Nhật Bản đến nay vẫn chưa phản ứng trước mối đe dọa gia tăng từ Trung Cộng đến quần đảo của họ
Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia an ninh quốc gia của Trung Cộng chắc hẳn đã rất vui mừng trước việc Nhật Bản không phản ứng theo bất kỳ cách có ý nghĩa nào đối với quyết định của chế độ ở Bắc Kinh là cho phép cảnh sát biển của họ “nổ súng vào các tàu xung quanh quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông.”
Việc Nhật Bản không đưa ra được biện pháp đáp trả nào đối với các tàu hải cảnh Trung Cộng đang hiện diện trong lãnh hải của Nhật Bản ở quần đảo Senkaku có thể dẫn đến việc chế độ cộng sản sẽ chiếm đóng toàn bộ hoặc một phần quần đảo này.
Trên thực tế, nếu Trung Cộng tiếp tục tiến hành điều động quân đội và lực lượng chiếm đóng toàn bộ hoặc một phần quần đảo Senkaku, họ sẽ lặp lại những gì họ đã thực hiện trước đây ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, nhưng cũng như yêu sách của họ đối với các đảo và đá ngầm ở Biển Đông, những tuyên bố chủ quyền này không được bất kỳ quốc gia nào khác công nhận.
Theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh tương hỗ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, các bên đã đồng ý “rằng Hoa Kỳ nên duy trì các lực lượng vũ trang của riêng mình ở bên trong và xung quanh Nhật Bản nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công vũ trang vào Nhật Bản.”
Do đó, Hoa Kỳ có thể hành động thay cho Nhật Bản, mặc dù Hoa Kỳ gần như chắc chắn sẽ không làm điều đó trừ khi được Nhật Bản yêu cầu.
Tháng 11 năm ngoái (2020), Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận Keen Sword 21 trên khắp lục địa Nhật Bản, tỉnh Okinawa và các vùng biển lân cận của nước này. Vào thời điểm đó, Trung tướng Kevin Schneider, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản cho biết lực lượng liên quân đã chứng tỏ “khả năng điều động một số người” xung quanh các hòn đảo phía tây nam của Nhật Bản, và khả năng này “có thể được sử dụng để khai triển quân chiến đấu nhằm bảo vệ quần đảo Senkaku.”
Tuy nhiên, bất kỳ quyết định về việc lực lượng Hoa Kỳ đóng một vai trò nào đó ở quần đảo Senkaku gần như chắc chắn sẽ cần sự ủng hộ của Nhật Bản.
Trung Quốc đang thử nghiệm xem họ có thể tiến xa đến mức nào trong việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền ở Senkaku đồng thời tránh một cuộc đối đầu quân sự với Hoa Kỳ.
Cuối tháng 11 năm ngoái (2020), Trung Quốc đã đưa ra đề nghị “giảm bớt căng thẳng” giữa Nhật Bản và Trung Quốc về Senkaku, gợi ý rằng cả ngư dân Nhật Bản và Trung Quốc đều không được phép hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku.
Trung Quốc cũng đã đề nghị rằng “chỉ các tàu của chính quyền” mới được phép đến gần các đảo để “bảo đảm rằng các tàu thuyền đáng ngờ không đi vào vùng biển nhạy cảm.”
Nhật Bản đã bác bỏ lời đề nghị này của Trung Quốc, nói rõ rằng các tàu đánh cá của Nhật Bản sẽ tiếp tục hoạt động trong lãnh hải của Nhật Bản và rằng đề nghị của Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản.
Ngay cả trước khi Trung Quốc quyết định cho phép các tàu hải cảnh của họ “nổ súng vào” các tàu khác ở quần đảo Senkaku, họ đã cử các tàu hải cảnh hàng ngày tuần tra các vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố là nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình. Trước đó, các chiến hạm của Trung Cộng đã xua đuổi ngư dân Nhật Bản hoạt động quanh đảo Taisho, là đảo thuộc chuỗi quần đảo Senkaku. Việc Trung Cộng sử dụng hải cảnh thay vì hải quân là nhằm thể hiện yêu sách chủ quyền của họ.
Nhật Bản không có bất kỳ căn cứ quân sự nào ở quần đảo Senkaku. Nhưng trên đảo Yonaguni gần đó, Nhật Bản đã xây dựng một trạm radar cảnh báo sớm, vốn đi vào hoạt động từ năm 2016. Yonaguni cách Đài Loan khoảng 67 hải lý. Quần đảo Senkaku cách Yonaguni khoảng 80 hải lý về phía bắc-đông bắc. Nhật Bản từng có thể đặt radar trên một trong những đảo ở cực nam Senkaku nhưng đã quyết định không làm như vậy, có lẽ để không gây kích động đến người Trung Quốc.
Nhật Bản đang phải đối mặt với một tình huống khó xử. Nếu không có bất kỳ biện pháp bảo vệ quần đảo Senkaku tức thời nào, tất cả hoặc một số hòn đảo của quần đảo này có thể sẽ bị Trung Quốc chiếm đóng, bằng cách đưa ra đó một số ít “thường dân” hoặc lực lượng quân sự. Quần đảo Senkaku không phải là đảo có người sinh sống, vì vậy Trung Quốc cũng sẽ phải xây cơ sở hạ tầng như họ đã làm thành công ở Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể sử dụng hải cảnh để xua đuổi ngư dân Nhật Bản, như trước đây Trung Quốc đã làm với hải quân của nước này.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản dường như đang chờ đợi điều không thể tránh khỏi và dường như không thể đưa ra bất kỳ chính sách nào để đáp trả các mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Cộng.
Ông Stephen Bryen được coi là nhà lãnh đạo tư tưởng về chính sách bảo mật công nghệ, hai lần được trao tặng Huân chương Công vụ Xuất sắc, là danh hiệu dân sự cao quý nhất của Bộ Quốc Phòng. Cuốn sách gần đây nhất của ông là “An ninh công nghệ và sức mạnh quốc gia: Người thắng và kẻ thua.” (Technology Security and National Power: Winners and Losers)
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Stephen Bryen thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Xem thêm: