Nhật Bản và Úc nêu lên mối lo ngại về các hành vi lạm dụng nhân quyền được báo cáo ở Trung Quốc
TOKYO—Hôm thứ Tư (09/06), Nhật Bản và Úc đã nêu lên những “lo ngại nghiêm trọng” về các báo cáo vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng viễn tây Tân Cương của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ những nhận xét này như một lời bôi nhọ ác ý.
Một số quốc gia phương Tây đã lần lượt lên tiếng kêu gọi điều tra xem các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương có cấu thành nên tội diệt chủng hay không, vì Hoa Kỳ và quốc hội ở các quốc gia như Anh và Canada đã mô tả các chính sách của Trung Quốc ở khu vực đó là như vậy.
Nhật Bản và Úc cho biết trong một tuyên bố chung sau cuộc họp song phương giữa các bộ trưởng bộ quốc phòng và bộ ngoại giao hai nước, “Chúng tôi có chung các mối lo ngại nghiêm trọng về các hành vi lạm dụng nhân quyền được báo cáo đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.”
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc cấp quyền tiếp cận khẩn cấp, có ý nghĩa và không gò bó cho các quan sát viên quốc tế độc lập vào Tân Cương, trong đó có Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi đã trao đổi với hai người đồng cấp Úc của họ là bà Marise Payne và ông Peter Dutton thông qua hội nghị truyền hình.
Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao của nước này cho hay họ phản đối mạnh mẽ việc hai quốc gia trên khoa trương về “mối đe dọa Trung Quốc” và bôi nhọ nước này một cách ác ý.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân tuyên bố trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, cũng như ngừng phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực.
Các bộ trưởng [Nhật-Úc] cũng bày tỏ lo ngại về những hành động gần đây [của Bắc Kinh] mà họ cho là đã làm suy yếu thể chế dân chủ của Hồng Kông. Họ thúc giục hòa bình và ổn định ở Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
Họ nói thêm, “Chúng tôi kiên quyết lên án bạo lực đang được thực hiện đối với người dân Myanmar và kêu gọi chế độ quân sự của nước này ngay lập tức chấm dứt bạo lực và các biện pháp nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận, cũng như trả tự do cho tất cả những người đang bị giam giữ vô cớ.”
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02, với các cuộc biểu tình và giao tranh hàng ngày ở các vùng biên giới giữa quân đội và dân quân dân tộc thiểu số.
Do Reuters thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: