Nhật Bản và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, an ninh năng lượng
Hôm thứ Tư (07/05), Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đồng ý tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn và an ninh năng lượng trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài đang làm trầm trọng hơn những hạn chế về nguồn cung toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản Hagiuda Koichi đã gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo tại Hoa Thịnh Đốn hôm thứ Tư để thảo luận về quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn, kiểm soát xuất cảng, kinh tế kỹ thuật số, cũng như thương mại và đầu tư.
Trong một tuyên bố chung, hai vị quan chức cho biết họ sẽ tăng cường hợp tác trong việc đa dạng hóa năng lực sản xuất chất bán dẫn, tăng tính minh bạch, phối hợp ứng phó khẩn cấp với tình trạng thiếu hụt và thúc đẩy phát triển lực lượng lao động.
Bà Raimondo bày tỏ lòng biết ơn đối với Nhật Bản “vì sự hỗ trợ và phản hồi liên tục của họ sẽ giúp thúc đẩy việc ra mắt Khuôn khổ Kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF),” theo thông cáo báo chí của Bộ Thương mại.
Nikkei Asia đưa tin, ông Hagiuda cho biết : “Chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác kinh tế lớn hơn của [Hoa Kỳ] vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi muốn góp phần đưa IPEF thành hiện thực.”
Khuôn khổ này là một phần trong sáng kiến hợp tác khu vực của chính phủ Tổng thống Biden được công bố vào tháng Mười năm ngoái nhằm đẩy lùi ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Hagiuda cũng đã gặp Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm và nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì an ninh năng lượng trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine một cách vô cớ.
Họ tuyên bố trong một tuyên bố chung rằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) do Hoa Kỳ sản xuất đóng một “vai trò quan trọng” trong việc giảm bớt các hạn chế về nguồn cung toàn cầu.
Họ tuyên bố rằng hai quốc gia đặt mục tiêu phát triển “các giải pháp năng lượng sạch tân tiến” và hợp tác chặt chẽ trong các khuôn khổ quốc tế khác nhau “để thúc đẩy hiện thực hóa nền kinh tế phát thải ròng bằng không và bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu.”
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trước đó đã nói rằng Nhật Bản sẽ không rút khỏi dự án Sakhalin-2 LNG ở vùng Viễn Đông của Nga, với lý do vai trò quan trọng của dự án này đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản, mặc dù ông bày tỏ ý định tăng cường nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ năm của Nhật Bản, chiếm khoảng 8% lượng tiêu thụ của cả nước. Dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga là một trong những nguồn cung cấp LNG chính của Nhật Bản, với công suất hàng năm là 9.6 triệu tấn.
Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản lần lượt nắm giữ 12.5% và 10.5% cổ phần trong dự án Sakhalin-2, trong khi Gazprom PJSC của Nga sở hữu 50%. Shell, nắm giữ 27.5% cổ phần, đã rời khỏi dự án để đáp trả cuộc chiến ở Ukraine.
Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, đưa tin về Á Châu Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times