Nhật Bản, Nam Hàn, Hoa Kỳ tổ chức đàm phán khi Bắc Hàn xác nhận vụ thử hỏa tiễn
Hôm thứ Hai (17/01), Nhật Bản, Nam Hàn, và Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán ba bên để thảo luận về các biện pháp ứng phó với “một loạt” các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn – vụ thứ tư đã diễn ra trong tháng này.
Trong cuộc điện đàm này, đặc phái viên Hoa Kỳ về Bắc Hàn Sung Kim bày tỏ lo ngại của Mỹ về “vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo mới nhất của CHDCND Triều Tiên trong tháng này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một tuyên bố.
Ông Kim nhắc lại rằng hành động của Bắc Hàn vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm nước này tham gia vào các hoạt động hỏa tiễn đạn đạo, đồng thời kêu gọi Bắc Hàn ngừng “các hoạt động bất hợp pháp và gây bất ổn” cũng như mở lại đàm phán, ông Price nói thêm.
Quay trở lại các cách tiếp cận ngoại giao cũ, Hoa Kỳ cho biết đề nghị đối thoại cởi mở của mình là “không có điều kiện tiên quyết”.
Đại diện của ba quốc gia đồng minh đồng ý tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc ứng phó với các hành động gây bất ổn của Bình Nhưỡng.
Nam Hàn và Nhật Bản đưa tin hôm thứ Hai (17/01) rằng Bắc Hàn bị nghi ngờ đã phóng hai hỏa tiễn đạn đạo vào Biển Đông từ Phi trường Sunan, lần phóng thứ tư như vậy trong tháng này.
Hôm thứ Ba (18/01), Bắc Hàn đã có bình luận đầu tiên về các vụ phóng thử, nói rằng họ đã thử nghiệm phóng hai “hỏa tiễn dẫn đường chiến thuật” để bảo đảm độ chính xác của hệ thống vũ khí đang được sản xuất của Bình Nhưỡng, theo Hãng thông tấn Trung ương Bắc Hàn do nhà nước kiểm soát (KCNA) của Bình Nhưỡng.
“Hai hỏa tiễn dẫn đường chiến thuật được phóng ở khu vực phía tây của [Bình Nhưỡng] đã nhắm trúng mục tiêu là một hòn đảo trên Biển Đông của Bắc Hàn,” cơ quan truyền thông của chế độ này tuyên bố.
Theo The Japan Times, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm thứ Ba cho biết thêm rằng họ tin là các hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn bị nghi ngờ này là một loại hỏa tiễn nhiên liệu rắn được gọi là KN-24, mà Bình Nhưỡng cũng đã thử nghiệm hồi tháng 03/2020.
Ông nói, KN-24 của Bắc Hàn giống với Hệ thống Hỏa tiễn Chiến thuật Lục quân MGM-140 (ATACMS) của Hoa Kỳ và được thiết kế để né tránh hệ thống phòng thủ hỏa tiễn và thực hiện các cuộc tấn công chính xác.
Trước đó, Bình Nhưỡng tuyên bố rằng hai vụ thử hỏa tiễn khác mà nước này thực hiện vào ngày 05/01 và ngày 11/01 là hỏa tiễn “siêu thanh”. Các cuộc thử nghiệm đó đã khiến chính phủ Tổng thống Biden áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Bình Nhưỡng vào ngày 12/01 và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa một số cá nhân và tổ chức của Bắc Hàn vào danh sách đen.
Tiếp theo đó là một vụ thử khác của Bắc Hàn hôm 14/01, khi chế độ này bắn thêm hai hỏa tiễn dẫn đường chiến thuật từ một đoàn tàu. Bộ Ngoại giao Bắc Hàn đã đưa ra một tuyên bố trước vụ phóng hỏa tiễn nhằm chỉ trích Hoa Kỳ vì đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng và cảnh báo về một phản ứng “mạnh mẽ hơn” nếu Hoa Thịnh Đốn duy trì lập trường “đối đầu”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric mô tả các cuộc phóng thử của Bắc Hàn hôm thứ Hai là “ngày càng đáng lo ngại” trong một cuộc họp báo, kêu gọi tất cả các bên quay trở lại đàm phán để xoa dịu căng thẳng và thúc đẩy “việc phi hạt nhân hóa có thể dễ dàng kiểm chứng của Bán đảo Triều Tiên.”
Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Melanie Sun và Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: