu các bức ảnh về thảm họa Holocaust
Nhiếp ảnh gia Tom Marshall đã thu hút sự chú ý của hàng nghìn người khi thổi màu sắc vào các bức ảnh đen trắng về thảm họa diệt chủng Holocaust, biến những gương mặt có vẻ xa lạ trở nên sống động và dễ nhận biết.
Những bức ảnh của anh vừa ấn tượng vừa kinh hoàng, làm sáng tỏ một cách sâu sắc những thảm kịch đã xảy ra trong các trại tập trung thời Thế chiến thứ II.
Marshall nổi tiếng với khả năng phục chế các bức ảnh lịch sử thành ảnh màu. Anh gọi dự án này là “dự án phục chế những bức ảnh bi thảm nhất” mà anh từng thực hiện.
“Tuần này thế giới đã tổ chức Ngày tưởng niệm Holocaust, đánh dấu 75 năm kể từ khi Liên Xô giải phóng trại tập trung Auschwitz,” anh chia sẻ với Bored Panda vào tháng 2/2020.
“Và để đánh dấu kỷ niệm này, tôi đã phục chế màu một bộ sưu tập các bức ảnh lịch sử được chụp trong vài tháng đầu năm 1945, khi thế giới đã nhận thức đầy đủ về sự man rợ của thảm họa diệt chủng của Đức Quốc xã.”
Những bức ảnh của anh nhanh chóng lan tỏa trên mạng, với hơn 600,000 lượt xem chỉ riêng trên trang web. Nhiếp ảnh gia cho biết việc thêm màu sắc cho những bức ảnh này là một thách thức bởi vì các bức ảnh không mô tả những chủ thể thông thường.
“Quá trình chỉnh sửa ảnh và chỉnh màu cũng rất khác biệt vì những người này đã cận kề cái chết vào thời điểm được tự do, vì vậy tông màu da của họ hoàn toàn khác biệt,” anh giải thích. “Về màu sắc, bạn có thể nhìn thấy cả xương và làn da nhợt nhạt, thiếu sức sống, thậm chí những người đàn ông trẻ tuổi trông già nua với mái tóc màu xám và những vết thâm quầng xung quanh mắt.”
Bằng cách chia sẻ những hình ảnh này, Marshall hy vọng sẽ “gìn giữ những hình ảnh ấn tượng và chấn động để điều này không bao giờ xảy ra nữa.”
“Bộ xương biết đi”
Người đàn ông này có lẽ chẳng hơn gì một đứa trẻ, trông anh ta giống như một “bộ xương biết đi”. Bức ảnh này được chụp tại trại tập trung Ebensee. Không may là cảnh tượng này không phải là hiểm ở các trại tập trung trên khắp Âu Châu.
Những người đàn ông tại Lager Nordhausen
Hai người đàn ông bị bỏ đói nhìn chằm chằm vào máy ảnh sau khi được giải thoát khỏi trại tập trung Gestapo Lager Nordhausen. Họ đã tồn tại giữa 3,000–4,000 tù nhân bị đánh đập, ngược đãi và bắt nhịn đói.
Những đứa trẻ ở Auschwitz
Marshall đã khôi phục một ảnh chụp từ bộ phim Liên Xô về giải phóng trại Auschwitz vào tháng 1/1945, mô tả những đứa trẻ bị giam cầm.
Cô gái Nga 18 tuổi
Thật khó tin khi đây là bức ảnh của một tù nhân 18 tuổi, được chụp vào năm 1945 trong cuộc giải phóng trại tập trung Dachau – trại tập trung đầu tiên của Đức.
Tại đây, 31,591 trường hợp tử vong đã được báo cáo, với hàng trăm người qua đời mỗi tuần, các nguyên nhân phổ biến nhất là do bệnh tật, bỏ đói và tự tử. Trong những điều kiện khủng khiếp này, cô thiếu nữ trông già đi rất nhiều so với tuổi thật của mình.
Những người đàn ông bị bỏ đói ở Ebensee
Đứng trước ống kính là những tù nhân tiều tụy vì đói khát trong trại tập trung ở Ebensee, Áo. Các thí nghiệm khoa học được cho là đã được tiến hành tại trại tập trung này. Theo The Holocaust Encyclopedia, Quân đội Hoa Kỳ giải phóng trại này vào tháng 5/1945.
Bergen-Belsen trong ngọn lửa
Trại tù Bergen-Belsen tràn ngập người mắc bệnh sốt phát ban. Sau khi các tù nhân được trả tự do vào tháng 5/1945, Quân đội Anh đã đốt nó thành bình địa. Bức ảnh này được chụp bởi ông cố của Marshall, Charles Martin King Parsons, người từng giữ vị trí tuyên úy của Quân đội Anh.
Ngôi mộ tập thể tại Belsen
Đây là một bức ảnh về những ngôi mộ tập thể ở Belsen cũng do ông cố của nhiếp ảnh gia chụp. Nó mô tả số lượng người tử vong khủng khiếp từ trại tập trung ở Bergen-Belsen. Marshall cho biết anh đã quyết định không phục chế màu bức ảnh này, vì không có màu thì bức ảnh đã đủ thê lương rồi.
Có lẽ anh ấy đúng. Bức ảnh đó có thể được xem ở đây. Đây là một lời nhắc nhở đau xót về những gì chế độ chuyên chế có thể gây ra cho chúng ta nếu những người tốt không làm gì để ngăn chặn nó.
Jenni Julander
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: