Nhật Bản công bố gói kích thích chi tiêu kỷ lục, ngược với xu hướng giảm dần trên toàn cầu
Nhật Bản đã công bố gói chi tiêu kỷ lục 490 tỷ USD vào thứ Sáu (18/11) để chống lại đòn kinh tế từ đại dịch COVID-19, ngược với xu hướng toàn cầu là rút các biện pháp kích thích trong thời kỳ khủng hoảng, và thêm lên căng thẳng cho nền tài chính vốn đã khó khăn của nước này.
Chi tiêu đã tăng lên do một loạt các khoản chi, bao gồm cả những khoản bị chỉ trích là không liên quan đến đại dịch, chẳng hạn như phát tiền mặt cho các hộ gia đình có thanh niên từ 18 tuổi trở xuống, và có khả năng sẽ dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu trong năm nay.
Khoản chi lớn này sẽ nhấn mạnh quyết tâm của Thủ tướng Fumio Kishida – từng được coi là người bảo thủ về tài khóa – tập trung vào việc tái cấu trúc nền kinh tế và phân phối lại của cải cho các hộ gia đình.
Ông James Brady, một nhà phân tích tại Teneo, cho biết: “Chính sách tiền tệ kiểu tăng sản lượng, kích thích chi tiêu và hạn chế tác động lạm phát (reflation) và chính sách tài khóa kiểu chơi lớn đi đầu bởi (cựu Thủ tướng) Shinzo Abe hiện là chính sách chính thống.”
“Mặc dù trước đây ông Kishida được biết đến là người hơi cứng rắn, nhưng dường như ông ấy sẽ tiếp tục mô hình Abenomics trong vài năm nữa.”
Gói này, được chốt tại cuộc họp nội các hôm thứ Sáu (18/11), bao gồm 55.7 ngàn tỷ yên (490 tỷ USD) chi tiêu cho các khoản từ chi trả tiền mặt cho các hộ gia đình, trợ cấp cho các công ty bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và dự phòng dành cho chi tiêu khẩn cấp cho đại dịch.
Quy mô chi tiêu lớn hơn nhiều so với mức 30-40 ngàn tỷ Yên (263 tỷ-351 tỷ USD) mà các thị trường ước tính, và chủ yếu sẽ được tài trợ bởi một khoản ngân sách bổ sung khoảng 32 ngàn tỷ Yên (281 tỷ USD) sẽ được tổng hợp trong năm nay. Phần còn lại có thể sẽ được tài trợ bởi ngân sách của năm tới.
Tổng gói này, khi bao gồm các khoản tiền không dẫn đến chi tiêu ngay lập tức, có thể sẽ lên tới 78.9 ngàn tỷ yên (693 tỷ USD).
Ông Kishida cho biết trong một cuộc phỏng vấn nhóm, “Chúng tôi sẽ huy động tất cả các công cụ có sẵn để tài trợ cho gói này, bao gồm cả phát hành trái phiếu bù đắp thâm hụt.” Ông không cho biết số nợ có thể được phát hành là bao nhiêu.
Các chỉ trích về gói này tập trung vào quy mô to lớn của nó.
Ông Takumi Tsunoda, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Ngân hàng Trung ương Shinkin, cho biết: “Việc làm tăng quy mô có thể đã trở thành mục đích với rất ít sự xem xét nào về việc chi tiêu có hiệu quả hay không. “Có rất nhiều chi tiêu lãng phí.”
Nhật Bản đã tụt hậu so với các nền kinh tế khác trong việc thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, buộc các nhà hoạch định chính sách phải duy trì hỗ trợ tài chính và tiền tệ lớn ngay cả khi các quốc gia tiên tiến khác giảm bớt các chính sách thời kỳ khủng hoảng.
Các nhà hoạch định chính sách hy vọng khoản chi tiêu mới sẽ giúp củng cố nền kinh tế, vốn đã suy giảm nhiều hơn dự kiến trong quý 3 do ảnh hưởng của tiêu dùng và xuất cảng do hạn chế đại dịch và gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Ba gói chi tiêu khổng lồ của Nhật Bản để chống lại đại dịch đã khiến nước này phải gánh khoản nợ dài hạn tồn đọng gần gấp đôi quy mô nền kinh tế 5 ngàn tỷ USD.
(1USD = 113,8423 yên)
Do Leika Kihara và Tetsushi Kajimoto của Reuters thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: