Nhật Bản đang thay đổi cách tiếp cận đối với quốc phòng (và đối với Trung Quốc)
Cách đây vài tuần, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã có cuộc gặp với Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc. Đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Biden với một nhà lãnh đạo quốc gia khác, và không phải ngẫu nhiên mà ông chọn Nhật Bản. Cả hai người đều coi đó là một cách để gửi tới Bắc Kinh một thông điệp. Và thông điệp chung của họ đã rõ ràng. Các nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới cam kết với hệ thống thương mại toàn cầu mở mà Bắc Kinh đang tích cực cố gắng xây dựng.
Thông điệp không thể nhầm lẫn vẫn là liên minh quân sự lâu đời giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn mạnh mẽ và liên minh này sẽ phục vụ ý định duy trì vị trí quyền lực kinh tế, ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Có thể không nghi ngờ gì về việc giới lãnh đạo Trung Quốc đã chú ý theo dõi, mặc dù không rõ ràng liệu phản ứng của họ sẽ thay đổi.
Ở khía cạnh nào đó, ông Suga đã thận trọng. Giống như người tiền nhiệm lâu năm của mình, ông Shinzo Abe, ông Suga nhận thức được tầm quan trọng kinh tế của Trung Quốc, trên toàn cầu và đặc biệt là đối với Nhật Bản. Ngành công nghiệp Nhật Bản là những nhà đầu tư ban đầu ở Trung Quốc, và ít nhất mức độ [đầu tư của Nhật Bản] vào Trung Quốc là khoảng 120 tỷ USD. Trung Quốc cho đến nay cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Giao dịch song phương giữa hai quốc gia hiện đã vượt quá 300 tỷ USD. Yếu điểm về mặt kinh tế này khiến Tokyo luôn dè dặt trong việc khiến Bắc Kinh mất lòng. Nhật Bản là quốc gia Á Châu duy nhất đã từ chối ký vào bản lên án của Liên Hiệp Quốc về việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác. Tokyo cũng đã từ chối cùng Hoa Kỳ lên án luật an ninh của Trung Quốc tại Hồng Kông. Cả hai vấn đề này cũng không được đề cập công khai trong cuộc họp giữa Tổng thống Biden-Thủ tướng Suga.
Mặt khác, ông Suga đã tận dụng cơ hội để chỉ ra những thay đổi quan trọng mà Nhật Bản đang thực hiện để đối phó với khu vực nguy hiểm xung quanh quốc gia này. Bắc Hàn đã bắn hỏa tiễn vào Biển Nhật Bản, trong khi Trung Quốc thường xuyên vi phạm chủ quyền của Nhật Bản, trong khi Trung Quốc thường xuyên vi phạm chủ quyền của Nhật Bản và thường xuyên thách thức lực lượng Tuần Duyên và các tàu hải quân của Nhật Bản xung quanh các đảo mà Nhật Bản tranh chấp với Trung Quốc, quần đảo Senkaku trong Nhật ngữ, hay còn gọi là đảo Điếu Ngư trong Hoa ngữ.
Ông Suga đã tận dụng cơ hội của Tòa Bạch Ốc để ràng buộc tranh chấp về hòn đảo này với nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và An ninh Hoa Kỳ-Nhật bản. Ông đã đề cập đến các vấn đề với Trung Quốc hoặc Bắc Hàn không dưới bảy lần trong đó, theo tiêu chuẩn ngoại giao, là một bản tóm tắt rất ngắn của cuộc họp. Tổng thống Biden đã không công khai thừa nhận các nghĩa vụ của Hoa Kỳ trong tranh chấp đảo Trung-Nhật, nhưng cả hai ông đều nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì một khu vự “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trong bối cảnh những gì họ mô tả là “thách thức” nghiêm trọng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngay cả những đề cập đến hợp tác kinh tế và công nghệ Nhật Bản – Hoa Kỳ cũng đã có sự lưu ý đến vị khán giả Bắc Kinh khi họ nhấn mạnh “chuỗi cung ứng an toàn.”
Bắc Kinh cũng có thể thấy rằng Nhật Bản từ lâu đã không còn đàm phán (tại Tòa Bạch Ốc hoặc bất kỳ nơi nào khác) và đã bắt đầu tích cực xem xét lại chủ nghĩa hòa bình lâu nay của mình. Ngay cả trước khi trở thành thủ tướng, ông Suga đã thúc đẩy các thay đổi hiến pháp cho phép các lực lượng vũ trang của Nhật Bản tấn công các địa điểm hỏa tiễn ở các nước khác (ngụ ý Bắc Hàn) nếu họ tỏ ra sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công vào Nhật Bản. Ông cũng đã thúc đẩy xây dựng quân đội Nhật Bản một cách toàn diện hơn. Ở Hoa Thịnh Đốn, ông Suga đã liên kết tất cả những nỗ lực này, dẫu là một cách gián tiếp, với liên minh với Hoa Kỳ.
Đây là một thay đổi đáng kể sẽ bắt đầu làm biến đổi các tính toán ngoại giao và quân sự của Á Châu. Trong nhiều thập kỷ cho đến nay và xuyên suốt sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, Nhật Bản, mặc dù là một cường quốc kinh tế đáng gờm, nhưng lại liên quan rất ít đến quân sự. Nhật Bản thực sự đã được sự bảo hộ bởi sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản. Nhưng Nhật Bản có thể viện rất ít cho Hoa Kỳ. Hiến pháp của Nhật Bản giới hạn chi tiêu quân sự chỉ ở mức 1.0% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước, rất nhỏ so với Trung Quốc và Hoa Kỳ, mỗi quốc gia chi hơn 3.0% GDP của họ với quy mô lớn hơn nhiều cho quốc phòng. Bởi hiến pháp của Nhật Bản nhấn mạnh đến quốc phòng theo cách ngoại trừ, bản hiến pháp này đã cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Nhật Bản nhằm phát huy sức mạnh và ủng hộ ý định của Bộ Quốc phòng (MoD) về việc đóng hai hàng không mẫu hạm và có thể đặt lực lượng bộ binh của Nhật Bản ở bên ngoài nước này. Bản hiến pháp cũng cấm Nhật Bản tham gia bất kỳ hiệp ước phòng vệ đa phương nào. Bất chấp quan hệ đồng minh lâu dài của Nhật Bản với Hoa Kỳ, Nhật Bản không thể viện trợ cho Hoa Kỳ, nếu chẳng hạn, một căn cứ của Hoa Kỳ ở Á Châu bị tấn công.
Ông Abe bắt đầu thay đổi tất cả những điều này. Dưới sự lãnh đạo của ông, MoD bắt đầu nhận được nhiều khoản tài trợ đáng kể. Do xảy ra đại dịch, nên ngân sách năm ngoái (2020) bị sai hướng, nhưng vào năm 2019, Bộ này đã nhận được 5.3 ngàn tỷ yen (47 tỷ USD), cao hơn 7.2% so với số ngân sách năm 2018. Một bước nhảy vọt như vậy sẽ là điều đáng chú ý ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng đặc biệt là ở Nhật Bản, nơi mà trước đây chi tiêu quốc phòng đã tăng khoảng 1% một năm. Các kế hoạch 5 năm duy trì mức chi tiêu và tăng trưởng cao này. Việc phân bổ các quỹ này được đề nghị nhắm vào Bắc Hàn và Trung Quốc.
Đối với Bắc Hàn, Nhật Bản nhấn mạnh “sự răn đe.” Nhật Bản đã bắt đầu một khoản nâng cấp lớn trong khả năng tác chiến điện tử của các chiến đấu cơ F-15 hiện có của nước này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã mua sáu chiến đấu cơ F-35A từ hãng Lockheed Martin. Các kế hoạch mới kêu gọi mua 147 chiến đấu cơ tân tiến này trong vài năm tới, cao hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu là mua 42 chiếc trong số đó. Cũng nhắm vào mối đe dọa từ Bắc Hàn một cách rõ ràng, nên ngân sách của Bộ Quốc phòng kêu gọi Nhật Bản nâng cấp khả năng cảnh báo sớm trên không và chi hơn 300 tỷ yen (2.7 tỷ USD) để khai triển hai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Aegis trên đất liền (“Aegis Ashore”) và các hệ thống hỏa tiễn đánh chặn khác do Hoa Kỳ sản xuất.
Quân đội Nhật Bản cũng lên kế hoạch cho các biện pháp chống lại Trung Quốc, chủ yếu là trên biển. Tất nhiên, việc nâng cấp các chiến đấu cơ F-15 và F-35 mới là câu trả lời cho Trung Quốc. Đáng chú ý hơn là Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch mua sắm phi cơ không người lái đường dài RQ-40 Global Hawk, tài trợ nghiên cứu để phát triển một thiết bị giám sát không người lái từ khoảng cách xa dưới biển, và mặt khác tăng cường sức mạnh của hải quân bằng cách mua thêm hỏa tiễn phòng không và đạn chống ngư lôi cũng như nhiều hỏa tiễn dự phòng hơn. Các kế hoạch cũng kêu gọi đóng một chiếc tàu ngầm mới, theo cách nói của các tài liệu ngân sách của MoD, nhằm “phát hiện, v.v.” (Không nghi ngờ gì, “v.v.” đề cập đến khả năng tấn công có thể đặt ra câu hỏi đối với hiến pháp.) Nhật Bản cũng có kế hoạch chế tạo hai khu trục hạm nhỏ gọn, đa năng mới cũng có thể quét mìn. Họ sẽ đưa lực lượng hộ tống hạm đội lên tổng cộng 54 tàu, một sự nâng cấp đáng kể so với quá khứ.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tìm kiếm những cách thức chung hơn để Nhật Bản thể hiện sức mạnh quân sự và đứng ngang hàng với các đồng minh của mình. Bộ này tìm cách mua một tàu chở dầu để hỗ trợ hải quân trên biển, một tuyên bố rõ ràng rằng kế hoạch của hải quân Nhật Bản đã vươn ra ngoài nhiệm vụ phòng thủ ven biển. Bộ này cũng tìm kiếm 2 phi cơ vận tải C-2 mới và 6 trực thăng UH-X đặc biệt nhằm mục đích dàn quân nhanh chóng cũng như kinh phí đào tạo để lực lượng mặt đất Nhật Bản sẵn sàng các cuộc khai triển quân ở xa hơn. Cơ quan này cũng tìm cách tái trang bị một hàng không mẫu hạm trực thăng hiện có để phục vụ các chiến đấu cơ F-35 mới và sau đó đóng hàng không mẫu hạm thứ hai. Theo một số cách giải thích, điều này rõ ràng vi phạm các quy định nghiêm ngặt về quyền tự vệ trong hiến pháp của Nhật Bản, mặc dù Bộ Quốc phòng đã diễn tả các yêu cầu bằng các điều khoản phòng vệ. Bộ này cũng tìm cách tích hợp nhiều hơn quyền chỉ huy, kiểm soát và lập kế hoạch của Nhật Bản với các đồng minh, hiển nhiên, là với Hoa Kỳ, nhưng cũng với cả Ấn Độ, Úc, và ASEAN, nói cách khác là các quốc gia này đang cố gắng kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc.
Cùng với những hướng đi này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt tay vào một nỗ lực hiện đại hóa trên diện rộng. Bộ này đã dành quỹ để thiết lập bộ phận mà ở Hoa Kỳ có thể đã đặt tên là Bộ chỉ huy phòng thủ mạng và để điều tra việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quân đội. Bộ này [cũng] đã dành riêng quỹ phát triển để cuối cùng lắp đặt các biện pháp bảo vệ cho các vệ tinh của Nhật Bản, bao gồm một kính viễn vọng quang học để xác định các vật thể bay gần chúng. Cơ quan này đã dành thêm khoản tiền không lớn 2.7 tỷ yen (24 triệu USD) để làm việc với Hoa Kỳ về điều mà họ gọi là “nhận thức quốc tế về không gian ngoài khí quyển.” Những nỗ lực này không chỉ đáp ứng nhu cầu xa hơn, mà tài liệu ngân sách còn nhấn mạnh rằng chúng cũng sẽ giúp ứng phó với tỷ lệ sinh thấp phổ biến trong thời gian dài của Nhật Bản và tình trạng thiếu hụt người trong độ tuổi nhập ngũ. Một khía cạnh khác của nỗ lực này là sự thúc đẩy rất không mang tính Nhật Bản của bộ này nhằm đưa nhiều phụ nữ hơn nữa vào lực lượng vũ trang.
Rõ ràng là Nhật Bản đang chuẩn bị thay đổi đẳng thức an ninh ở Tây Thái Bình Dương. Nếu ông Suga vẫn tiếp tục sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình, vì ông ấy chắc chắn có kế hoạch thực hiện, như vậy sự thay đổi sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Nó sẽ làm sai lệch các tính toán của Hoa Thịnh Đốn. Bắc Kinh chắc chắn sẽ lưu ý. Việc Bắc Kinh phản ứng thế nào, vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo Của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Milton Ezrati thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: