Đằng sau những Nốt nhạc, Phần 1: Đôn Hoàng
Với sứ mệnh hồi sinh nền văn hoá Thần truyền 5,000 năm, Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun đã đang làm say lòng khán giả khắp thế giới với những tác phẩm âm nhạc độc đáo và đầy lôi cuốn, thông qua diễn xuất của một dàn nhạc kết hợp tinh thần, vẻ đẹp và sự độc đáo của các nhạc cụ truyền thống Trung Hoa với sự chuẩn xác, mạnh mẽ và khí thế của dàn nhạc cổ điển Tây phương.
Để giúp khán giả có cái nhìn sâu sắc hơn về những giá trị nghệ thuật cũng như vẻ đẹp của âm nhạc Shen Yun, tại đây Epochtimes Tiếng Việt giúp quý vị chuyển ngữ chương trình podcast “Beyond the Note” (Đằng sau những Nốt nhạc) được đăng tải trên nền tảng Shen Yun Zuo Pin. Xin mời quý vị cùng thưởng thức.
Xin chào và chào mừng quý vị đến với Shen Yun Podcast. Quý vị đang nghe Tập 1 của chương trình Đằng sau những Nốt nhạc, loạt bài phát thanh giúp chúng ta khám phá âm nhạc của Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, công ty âm nhạc và vũ đạo Trung Hoa cổ điển hàng đầu thế giới. Tôi là chủ trì chương trình, Leeshai Lemish.
Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về “Đôn Hoàng”, một tác phẩm trong chương trình hòa nhạc năm 2017 của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun, kể về câu chuyện một nhà điêu khắc tượng Phật làm việc trong các hang động hẻo lánh ở Đôn Hoàng. Lần nọ quá mệt, ông ngủ thiếp đi, và hàng ngàn bức tượng Phật cùng những bức bích họa xung quanh ông hóa thành thật. Nhưng trước khi tìm hiểu bản nhạc này, chúng ta hãy cùng khám phá một số thông tin cơ bản.
Đôn Hoàng là một trấn ốc đảo ở vùng tây bắc Trung Quốc xa xôi, bên rìa sa mạc Gobi. Nơi này trở thành một phần của Hoàng triều Trung Hoa trong thời nhà Hán khoảng 2,000 năm trước và phát triển thành một trong những thị trấn biên giới quan trọng nhất của Trung Quốc dọc theo Con đường Tơ lụa.
Đôn Hoàng sau này đã trở thành một trong những cửa ngõ chính nơi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc. Ngày nay, Đôn Hoàng nổi tiếng nhất với những bức bích họa đồ sộ trên vách hang và các tác phẩm nghệ thuật cổ ở Hang Mạc Cao. Trong nhiều thế kỷ, đây là địa điểm hành hương để lễ bái và thiền định, phổ biến nhất là vào khoảng thế kỷ thứ 7 ở thời kỳ đỉnh cao của triều đại nhà Đường. Mỗi hang động đều có một bức tượng Phật khổng lồ làm trung tâm, được bao quanh bởi những bức tượng nhỏ hơn của các nữ Bồ Tát và các thiên binh thiên tướng. Các bức bích họa đầy màu sắc thể hiện khung cảnh thiên đường với rất nhiều phi thiên bay lượn, cũng như các vị vương thần và hàng ngàn vị Phật đang đả tọa. Những khung cảnh này khắc họa lòng từ bi uy nghiêm của Đức Phật hoặc sự khủng khiếp của địa ngục.
Có hơn 700 hang động ở Mạc Cao với nhiều hệ thống hang động hơn ở các khu vực xung quanh. Các bức bích họa có diện tích gần nửa triệu feet vuông. Người ta đã phát hiện được hơn 2000 tác phẩm điêu khắc đa dạng, từ những bức chạm khắc nhỏ nhất chỉ cao 4 inch cho đến bức tượng Phật vĩ đại ở Hang 96. Bức tượng nổi tiếng này cao 108 feet, tương đương với một tòa nhà 10 tầng.
Vậy tất cả những tác phẩm nghệ thuật này đến từ đâu? Câu chuyện nguyên bản phổ biến nhất kể về một tu sỹ Phật giáo tên là Lạc Tôn. Vào khoảng năm 366, Lạc Tôn đang thiền hành qua sa mạc Gobi thì dừng chân nghỉ ngơi tại một ốc đảo gần Đôn Hoàng. Khi hoàng hôn buông xuống, bầu trời đột nhiên tràn ngập những vị Phật khổng lồ tỏa sáng và các tiên nữ mang theo ánh sáng rực rỡ cùng thiên nhạc. Vị tu sỹ xúc động trước cảnh tượng này đến mức ông quyết định ở lại và lưu lại mãi mãi những linh ảnh mà ông nhìn thấy. Vị tu sỹ liền bước vào một trong những hang động gần đó và bắt đầu lấp đầy hang với các tác phẩm nghệ thuật. Lạc Tôn không phải là người duy nhất được ban phước với các khải tượng vì ngày càng có nhiều người tìm đạo và các nghệ thuật gia đến với thánh đường xa xôi này. Cảm nhận được sự hiển linh của Thần Phật, họ dần trang hoàng các hang động bằng những bức bích họa, các bức tranh, tượng, các bức chạm khắc, đồ gốm, và thơ ca trong suốt một ngàn năm sau đó.
Tác phẩm “Đôn Hoàng” của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun do ngài D.F sáng tác và Tịnh Huyền phối khí. Ban đầu tác phẩm này được viết cho vở vũ kịch biểu diễn trong chương trình vũ đạo năm 2018 của Shen Yun, có tên là “Tạc tượng”, kể về một nhà điêu khắc miệt mài làm việc trong một hang động hẻo lánh. Đức tin và sự cống hiến cho nghệ thuật của ông đã cảm động cả thiên thượng và mang đến một khung cảnh kỳ diệu. Bản nhạc “Đôn Hoàng” được chuyển thể cho dàn nhạc giao hưởng từ âm nhạc của vở vũ kịch “Tạc tượng”.
Phần mở đầu hùng tráng lấy bối cảnh câu chuyện vào thời Đại Đường, thường được coi là thời kỳ hoàng kim của văn hóa Trung Hoa.
(Âm nhạc)
Đây là một thời kỳ đa tôn giáo, và Phật giáo nói riêng có ảnh hưởng to lớn đến xã hội và nghệ thuật Trung Hoa.
(Âm nhạc)
Sau phần mở đầu tráng lệ, chúng ta đến một hang động tối tăm, lạnh lẽo, với những tiếng nước nhỏ giọt và một lời cầu nguyện run rẩy, đơn độc. Bao quanh bởi những bức bích họa cao chót vót, nhà điêu khắc của chúng ta đang hoàn thiện một bức tượng tiên nữ cỡ người thật. Tiếng sáo khe khẽ cất lên giai điệu gợi đến những nghi lễ trong các ngôi chùa Phật giáo, nơi có tiếng tụng kinh gõ mõ của các nhà sư.
(Âm nhạc)
Giai điệu về nhà điêu khắc trước tiên được chơi bằng kèn Pháp, uy nghiêm và vững chãi, miêu tả sức nặng trong trái tim ngoan đạo nhưng mệt mỏi của ông. Chúng ta còn nghe thấy tiếng đàn nhị hồ Trung Hoa, một loại nhạc cụ hai dây có lịch sử hàng ngàn năm.
(Âm nhạc)
Chẳng mấy chốc, nhà điêu khắc mệt mỏi của chúng ta ngủ thiếp đi khi âm nhạc tắt dần. Và có gì đó thay đổi. Khi thanh âm của đàn hạc và đàn tỳ bà cất lên, bức tượng tiên nữ tỉnh dậy.
(Âm nhạc)
Bức tượng sống bước xuống bục một cách duyên dáng và nàng bắt đầu múa. Giai điệu này được chơi bởi đàn tỳ bà Trung Hoa, một loại đàn gảy có bốn dây.
(Âm nhạc)
Không phải ngẫu nhiên mà đàn tỳ bà được dùng để tấu lên điệu múa của các tiên nữ. Trong tất cả các loại nhạc cụ được vẽ trên các bức bích họa ở Đôn Hoàng, có lẽ phổ biến nhất là đàn tỳ bà, thường được vẽ cùng đôi bàn tay dịu dàng của một tiên nữ. Trong đoạn song tấu tiếp theo này, đàn tỳ bà và đàn nhị hồ tương phản với phần còn lại của dàn nhạc để khám phá và xây dựng trên các thanh âm của Trung Hoa cổ. Bộ hơi đáp lại các nhạc cụ Trung Hoa, cuộc trò chuyện giữa Đông và Tây này phản ánh sự trao đổi văn hóa của Con đường Tơ lụa.
(Âm nhạc)
Dần dần các thanh âm của dàn nhạc vang lên đến khi tất cả các bức bích họa và các bức tượng đột nhiên thức dậy.
(Âm nhạc)
Giai điệu của bộ dây trào lên khi các Phi Thiên bay xuống từ trên đỉnh hang để cùng các tiên nữ múa cho nhà điêu khắc hân hoan của chúng ta.
(Âm nhạc)
Hang Mạc Cao còn được gọi là Hang Ngàn Phật. Hàng hàng nối tiếp các tượng Phật được chạm khắc đả tọa trong tư thế hoa sen, các thế thủ ấn của họ như một ngôn ngữ, sự hiện diện của họ khiến các hang động này ngập tràn sinh khí, xác thực niềm tin rằng ngay cả trong đau khổ, chúng ta cũng không đơn độc.
(Âm nhạc)
Với sự khẳng định của giai điệu cuối, nhà điêu khắc nhận ra rằng năng lực của mình cũng là món quà được Thần ban cho. Người xưa tin rằng các vị Thần sẽ hiện ra với những người có đức tin. Ngược lại, các tín hữu có một nghĩa vụ thiêng liêng là chia sẻ những gì họ chứng kiến, rằng cuộc sống còn nhiều điều hơn những gì con người nhìn thấy.
(Âm nhạc)
Cảm ơn quý vị đã lắng nghe, tôi là Leeshai, chúng tôi sẽ gặp lại quý vị trong tập tiếp theo của chương trình Đằng sau những Nốt nhạc.
Để tìm hiểu thêm về Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun, vui lòng truy cập trang web của chúng tôi. Đĩa CD của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun hiện có trên iTunes và cửa hàng Shen Yun Collections.
Chuyến lưu diễn quốc tế của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun dừng chân tại Carnegie Hall ở New York, Boston Symphony Hall, cũng như Chicago, Washington, Toronto và các thành phố ở Châu Á. Để tìm hiểu thêm, hãy truy cập ShenYun.com.
Video trong bài là một phần trong bộ sưu tập gói cao cấp của Tác Phẩm Shen Yun.
Nhận quyền truy cập để xem video đầy đủ bằng cách đăng ký ngay hôm nay!
✓ Truy cập không giới hạn tất cả video nguyên tác của Shen Yun
✓ Thưởng thức trên tất cả thiết bị, mọi lúc, mọi nơi
✓ Bắt đầu 7 ngày dùng thử miễn phí
✓ Đăng ký tại: https://www.shenyuncreations.com/vi-VN/subscription
The Epoch Times tự hào là một nhà tài trợ của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chúng tôi đã đưa tin về phản hồi của khán giả từ những ngày đầu thành lập Shen Yun vào năm 2006.
Hoan nghênh quý vị tìm hiểu thêm tại:
Ganjing World: https://www.ganjingworld.com/zh-TW/channel/uKDuVZFTkSNei
IG: https://www.instagram.com/shenyunworks/
Facebook: https://www.facebook.com/ShenYunZuoPin
Twitter: https://twitter.com/sycreations_ch
Thanh Hư biên dịch