Nhạc cụ Trung Hoa và yếu tố Đông-Tây trong sáng tác
PHỎNG VẤN NHANH CÁC NHÀ SOẠN NHẠC GIAO HƯỞNG SHEN YUN
Sau khi trải nghiệm chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun, một câu hỏi có thể đọng lại trong tâm trí khán giả: Làm thế nào các nhà soạn nhạc của Shen Yun có thể phối hợp hai thế giới âm nhạc cổ điển phương Tây và phương Đông hoàn toàn khác biệt lại với nhau?
Kể từ khi Shen Yun ra đời năm 2006, hơn 100 tác phẩm nguyên tác của các nhà soạn nhạc này đã cho thấy công việc khó khăn này có thể mang lại những kết quả đầy khích lệ như thế nào. Trong các tác phẩm dành cho các chương trình biểu diễn mỗi mùa, các nhạc cụ truyền thống Tây phương mang đến sự hùng tráng và độ chính xác của dàn nhạc Tây phương với đa dạng các nhạc cụ thuộc bộ dây, bộ hơi, bộ kèn đồng, bộ gõ. Và xuyên qua tất cả, thanh âm của các nhạc cụ cổ điển Trung Hoa tỏa sáng, khác biệt và vượt thời gian.
Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun đã đưa sự tương tác này lên một tầm cao mới. Giờ đây, các nhà soạn nhạc nội trú của Shen Yun đã có được một dàn nhạc giao hưởng đầy đủ của riêng mình và thậm chí cả một bảng màu lớn riêng để sáng tác.
Chúng tôi đã ngồi lại với hai nhà soạn nhạc xuất sắc nhất của Shen Yun để xem liệu chúng ta có thể hiểu rõ hơn về sự phối hợp Đông Tây hoàn hảo này hay không.
Hỏi: Ông vận dụng các đặc điểm của nhạc cụ phương Tây và nhạc cụ Trung Hoa như thế nào trong sáng tác của mình?
Ông Đàm Tuấn Nghị: Vũ đạo của Shen Yun xoay quanh vũ đạo Trung Hoa cổ điển và các điệu múa dân tộc, và phần nhạc được điều chỉnh để phù hợp với các điệu múa. Khi viết nhạc cho các điệu múa khác nhau, chúng tôi cần đánh giá đầy đủ cách thể hiện tốt nhất những đặc điểm và ‘hương vị nguyên bản’ của điệu múa ấy. Để thể hiện đúng phong cách và đặc điểm dân tộc, cách tốt nhất là sử dụng các nhạc cụ Trung Hoa như đàn nhị hồ và đàn tỳ bà.
Chắt lọc tinh hoa của hai truyền thống âm nhạc vĩ đại này, đồng thời trình bày một chủ đề xuyên suốt, là một trong những nét đặc trưng trong các sáng tác của Shen Yun. Khi hòa âm phối khí, tôi chủ yếu vận dụng kỹ thuật phối khí của phương Tây. Nhưng đồng thời, bố cục và cảm xúc của giai điệu phải phù hợp với đặc tính độc nhất của âm nhạc Trung Hoa.
Âm nhạc Shen Yun được phối sao cho bộ hơi và bộ dây của nhạc cụ Tây phương làm nền, còn các nhạc cụ Trung Hoa lĩnh tấu phần giai điệu. Tất nhiên, khi cần tăng độ dày, những phẩm chất độc đáo của bộ hơi và bộ dây cũng được phát huy.
Hỏi: Các nhạc cụ truyền thống Trung Hoa và Tây phương có những điểm gì khác biệt thưa bà?
Bà Tịnh Huyền: Âm nhạc cổ điển Trung Hoa có cùng nguồn gốc với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác của Trung Quốc. Dù là quy trình chế tạo nhạc cụ hay âm sắc của chúng, mọi phương diện của truyền thống này đều mang đậm tính biểu tượng và nội hàm sâu sắc.
Lấy đàn tì bà làm ví dụ. Cây đàn cao ba thước năm thốn: số ‘ba’ tượng trưng cho tam tài – thiên, địa, nhân; ‘năm’ tượng trưng cho ngũ hành – kim, mộc, thủy, hỏa, và thổ. Rồi đàn tì bà còn có bốn dây, tượng trưng cho bốn mùa.
Một ví dụ khác là cách sáo và đàn tỳ bà thường được chơi cùng nhau. Đằng sau sự ghép đôi này là ý tưởng về đôi rồng phượng tốt lành thường thấy trong các tác phẩm nghệ thuật truyền thống Trung Hoa. Sáo tượng trưng cho rồng và đàn tỳ bà tượng trưng cho phượng hoàng.
Cách phân loại nhạc cụ ở phương Đông và phương Tây là khác nhau. Nhạc cụ phương Tây được phân loại theo cách chơi – bộ dây, bộ gõ, bộ kèn đồng, bộ hơi. Nhưng nhạc cụ Trung Hoa được phân loại theo âm sắc và chất liệu làm ra chúng.
Ở Trung Quốc cổ đại, các nhạc cụ được chia thành tám nhóm: kim (kim loại), thạch (đá), thổ (đất nung), cách (da), ti (dây), mộc (gỗ), bào (bầu) và trúc. Chúng được gọi là “bát âm” và đây là một trong những hệ thống phân loại nhạc cụ sớm nhất. Chẳng hạn, “kim âm” bao gồm Biên Chung (một nhạc cụ cổ có 16 chiếc chuông); “cách âm” gồm có trống; “ ti âm” dùng để chỉ các nhạc cụ ban đầu sử dụng dây lụa, như đàn tam thập lục; “trúc âm” bao gồm các loại sáo khác nhau, v.v.
Chất lượng âm sắc của nhạc cụ Trung Hoa cũng gắn liền với triết lý Trung Hoa. Triết học truyền thống Trung Hoa tin rằng vạn vật đều có linh; vạn vật đều có sinh mệnh. Phản ánh trong âm nhạc Trung Hoa, điều này có nghĩa là mọi nốt nhạc đều là sinh mệnh sống.
Mời quý vị thưởng lãm tác phẩm nguyên tác “Hoa Ưu Đàm Bà La”
Video này là một phần trong bộ sưu tập gói cao cấp của Tác Phẩm Shen Yun.
Nhận quyền truy cập để xem video đầy đủ bằng cách đăng ký ngay hôm nay!
✓ Truy cập không giới hạn tất cả video nguyên tác của Shen Yun
✓ Thưởng thức trên tất cả thiết bị, mọi lúc, mọi nơi
✓ Bắt đầu 7 ngày dùng thử miễn phí
✓ Đăng ký tại: https://www.shenyuncreations.com/vi-VN/subscription
The Epoch Times tự hào là một nhà tài trợ của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chúng tôi đã đưa tin về phản hồi của khán giả từ những ngày đầu thành lập Shen Yun vào năm 2006.
Hoan nghênh quý vị tìm hiểu thêm tại:
Thanh Hư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Shen Yun Performing Arts