Nhật Bản tìm kiếm thêm ngân sách quốc phòng do lo ngại về Trung Quốc, Bắc Hàn
TOKYO – Hôm thứ Sáu (26/11), Nội các Nhật Bản đã thông qua một yêu cầu 770 tỷ yên (6.8 tỷ USD) cho một ngân sách quốc phòng bổ sung cho đến tháng Ba để xúc tiến việc mua hỏa tiễn, hỏa tiễn chống tàu ngầm, và các loại vũ khí khác trong bối cảnh gia tăng lo ngại về việc Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn leo thang các hoạt động quân sự.
Bản yêu cầu này, hiện vẫn đang chờ quốc hội chấp thuận, đưa chi tiêu quân sự của Nhật Bản trong năm hiện tại lên mức cao mới là hơn 6.1 ngàn tỷ yên (53.2 tỷ USD), tăng 15% so với 5.31 ngàn tỷ yên vào năm 2020.
Bộ Quốc phòng cho biết “gói tăng tốc và củng cố sức mạnh quốc phòng” của họ nhằm đẩy nhanh tốc độ khai triển một số thiết bị quan trọng từ yêu cầu ngân sách năm 2022. Các quan chức cho biết, mục tiêu là tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản trước mối đe dọa hỏa tiễn của Bắc Hàn và hoạt động hàng hải ngày càng quyết liệt của Trung Quốc xung quanh các hòn đảo xa xôi ở phía tây nam của Nhật Bản.
Nhật Bản cũng đã nêu lên mối lo ngại về các hoạt động quân sự chung gần đây của Trung Quốc và Nga gần vùng biển và không phận của họ.
Hôm thứ Ba (23/11), Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết một hạm đội gồm hai chiến đấu cơ H-6 của Trung Quốc và hai chiếc Tu-95 của Nga đã bay từ Biển Nhật Bản đến Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương, khiến các phi cơ phản lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phải nhanh chóng xuất kích.
Yêu cầu ngân sách này bao gồm gần 100 tỷ yên (870 triệu USD) cho phiên bản tiên tiến của phi cơ đánh chặn hỏa tiễn đất đối không di động PAC-3 và các thiết bị liên quan, cũng như các hỏa tiễn hành trình.
Ngoài ra, hơn 800 tỷ yên (7 tỷ USD) sẽ được dùng để đẩy nhanh việc mua trinh sát cơ và thiết bị, trong đó có ba chiếc P-1, thiết bị cho P-3C, và hệ thống phóng thẳng đứng để đặt trên hai khu trục hạm; nhằm tăng cường giám sát xung quanh lãnh hải và không phận của Nhật Bản.
Nhật Bản đang tăng cường phòng thủ ở các khu vực và đảo phía tây nam của mình, bao gồm cả Đảo Ishigaki, nơi sẽ đưa vào hoạt động một căn cứ quân sự mới với hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đất đối biển. Đảo Ishigaki nằm ở phía bắc của Quần đảo Senkaku không có người ở do Nhật Bản kiểm soát, cũng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi chúng là đảo Điếu Ngư.
Tokyo thường xuyên phản đối sự hiện diện của lực lượng tuần duyên Trung Quốc gần Quần đảo Senkaku.
Bộ cũng có kế hoạch xây dựng nhà ở cho binh lính chiến đấu trên bộ tại Đảo Ishigaki.
Ngân sách tổng hợp cho năm 2021 sẽ chỉ chiếm hơn 1% GDP của Nhật Bản, giữ nguyên giới hạn thông thường. Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông sẵn sàng tăng gấp đôi chi tiêu quân sự của Nhật Bản để ứng phó với môi trường an ninh ngày càng tồi tệ này.
Các quan chức cho biết, ngân sách quốc phòng này cũng nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nhà cung cấp thiết bị và phụ tùng quốc phòng Nhật Bản vốn đang phải chật vật để duy trì nền công nghiệp đang suy yếu của đất nước này.
Ngân sách quốc phòng này là một phần của một dự thảo ngân sách bổ sung gần 36 ngàn tỷ yên (316 tỷ USD) đã được Nội các thông qua hôm thứ Sáu để tài trợ cho gói kích thích kinh tế tập trung vào việc chuẩn bị cho đại dịch COVID-19 và hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. Một số nhà lập pháp đối lập đã chỉ trích chính phủ của ông Kishida vì đã sử dụng gói thúc đẩy này để trang trải chi tiêu quân sự.
Các nhà phê bình cũng cho rằng Nhật Bản, là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới với dân số đang ngày càng giảm dần, nên phân bổ nhiều tiền hơn dịch vụ cho chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác.
Năng lực và chi tiêu quân sự của Nhật Bản đã tăng liên tục kể từ khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức vào tháng 12/2012, và kể từ đó đã tăng 17%. Chính phủ của ông Abe đã cho phép quân đội Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế bằng cách áp dụng một cách giải thích mới về Điều 9 của hiến pháp từ bỏ chiến tranh hồi năm 2015.
Bản tin có sự đóng góp của Mari Yamaguchi
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: