Nhật Bản và EU công bố tân đối tác kỹ thuật số trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gây hấn
Hôm 12/05, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và EU đã công bố mối quan hệ đối tác kỹ thuật số mới sau một hội nghị thượng đỉnh, trong đó họ thảo luận về cách cùng nhau chống lại chủ nghĩa độc tài đang gia tăng trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn và sự gây hấn ngày càng gia tăng của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen tại hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản lần thứ 28 ở Tokyo. Tại hội nghị, các bên tái khẳng định cam kết duy trì các chuẩn mực dân chủ, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và khai thông.
“Hôm nay, chúng tôi đã thảo luận về mối quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế ngày càng sâu rộng giữa Liên minh Âu Châu và Nhật Bản,” ông Michel nói. “Chúng tôi đã giải quyết các mối bang giao song phương cùng các thách thức quan trọng của khu vực và toàn cầu, cũng như cách tốt nhất để phối hợp các phản ứng của chúng tôi.”
“EU và Nhật Bản thực sự là những đối tác cùng chí hướng. Chúng tôi cùng đại diện cho một phần tư GDP toàn cầu. Chúng tôi có một mối bang giao sâu sắc và năng động, được hiệp nhất bởi các giá trị căn bản của dân chủ và pháp quyền. Nhật Bản là đối tác chiến lược thân thiết nhất của chúng tôi tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ông Michel lưu ý mối bang giao giữa Nhật Bản và EU được nâng cao vì hai quốc gia đã có một mối quan hệ đối tác kinh tế kể từ năm 2019 và cho đến nay, Nhật Bản là quốc gia Á Châu duy nhất có mặt trong chiến lược của EU về củng cố an ninh và quốc phòng Âu Châu.
Do đó, ông Michel công nhận rằng Nhật Bản đã cung cấp “hỗ trợ nhân đạo, tài chính và quân sự đáng kể cho Ukraine và người dân” sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine, đồng thời nhấn mạnh mong muốn của Nhật Bản và EU trong việc xây dựng cam kết chung đó và mở rộng các cuộc đối thoại về cách giải quyết tốt nhất đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ngày càng hung hăng.
Ông Michel nói: “Hợp tác của chúng tôi ở Ukraine rất quan trọng khu vực Âu Châu, nhưng việc này cũng quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chúng tôi cũng muốn có các cuộc hội đàm sâu sắc hơn về một Trung Quốc quyết đoán hơn.”
“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc phải đứng lên để bảo vệ hệ thống đa phương mà họ đã được hưởng lợi từ việc phát triển quốc gia của họ.”
Bình luận của ông Michel lặp lại nhận xét của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman hồi tháng Tư khi bà lưu ý rằng đối với mọi nỗ lực của họ nhằm phá hoại trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, ĐCSTQ là “một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất của trật tự quốc tế dựa trên quy tắc đó trong nửa thế kỷ qua.”
Cái bóng của Trung Quốc trên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh quốc tế gia tăng phản đối nhằm đáp trả một loạt hoạt động của Trung Quốc. Các hoạt động này bao gồm những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm cưỡng bức mở rộng lãnh thổ của họ thông qua việc tạo ra các đảo nhân tạo, cam kết thống nhất Đài Loan với đại lục ngay cả bằng vũ lực, đàn áp liên tục các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số, một chiến dịch gián điệp và uy hiếp rộng lớn, và nỗ lực sâu rộng để hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ.
Do đó, ông Von der Leyen gọi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một “chiến trường căng thẳng” và cho biết EU sẽ cần phối hợp nhiều hơn với các đối tác như Nhật Bản để bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực.
“Liên minh Âu Châu muốn đóng một vai trò tích cực hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông von der Leyen nói. “Chúng tôi muốn nhận lấy trách nhiệm nhiều hơn trong một khu vực rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của chúng tôi.”
Tuy nhiên, ngoài nhận xét của ông Michel, rất ít người đề cập trực tiếp đến Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh này.
Tuy nhiên, các mối đe dọa đối với Đài Loan, cũng như các hành vi gây hấn và các cuộc diễn tập quân sự tăng cường ở Biển Hoa Đông và Biển Đông của ĐCSTQ đã được thảo luận kín.
Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo trình bày: “Chúng tôi vẫn thực sự lo ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông, trong đó có vùng biển xung quanh các đảo Senkaku và Biển Đông, đồng thời phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng có thể phá vỡ sự ổn định của khu vực và các quy tắc quốc tế dựa trên luật lệ.”
“Chúng tôi bày tỏ sự lo ngại nghiêm túc về các báo cáo về quân sự hóa, cưỡng bức và đe dọa ở Biển Đông.”
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan, đồng thời khuyến khích giải pháp hòa bình đối với các vấn đề của khu vực này.”
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, bất kể địa điểm, là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với toàn bộ trật tự quốc tế.”
Để đạt được mục tiêu đó, các nhà lãnh đạo tuyên bố rằng Nhật Bản và EU sẽ cùng phối hợp để mở rộng hợp tác thiết thực trong một số lĩnh vực, bao gồm an ninh hàng hải, quản lý khủng hoảng, an ninh mạng và chống lại thông tin sai lệch.
Ông Michel nói, những nỗ lực như vậy rất quan trọng đối với sự tiếp tục của một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng,” và hỗ trợ sự thống nhất và trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên. Các bình luận trên có thể báo hiệu một sự liên kết hơn nữa với Hoa Kỳ khi quốc gia này đang tổ chức cuộc tiếp đón 8 trong số 10 nhà lãnh đạo quốc gia của ASEAN tại Hoa Thịnh Đốn hôm 12/05 với nỗ lực xoay chuyển khu vực này rời xa mối quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ.
Các nhà lãnh đạo cho biết, “Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng vốn bao quát và dựa trên pháp quyền và các giá trị dân chủ, cũng như không bị ràng buộc bởi sự chèn ép, dựa trên các chiến lược bổ sung, tương ứng của chúng tôi cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Các nhà lãnh đạo cũng cho biết hành động này sẽ “dựa trên lợi ích chung và các giá trị chung của tự do, tôn trọng nhân quyền, dân chủ, pháp quyền, thương mại mở rộng, tự do và công bằng, chủ nghĩa đa phương hiệu quả và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Tân đối tác kỹ thuật số
Để đạt được những mục tiêu đó, các nhà lãnh đạo đã tuyên bố thông qua mối quan hệ đối tác kỹ thuật số mới (pdf) vốn sẽ tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và EU về một số vấn đề an ninh lớn nhất của thời đại.
Quan hệ đối tác kỹ thuật số Nhật Bản-EU là mối quan hệ đầu tiên thuộc loại hình này giữa EU và một quốc gia bên ngoài. Mối quan hệ này không tạo ra các nghĩa vụ pháp lý hoặc tài chính giữa hai chính phủ mà nhằm mục đích cùng thiết lập các cấu trúc để hợp tác về phát triển công nghệ, thực thi và chính sách.
Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm quyền riêng tư, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, quyền truy cập vào chất bán dẫn, 5G, AI, luồng dữ liệu, và khả năng liên kết liên quan đến quy định của công nghệ blockchain.
Mối quan hệ đối tác này sẽ mở rộng dựa trên các quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế còn tồn tại được EU và Nhật Bản duy trì, theo các tài liệu của EU (pdf), đã “cùng nhau tạo thành khu vực luồng dữ liệu an toàn lớn nhất thế giới, cho phép luồng dữ liệu cá nhân tự do và đáng tin cậy.”
Theo các nhà lãnh đạo, “sự sáng tạo này được dẫn dắt bởi “tầm nhìn tạo ra một thị trường nội bộ đích thực cho dữ liệu, nơi dữ liệu lưu chuyển tự do giữa các ngành và quốc gia.”
Tuyên bố này được đưa ra sau cảnh báo của một số chuyên gia rằng các nền dân chủ kiểu phương Tây và các chế độ độc tài ngày càng tách rời nhau, phá vỡ thế giới thành các “thế giới công nghệ” riêng biệt với các chuẩn mực, quy tắc và tiêu chuẩn công nghệ của riêng họ.
Các liên kết giữa Âu Châu và Á Châu dường như đang tiến triển, không hề suy thoái trước các mối đe dọa của ĐCSTQ, một điểm mà ông Kishida đã nhanh chóng nhấn mạnh.
Ông nói: “An ninh ở Âu Châu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể tách rời.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: