Nhật Bản: Tình trạng thiếu trứng do cúm gia cầm gây ảnh hưởng đến các chuỗi nhà hàng, bán lẻ
Theo các bản tin, các nhà điều hành của các chuỗi nhà hàng và bán lẻ ở Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung trứng, khi nước này phải đối mặt với đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tệ hại nhất.
Trích dẫn Teikoku Databank, Bloomberg đưa tin cho biết, có ít nhất 18 nhà điều hành chuỗi nhà hàng được niêm yết tại Nhật Bản, trong đó có McDonald’s Holdings Co., đã tạm thời ngừng bán các món trong thực đơn liên quan đến trứng kể từ ngày 05/03.
Trong khi đó, cũng theo Teikoku Databank, một số sản phẩm từ trứng đã bị loại bỏ khỏi kệ của các cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven kể từ tháng Một do thiếu nguồn cung ở quốc gia Đông Á này.
Công ty nghiên cứu tài chính này cho biết giá bán buôn trứng ở Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi lên 327 yên (2.39 USD)/kg vào tháng trước so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Tình trạng khan hiếm trứng và giá tăng lên là do dịch cúm gia cầm lan rộng ở Nhật Bản, khiến khoảng 15 triệu con gà mái phải bị tiêu hủy. Dịch bệnh này đã lan ra hơn một nửa trong tổng số 47 tỉnh trên toàn quốc kể từ khi các trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào tháng Mười.
NHK News đưa tin, các quan chức địa phương đang kêu gọi người chăn nuôi gia cầm thực hiện các biện pháp cẩn mật để bảo vệ đàn gà của họ vì tin rằng chim di cư đến Nhật Bản trú đông đã mang theo virus.
Vấn đề toàn cầu
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn vì dịch cúm gia cầm. Focus Taiwan đưa tin cho hay, sản lượng trứng hàng ngày của Đài Loan đã giảm xuống còn 22.4 triệu quả vào tháng trước do dịch cúm gia cầm bùng phát, khiến giá của cả trứng gà và trứng vịt đều tăng.
“Vẫn còn quá sớm để nói khi nào nguồn cung trứng gà sẽ trở lại bình thường, mặc dù chính phủ đã hứa là tình trạng thiếu hụt sẽ kết thúc vào cuối tháng này,” ông Cao Truyền Mô (Kao Chuan-mo), chủ tịch hiệp hội tiếp thị trứng của Đài Loan, cho biết.
Nước này đã đặt hàng 5 triệu quả trứng từ Úc để bù đắp sự thiếu hụt, với ba chuyến hàng đầu tiên đã được giao vào ngày 28/02.
Sự bùng phát của virus đã lan rộng khắp Bắc Mỹ và Nam Mỹ, châu Âu, châu Á, và châu Phi.
Tại Hoa Kỳ, tổng lượng gia cầm chết đã lên tới 58 triệu con vào tháng trước (02/2023), vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2015, theo dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ.
Dịch bệnh này rất nguy hiểm đối với gia cầm đến mức, cả đàn thường bị tiêu hủy ngay cả khi chỉ một con có kết quả xét nghiệm dương tính.
Các chuyên gia y tế hiện cảnh báo rằng dịch bệnh này sẽ trở thành một vấn đề quanh năm khi người chăn nuôi gia cầm phải chật vật để bảo vệ đàn gia súc của họ.
Các chuyên gia cho biết dường như các loài thủy cầm như vịt và ngỗng hiện có thể mang mầm bệnh cúm gia cầm mà không có biểu hiện bệnh và dễ dàng lây bệnh cho các loại gia cầm chăn nuôi như gà và gà tây.
Các loài chim hoang dã chịu trách nhiệm chính trong việc phát tán virus và có thể mang mầm bệnh mà không bị chết và truyền bệnh cho gia cầm thông qua các chất thải bị nhiễm bệnh.
Thường không gây hại cho con người
Cúm gia cầm cũng có thể lây nhiễm sang động vật có vú hoang dã và con người, đặc biệt là những người tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho biết nguy cơ đối với con người là thấp.
Rose Acre Farms, nhà sản xuất trứng lớn thứ hai của Mỹ, cho biết họ đã mất khoảng 1.5 triệu con gà mái tại một trang trại ở Guthrie County, Iowa, vào năm ngoái.
Giám đốc điều hành Marcus Rust nói với Reuters rằng tất cả các nhân viên vào chuồng trại của họ đều phải tắm trước để loại bỏ bất kỳ dấu vết nào của virus.
Sau khi một trang trại của công ty ở Weld County, Colorado, bị tấn công hai lần trong vòng khoảng sáu tháng, dẫn đến việc tiêu hủy hơn 3 triệu con gà mái, ông Rust cho biết, “chúng tôi đã bị dịch bệnh gây tổn thất nặng nề,” và nói thêm, “thật không biết phải làm gì nữa.”
Bản tin có sự đóng góp của Bryan Jung và Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times