Nhật Bản xem xét ‘năng lực phản công’ để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc
Khi ám chỉ về một sự thay đổi có ý nghĩa lịch sử tiềm tàng, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết trong Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 10/06 rằng Nhật Bản sẽ củng cố năng lực phòng thủ của mình và đang xem xét khả năng sở hữu năng lực phản công.
Theo các chuyên gia, điều này nhằm bảo đảm rằng Nhật Bản đóng một vai trò có trách nhiệm hơn trong khu vực bị đe dọa bởi các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như bởi tình trạng bất ổn nảy sinh sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Thủ tướng Kishida cho biết, “Vì môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, nên chúng tôi sẽ đề ra một Chiến lược An ninh Quốc gia mới vào cuối năm nay. Chúng tôi quyết tâm tăng cường mạnh mẽ năng lực quốc phòng của Nhật Bản trong vòng năm năm tới và bảo đảm gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu đó.”
Ông nói thêm rằng Nhật Bản “sẽ không loại trừ bất kỳ phương án nào,” bao gồm cả “năng lực phản công”.
Các nhà phân tích chiến lược nói với The Epoch Times rằng bài diễn văn của ông Kashida tại Đối thoại Shangri-La ám chỉ Nhật Bản sẽ có một sự thay đổi lớn trong chính sách. Điều này cho thấy Nhật Bản sẵn sàng chuyển đổi, không chỉ đóng vai trò chủ yếu về kinh tế và phát triển trong khu vực, mà còn đóng một vai trò an ninh quan trọng.
Theo các nhà phân tích, năng lực chiến lược có thể được nâng cao của Nhật Bản sẽ giúp nước này làm nhụt chí đối phương bằng cách khiến họ phải chịu tổn thất và làm suy yếu khả năng tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo của họ.
Ông Ryo Hinata-Yamaguchi, giáo sư phụ tá tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Tiên tiến tại Đại học Tokyo, cho biết trong một thư điện tử, “Việc đạt được năng lực tấn công là một phần trong khả năng của Nhật Bản để tiến hành các cuộc phản công được xem như một bước thiết yếu để đối phó với các mối đe dọa hỏa tiễn ngày càng tăng do Bắc Hàn gây ra, hoàn thiện những thiếu sót về khả năng sẵn sàng để chống lại Trung Quốc, và các cuộc tấn công tiềm tàng của Nga.”
Ông Kishida đã mô tả bối cảnh khu vực như một điều gì đó gợi cảm giác cấp bách. Thủ tướng cho biết ông lo ngại rằng những gì đã xảy ra ở Ukraine có thể xảy ra ở Đông Á trong tương lai, và Nhật Bản phải sẵn sàng để đối mặt với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào nảy sinh vì những quốc gia đó đang “xâm phạm” nền hòa bình và an ninh của những quốc gia khác.
Ông Kishida nói rằng luật pháp quốc tế đang không được tuân thủ ở Biển Đông, trong khi ở Biển Hoa Đông nơi Nhật Bản tọa lạc đang có những nỗ lực gia tăng nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Ông cho hay hòa bình ở Eo biển Đài Loan cũng bị đe dọa; thế nhưng ông không nêu dích danh Trung Quốc.
Sự thay đổi trong chính sách
Các chuyên gia cho biết sự thay đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản là do sự thay đổi địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Hoa Kỳ muốn các nước khác cùng nhau chia sẻ trách nhiệm bảo đảm an ninh khu vực.
Ông Satoru Nagao, một nhà nghiên cứu không thường trực của Viện Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết: “Tại sao Nhật Bản muốn thay đổi chính sách? Lý do nằm ở Hoa Kỳ.”
Ông Nagao lưu ý rằng Trung Quốc đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng của mình.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm về Chi tiêu Quân sự Thế giới Giai đoạn 2010-2020, Trung Quốc đã tăng ngân sách quân sự của mình lên 76%, trong khi Hoa Kỳ giảm 10% ngân sách quốc phòng trong cùng khoảng thời gian đó, mặc dù họ vẫn là nước có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới.
Ông Nagao nói, “Trong một thời gian dài, khi Nhật Bản cần đến năng lực tấn công, Nhật Bản đã dựa vào Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ đủ năng lực tấn công thì Nhật Bản không cần thêm bất kỳ năng lực tấn công nào.”
Ông cho biết thêm, “Tuy nhiên, vị thế của Hoa Kỳ đã thay đổi vì cán cân quân sự Mỹ-Trung đã thay đổi. Hơn nữa, Hoa Kỳ đã chi tiêu quân sự nhiều hơn gấp ba lần [so với Trung Quốc] tuy nhiên Hoa Kỳ cũng đang yêu cầu các nước đồng minh và đối tác chia sẻ gánh nặng an ninh này.”
Trong hoàn cảnh này, các nước đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ bao gồm Đài Loan, Việt Nam, Philippines, và đặc biệt là Nam Hàn, và các thành viên Bộ Tứ là Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, đang tăng cường năng lực tấn công của họ, ông Nagao cho biết.
Theo ông, nếu Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đều sở hữu năng lực tấn công tầm xa, thì khả năng kết hợp của họ sẽ buộc Trung Quốc phải phòng thủ trên nhiều mặt trận.
Ông Grant Newsham, thành viên cao cấp tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược của Nhật Bản, cho biết bài diễn văn và sự xuất hiện của ông Kishida tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo ông Newsham, Nhật Bản đang “chủ động hơn trong việc khẳng định bản thân” cũng như chủ động hơn trong việc đảm nhận “vai trò lãnh đạo” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương so với những gì họ từng thể hiện trong thời kỳ hiện đại này.
Ông Newsham nói, “Ông ấy đã nêu ra các vấn đề ‘an ninh’ và ngụ ý rằng Nhật Bản sẽ đóng vai trò trong việc bảo đảm một ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở’. Tất nhiên, điều đó có nghĩa là bảo đảm khu vực này không bị Trung Quốc đe dọa và thống trị. Ông ấy không sử dụng những từ ngữ như thế, nhưng ý của ông ấy đã đủ minh tường rồi.”
Năng lực tấn công tầm xa
Các chuyên gia cho rằng, việc ông Kishida biểu thị rằng Nhật Bản quan tâm đến việc sở hữu “năng lực phản công” có nghĩa là Nhật Bản có thể sản xuất và sở hữu năng lực tấn công tầm xa được thiết kế chủ yếu để phòng thủ và ngăn chặn kẻ thù.
Ông Ryo nói rằng cho đến nay năng lực tấn công của Nhật Bản là dành cho các hòn đảo xa xôi của họ. Tuy nhiên, nếu nước này thay đổi chính sách, Nhật Bản sẽ cần một năng lực tấn công ít nhất là 621 dặm (1000 km) để có các hoạt động phản công hiệu quả.
Ông Ryo cho biết, “Nhật Bản đang cân nhắc một số lựa chọn, bao gồm Hỏa tiễn Dự phòng Không đối đất (JASSM-ER) với tầm bắn 900 km [560 dặm], và mở rộng tầm bắn của hỏa tiễn đất đối hạm Type 12 lên 900 km [560 dặm] và cuối cùng là 1,500 km [930 dặm].”
Trong dài hạn, Nhật Bản cũng đang xem xét sản xuất hỏa tiễn hành trình có tầm bắn lên tới 1,200 dặm (2.000 km), hỏa tiễn hành trình phóng từ tàu ngầm ở cự ly 1000 km, cũng như vũ khí siêu thanh, theo ông Ryo.
Ông nói: “Tuy nhiên, để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc, Nhật Bản có thể cần xem xét đến các loại hỏa tiễn đạn đạo tầm trung.”
Ông Newsham nói rằng Thủ tướng Kishida đã thông báo rằng hải quân Nhật Bản sẽ tiến hành các cuộc tuần tra, tập trận, và các hoạt động khác trong khu vực này nhiều hơn những gì họ đã làm trước đây trong 75 năm qua đồng thời Hải quân Nhật Bản sẽ điều động một lực lượng đặc nhiệm nhỏ hoạt động trên khắp khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Ông Newsham nói, “Tôi cho là [sẽ có] một tàu ngầm và một khu trục hạm cũng sẽ đi theo yểm trợ. Ồ, cách đây năm năm, chẳng ai nghĩ được là điều này có thể xảy ra. Bây giờ nó được coi là chuyện ‘bình thường’ — và quý vị sẽ để ý thấy rằng không người nào trong đất nước Nhật Bản, cũng như không một ai trong khu vực này phàn nàn — ngoại trừ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã viết bài đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.