Nhật Bản tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn lần đầu tiên kể từ năm 1993 trước sự bành trướng của Trung Quốc
Hôm thứ Tư (15/09), lần đầu tiên sau gần 30 năm, Nhật Bản đã bắt đầu một cuộc tập trận quân sự quy mô như chiến đấu thật nhằm mục đích tăng cường năng lực phòng vệ quần đảo xa xôi của mình trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động hung hăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết, “Để đối phó hiệu quả với các tình huống khác nhau, bao gồm cả những cuộc tấn công vào quần đảo, điều then chốt là các lực lượng thiết yếu phải được khai triển nhanh chóng và rộng lớn, tùy thuộc vào tình hình,” theo hãng thông tấn Kyodo News có trụ sở tại Tokyo.
“Trong một môi trường an ninh ngày càng bất ổn, trọng tâm nhiệm vụ của chúng tôi sẽ là sự sẵn sàng vận hành,” quan chức này nói thêm.
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (GDSF) thông báo rằng cuộc tập trận này sẽ có sự tham gia của tất cả các đơn vị và sẽ được thực hiện cho đến giữa hoặc cuối tháng 11/2021. Các cuộc tập trận sẽ bao gồm khoảng 100,000 người, 20,000 phương tiện và 120 phi cơ, hãng thông tấn này đưa tin.
Tổng cộng 12,000 quân nhân và gần 4,000 phương tiện từ hai sư đoàn GSDF đóng tại Hokkaido, một tỉnh của Nhật Bản, và vùng Tohoku, cũng như một lữ đoàn ở khu vực Shikoku, sẽ bắt đầu sứ mệnh viễn chinh ở tây nam Nhật Bản vào tuần tới.
Cuộc diễn tập mới nhất của JGSDF là cuộc tập trận quân sự quy mô lớn đầu tiên kể từ năm 1993 – khi tất cả các đơn vị của JGSDF, đơn vị lớn nhất trong ba chi nhánh tác chiến ở Nhật Bản, đã tham gia vào một cuộc tập trận khoảng hai năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Hồi tháng Năm, hàng chục binh sĩ Nhật Bản, Mỹ và Pháp đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên của ba quốc gia đồng minh này trên đất Nhật Bản khi họ tìm cách tăng cường liên kết quân sự trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng.
Các cuộc tập trận thường niên của Đài Loan đạt đỉnh điểm
Cũng vào ngày 15/09, các chiến đấu cơ của Đài Loan đã hạ cánh xuống một đường băng tạm thời trên một dải đường cao tốc do Tổng thống Thái Anh Văn giám sát khi các cuộc tập trận thường niên của nước này đạt đến đỉnh điểm, những kỹ năng cần phải có trong trường hợp Trung Quốc tấn công và nhắm mục tiêu vào các căn cứ không quân dễ bị tổn thương của Đài Loan.
Bà Thái tái đắc cử hồi năm ngoái (2020) với cam kết đứng lên chống lại Trung Quốc, đã khiến việc hiện đại hóa quân đội chủ yếu được Hoa Kỳ trang bị của Đài Loan trở thành ưu tiên hàng đầu, biến nước này thành một “con nhím,” vừa có tính di động cao vừa khó bị tấn công.
Ba chiến đấu cơ – một chiếc F-16, Mirage do Pháp sản xuất, và một chiếc chiến đấu cơ Phòng thủ Nội địa Ching-kuo — cùng với một chiếc phi cơ cảnh báo sớm E-2 Hawkeye đã hạ cánh xuống vùng nông thôn phía nam quận Bình Đông trên một dải đường cao tốc được thiết kế bằng phẳng đặc biệt [tiện] cho sự chuyển đổi nhanh chóng từ đường bộ thành đường băng.
“Những kỹ năng chiến đấu tuyệt vời cũng như những hành động nhanh chóng và thực tế như vậy đến từ quá trình huấn luyện kiên cường mỗi ngày và cũng thể hiện sự tự tin của Lực lượng Không quân Trung Hoa Dân Quốc trong việc bảo vệ không phận của mình,” Bà Thái viết trên Facebook, trong đó nhắc đến tên chính thức của Đài Loan.
Đài Loan có năm đường băng khẩn cấp trên khắp hòn đảo có thể được đưa vào sử dụng trong trường hợp Trung Quốc tấn công nhằm tiêu diệt các căn cứ không quân, có nghĩa là lực lượng không quân vẫn có thể hoạt động.
Các cuộc tập trận ở Nhật Bản và Đài Loan diễn ra khi các đặc phái viên cao cấp từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc gặp nhau tại Tokyo hôm thứ Ba (14/09) để thảo luận về việc phát triển hỏa tiễn và nguyên tử của Bắc Hàn một ngày sau khi Bình Nhưỡng thử một hỏa tiễn hành trình tầm xa mới.
Cuối tuần qua, đất nước cộng sản này đã phóng thử thành công một hỏa tiễn mới có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 930 dặm. Các nhà phân tích cho biết hỏa tiễn này có thể là vũ khí đầu tiên có khả năng mang nguyên tử của Bắc Hàn.
Ông Richard Fisher, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế (IASC), nói với The Epoch Times trong một email hôm 13/09 rằng “rất có thể” Trung Quốc và Iran đã hỗ trợ việc phát triển và sản xuất loại hỏa tiễn này.
Bản tin có sự đóng góp của ông Anders Corr và Reuters
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: