Nhật Bản xả nước đã qua xử lý từ nhà máy năng lượng hạt nhân Fukushima ra biển
Hôm thứ Ba (13/04), chính phủ Nhật Bản đã quyết định bắt đầu xả lượng lớn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima bị hư hại ra biển Thái Bình Dương trong hai năm – một phương án vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía các ngư dân và cư dân địa phương.
Quyết định này, mặc dù đã được cân nhắc từ lâu nhưng bị trì trì hoãn nhiều năm do lo ngại về vấn đề an toàn và các cuộc biểu tình, nhưng đã được đưa ra trong một cuộc họp của các bộ trưởng Nội các, những người đã đồng tình rằng việc xả thải ra đại dương là sự lựa chọn tốt nhất.
Lượng nước tích tụ đã được lưu trong các bồn chứa tại nhà máy Daiichi Fukushima từ năm 2011, sau khi một trận động đất lớn và sóng thần xảy ra đã làm hỏng các lò phản ứng hạt nhân và nước làm mát của các lò này bị ô nhiễm và bắt đầu rò rỉ.
Đơn vị vận hành nhà máy này là Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết sức chứa của nhà máy này sẽ hết công suất vào cuối năm tới.
Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết việc xả ra đại dương là lựa chọn “khả thi nhất” và việc xả nước này là “tất yếu” trong quá trình ngừng hoạt động nhà máy Fukushima, một quá trình dự tính sẽ mất đến hàng thập kỷ.
Công ty TEPCO và các quan chức chính phủ cho biết chất phóng xạ triti-vốn không gây hại với chỉ một lượng nhỏ-không thể loại bỏ hoàn toàn khỏi nước, còn tất cả các đồng vị phóng xạ khác có thể được giảm xuống đến những mức độ cho phép để xả thải ra môi trường. Một số nhà khoa học cho biết hiện vẫn chưa rõ tác động lâu dài đối với các sinh vật biển khi tiếp xúc ở liều lượng thấp với lượng lớn nước thải như vậy.
Theo kế hoạch cơ bản đã được các bộ trưởng thông qua, TEPCO sẽ bắt đầu việc xả thải nước trong khoảng hai năm sau khi xây dựng một cơ sở tuân theo các yêu cầu an toàn của cơ quan quản lý. Họ cho biết việc xả thải nước không thể trì hoãn thêm được nữa và nhất thiết phải cải thiện môi trường xung quanh nhà máy hạt nhân này để cư dân có thể sống an toàn ở đó.
TEPCO cho biết các bể với sức chứa 1.37 triệu tấn nước sẽ đầy vào khoảng mùa thu năm 2022. Bên cạnh đó, cần phải giải phóng khu vực hiện đang đặt đầy các bể chứa để xây dựng các cơ sở mới mà sẽ cần thiết cho việc loại bỏ cặn từ nhiên liệu tan chảy ở bên trong các lò phản ứng, một quá trình dự kiến sẽ được khai triển trong những năm tới đây.
Trong một thập kỷ kể từ sau thảm họa sóng thần, nước dành cho làm mát nguyên liệu hạt nhân đã không ngừng rò rỉ từ các bể chứa sơ cấp bị hư hại và chảy vào trong những tầng hầm của các tòa nhà lò phản ứng hạt nhân. Để bù cho lượng nước bị tiêu hao, người ta đã bơm thêm nước vào trong các lò phản ứng để tiếp tục làm mát nhiên liệu đã tan chảy. Nước này sau đó cũng được bơm ra ngoài và được xử lý, một phần nước đó được tái sử dụng để làm mát, phần còn lại được chứa trong 1,020 bể chứa và hiện đã lên tới 1.25 triệu tấn nước chứa phóng xạ.
Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Hiroshi Kajiyama cho biết, các bể chứa đó đã chiếm một diện tích lớn tại khu phức hợp nhà máy và sẽ cản trở tiến độ bảo đảm an toàn và ổn định trong quá trình ngừng hoạt động nhà máy. Các bể chứa này cũng có thể bị hư hỏng và rò rỉ trong trường hợp một trận động đất hay sóng thần mạnh khác xảy ra, theo báo cáo này cho biết.
Một hội đồng thẩm định của chính phủ đã mô tả việc xả thải nước này ra đại đương là biện pháp khả thi nhất. Hội đồng này đã thảo luận trong gần bảy năm qua về cách thải lượng nước này mà không làm tổn hại thêm đến hình ảnh của Fukushima, cũng như đến ngư dân và những doanh nghiệp khác của Fukushima. Bản báo cáo mà hội đồng này chuẩn bị từ năm ngoái đã đề cập đến phương án làm bốc hơi nước là phương án được ít sự ủng hộ hơn.
Báo cáo này cho biết khoảng 70% lượng nước trong các bể chứa nói trên vượt quá các giới hạn cho phép xả thải nhưng sẽ được lọc lại và pha loãng với nước biển trước khi xả ra ngoài. Theo một ước tính sơ bộ, việc xả nước từ từ sẽ mất khoảng 30 năm nhưng sẽ được hoàn tất trước khi nhà máy này ngừng hoạt động hoàn toàn.
Báo cáo này cũng cho biết, Nhật Bản sẽ tuân thủ các quy tắc quốc tế về việc xả thải, tiếp nhận hỗ trợ từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và các tổ chức khác, đồng thời bảo đảm công khai dữ liệu và tính minh bạch để nhận được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc và Hàn Quốc đã bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về vụ xả thải nước này và tác động tiềm tàng của nó.
Chính phủ Nhật Bản cho biết họ sẽ làm hết sức để hỗ trợ ngành ngư nghiệp địa phương, và báo cáo trên cho biết TEPCO sẽ bồi thường nếu xảy ra thiệt hại sau những nỗ lực hết mình đó.
Ông Kajiyama đến thăm Fukushima vào chiều hôm thứ Ba (13/04) để gặp gỡ các quan chức ngành ngư nghiệp và các quan chức địa phương để giải thích về quyết định này. Ông cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để nhận được sự thấu hiểu của họ trong hai năm tới.
Do AP thực hiện
Hồng Doanh biên dịch
Xem thêm: